Ngày mai, 15-5, tại cảng Sài Gòn - Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TP HCM, tàu cao tốc Thăng Long khởi hành chuyến đầu tiên đưa hành khách tới cảng Bến Đầm, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Thuận lợi cho hành khách
Theo kế hoạch khai thác, cách mỗi ngày sẽ có 1 chuyến từ TP HCM đi Côn Đảo lúc 7 giờ và chuyến ngược lại lúc 13 giờ.
Để hỗ trợ hành khách thuận tiện đến cảng Sài Gòn - Hiệp Phước, từ ngày 15 đến 31-5, Công ty CP Tàu cao tốc Phú Quốc bố trí xe trung chuyển đón khách từ Công viên 23 Tháng 9 (quận 1, TP HCM) hoặc hành khách có thể đi tàu cao tốc trung chuyển từ bến Bạch Đằng ra cảng Sài Gòn - Hiệp Phước với thời gian khoảng 52 phút, do Công ty TNHH Công nghệ Xanh DP (GreenlinesDP) thực hiện. Mọi hình thức trung chuyển đều miễn phí.
Ông Vũ Văn Khương, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Tàu cao tốc Phú Quốc, cho biết công ty đã phối hợp Bộ Quốc phòng để đóng tàu Thăng Long phục vụ tuyến vận tải này. Tàu có tiêu chuẩn quốc tế với trang thiết bị hiện đại, bảo đảm tiêu chuẩn cao nhất của hệ thống an toàn tàu biển trên thế giới.
Tàu Thăng Long được xem là tàu khách trên biển lớn nhất hiện nay ở Việt Nam. Tàu làm bằng hợp kim nhôm, dài gần 80 m, rộng hơn 9,5 m với 4 tầng, sức chứa 1.017 khách. Mũi tàu với thiết kế đặc biệt giúp chịu được sức gió lớn cũng như giảm say sóng. Phương tiện với tốc độ đến 35 hải lý/giờ này trong điều kiện thời tiết thuận lợi có thể tới Côn Đảo chỉ 4,5 giờ.
Theo ông Khương, công ty quyết tâm thực hiện tuyến vận tải này dù trải qua nhiều khó khăn. Được sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ Giao thông Vận tải, từ tháng 4-2024, hành trình khó khăn kết thúc khi bến hành khách được mở thí điểm tại cảng Sài Gòn - Hiệp Phước.
"Tàu Thăng Long sẽ là chìa khóa mở ra hành trình mới với ước mong kết nối người dân hai nơi TP HCM và Côn Đảo bằng con đường trên biển" - ông Khương kỳ vọng.
Khai mở nhiều nguồn lực
Là người tâm huyết với giao thông thủy, ông Trần Song Hải, Giám đốc GreenlinesDP, nhận định trong bối cảnh khó khăn hiện nay của nền kinh tế, nhiều doanh nghiệp vận tải đường thủy vẫn nỗ lực. Việc đưa phương tiện vào vận hành không chỉ thể hiện sự tận tình, muốn đưa du khách đi khắp nơi mà còn là trách nhiệm với cộng đồng, khơi thông dòng giao thông thủy, chia sẻ với giao thông đường bộ.
"GreenlinesDP khai thác tuyến cao tốc TP HCM đi Vũng Tàu và tuyến Vũng Tàu - Bến Tre - Mỹ Tho. Sau dịch COVID-19, tuyến Vũng Tàu - Bến Tre - Mỹ Tho tạm ngừng hoạt động do nhu cầu khách sụt giảm. Chúng tôi dự kiến dịp hè năm nay khôi phục lại tuyến này nhằm kết nối hành khách từ Vũng Tàu đến các tỉnh miền Tây và ngược lại" - ông Hải thông tin.
Ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM, nhận định tuyến tàu thủy TP HCM đi Côn Đảo vận hành giúp mang lại trải nghiệm mới cho người dân với cung đường thủy từ cảng Sài Gòn - Hiệp Phước tại huyện Nhà Bè, thông qua luồng Soài Rạp - vịnh Đồng Tranh - biển Đông đến cảng Bến Đầm.
Song song đó, tăng tính kết nối giao thương, phát triển du lịch giữa TP HCM và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Việc này cũng giúp hành khách thêm phương án di chuyển, đặc biệt là trong thời gian Cảng Hàng không Côn Đảo thực hiện thi công nâng cấp mở rộng và góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Bùi Hòa An cho hay thời gian qua tại TP HCM đã có nhiều sản phẩm vận tải hành khách bằng đường thủy được đầu tư theo hình thức xã hội hóa như tuyến buýt đường thủy số 1, phà Cần Giờ - Vũng Tàu, phà Cần Giờ - Cần Giuộc, đến nay là tuyến vận tải hành khách cố định từ TP HCM đi Côn Đảo và ngược lại. "Điều đó cho thấy vận tải hành khách bằng đường thủy của thành phố ngày càng thu hút được nhiều nhà đầu tư có năng lực, tâm huyết chung sức cùng chính quyền thành phố tạo ra nhiều sản phẩm vận tải hành khách bằng đường thủy mới thu hút hành khách trong nước và quốc tế" - ông An nhận định.
Theo ông An, ngoài tuyến vận tải hành khách này, từ nay đến cuối năm 2024, TP HCM sẽ khôi phục tuyến vận tải hành khách Vũng Tàu - Bến Tre - Mỹ Tho và mở tuyến phà biển Cần Giờ đi thị trấn Vàm Láng, Gò Công Đông. Khi có tuyến phà biển này, huyện Cần Giờ kết nối khép kín với TP HCM thông qua phà Bình Khánh, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (phà Cần Giờ - Vũng Tàu), tỉnh Long An (phà Cần Giờ - Cần Giuộc).
"Đến dự lễ công bố tuyến tàu cao tốc từ TP HCM đi Côn Đảo và ngược lại trong sáng 13-5 có Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM Nguyễn Hồ Hải, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường. Các lãnh đạo đã có buổi tham quan, trải nghiệm trên tàu Thăng Long.
Nhấn mạnh vai trò quan trọng của hệ thống giao thông thủy, TS Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường TP HCM, nhận xét giao thông thủy không chỉ gắn với phát triển kinh tế - xã hội như thúc đẩy du lịch, lưu trú, nghỉ dưỡng sông nước mà còn là huyết mạch vận chuyển hàng hóa, phát triển logistics và chia sẻ với giao thông đường bộ.
Theo TS Thuận, TP HCM quan tâm nhiều hơn để phát triển tiềm năng sông, kênh, rạch là định hướng đúng đắn. Thời gian qua nhiều doanh nghiệp chung tay cùng thành phố đầu tư các tuyến phà biển, tuyến tàu cao tốc. Điều này sẽ tạo đà để khơi thông giao thông thủy. Vấn đề còn lại là thành phố quan tâm hơn nữa việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về hạ tầng, bến bãi, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư xã hội hóa.
Cột mốc cho du lịch
Để có tuyến tàu cao tốc hoạt động, doanh nghiệp phải mất nhiều năm lên ý tưởng, khảo sát luồng cũng như nghiên cứu đóng tàu. Tới khi hoàn thành, doanh nghiệp lại cùng chính quyền liên tục kiến nghị tháo gỡ khó khăn thủ tục bến bãi.
Các mốc thời gian 23-2, 15-3... từng được ấn định khai trương, song tuyến tàu sau đó vẫn chưa thể hoạt động do những khó khăn trên.
"Tôi đã nhiều lần hy vọng, bàn kế hoạch với bạn bè về chuyến du lịch ấn tượng bằng đường biển nhưng rồi lại phải chờ. Giờ đây, tuyến vận tải hành khách này chính thức vận hành khiến tôi rất vui" - chị Lan Phương, ngụ TP Thủ Đức, nói và bày tỏ tin tưởng đây là cột mốc mới cho du lịch thành phố.
Bình luận (0)