Hội thảo "Sàng lọc ung thư phổi: Kinh nghiệm quốc tế và định hướng tại Việt Nam", được Viện Ung thư Quốc gia (Bệnh viện K) phối hợp cùng AstraZeneca Việt Nam, tổ chức ngày 11-4, tại Hà Nội.
Đây là dịp các chuyên gia trong nước và quốc tế chia sẻ kinh nghiệm và định hướng xây dựng chương trình sàng lọc ung thư phổi toàn diện cho Việt Nam

Theo các chuyên gia, ung thư phổi hiện là nguyên nhân tử vong do ung thư cao thứ hai tại Việt Nam
Theo GLOBOCAN 2022, Việt Nam ghi nhận 24.426 ca mắc mới và hơn 22.597 ca tử vong do ung thư phổi mỗi năm, với tỉ lệ sống thêm 5 năm chỉ đạt khoảng 14,8%. Bệnh đứng thứ 3 về tỉ lệ mắc mới và thứ 2 về tỉ lệ tử vong trong số các bệnh ung thư, sau ung thư gan.
GS-TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K, cho biết nếu được phát hiện sớm, cơ hội điều trị thành công bệnh ung thư phổi sẽ cao hơn rất nhiều. Việc xây dựng chương trình sàng lọc và hệ thống quản lý bệnh là yêu cầu cấp thiết.
Tại Bệnh viện K, mỗi năm khám khoảng 12.000 lượt người bệnh liên quan bệnh lý u phổi, trong đó điều trị gần 3.200 bệnh nhân/năm. Đa số bệnh nhân chẩn đoán ở giai đoạn không thể phẫu thuật, chiếm 75%, tiên lượng sống kém.
Ở giai đoạn sớm, bệnh thường không có triệu chứng hoặc nhầm lẫn với các triệu chứng bệnh lý hô hấp khác, dễ bỏ sót.
Do đó, bác sĩ khuyến cáo người dân tầm soát ung thư định kỳ, đặc biệt người từ 50 tuổi trở lên, có tiền sử hút thuốc, đã bỏ thuốc dưới 15 năm hoặc có tiền sử ung thư phổi trong gia đình.
Tại hội thảo, các chuyên gia cũng chia sẻ kinh nghiệm tại Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) về hiệu quả sàng lọc quy mô toàn quốc và nhấn mạnh phát hiện sớm là yếu tố then chốt giúp giảm tỉ lệ tử vong, tối ưu hóa chi phí điều trị.
Chuyên gia kiến nghị Việt Nam cần xây dựng chính sách hỗ trợ từ BHYT, đồng thời giảm giá thuốc và tăng cường tiếp cận với các liệu pháp điều trị mới, nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của sàng lọc ung thư sớm.

Các bác sĩ Bệnh viện K phẫu thuật một ca ung thư phổi
Tại sự kiện, Viện Ung thư Quốc gia công bố khởi động nghiên cứu về ghi nhận ung thư phổi tại Việt Nam giai đoạn 2025–2030". Nghiên cứu có sự tham gia của 7 bệnh viện trên cả nước như: Bệnh viện K, Phổi Trung ương, Ung bướu TP HCM, Ung bướu Hà Nội, Ung bướu Cần Thơ, Ung bướu Đà Nẵng, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch và sự hỗ trợ của AstraZeneca.
Mục tiêu của nghiên cứu là xây dựng cơ sở dữ liệu thực tiễn, phục vụ hoạch định chính sách và nâng cao chất lượng chăm sóc bệnh nhân ung thư phổi tại Việt Nam.
Bình luận (0)