Tại Việt Nam, nhượng quyền - đặc biệt là nhượng quyền trong các doanh nghiệp trẻ, DN start-up - chưa được hiểu đúng dẫn đến việc áp dụng các hình thức nhượng quyền chưa hợp lý và thiếu hiểu biết pháp lý. Các chuyên gia về nhượng quyền chỉ ra rằng thực trạng này dẫn đến những mâu thuẫn, tranh chấp trong thời gian qua, làm nhiễu loạn thị trường.
Học khôn từ thất bại
Thương hiệu trà sữa Phúc Tea sau gần 6 năm kinh doanh đã sở hữu 135 chi nhánh trên toàn quốc, 80% cửa hàng là nhượng quyền, tỉ lệ lợi nhuận trung bình trên doanh thu đang ở mức 18%-28%. Ông Trần Nhật Vũ, đồng sáng lập kiêm Chủ tịch HĐQT Phúc Tea, cho hay Phúc Tea từng gặp thất bại khi triển khai nhượng quyền trong những ngày đầu khởi nghiệp.
"Sau khi vận hành thành công 2 cửa hàng đầu tiên ở Cần Thơ vào năm 2019, chúng tôi hợp tác nhượng quyền cho một người bạn thân ở Nha Trang. Lúc đó, do chưa có pháp lý rõ ràng và chưa phân vai giữa bên nhượng quyền và bên nhận nhượng quyền nên dẫn đến xung đột. Đỉnh điểm, từ bạn thân và đối tác nhượng quyền, hai bên trở nên đối nghịch nhau. Thương vụ chỉ tồn tại chưa đầy 1 tháng với sự mệt mỏi của cả hai phía" - ông Vũ kể. Rút kinh nghiệm từ thất bại này, Phúc Tea tìm luật sư tư vấn pháp lý, quyền và nghĩa vụ của các bên trong nhượng quyền và tự tin phát triển mô hình nhượng quyền cho đến nay.
Cũng có tốc độ phát triển chuỗi nhanh vào bậc nhất Việt Nam với hơn 200 chi nhánh nhượng quyền trên cả nước chỉ sau 6 tháng thành lập công ty, ông Phạm Văn Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH Fastship Việt Nam (chuyên về chuyển phát nhanh), mất khá nhiều thời gian để tái cấu trúc toàn bộ hoạt động kinh doanh.
Ông Hoàng cho hay Fastship thành lập năm 2021, do phát triển chuỗi quá nhanh trong khi các khâu vận hành, hệ thống lẫn kinh doanh không theo kịp dẫn đến mất kiểm soát, chất lượng dịch vụ giảm nên đơn hàng vận chuyển giảm mạnh.
Đến khoảng đầu tháng 7-2022, Fastship rơi vào khủng hoảng trầm trọng vì nợ gần 7 tỉ đồng. "Tôi chọn bán cổ phần cho một số đại lý tâm huyết, cùng nhau sắp xếp lại công ty, tái cơ cấu tất cả các mảng và thu hẹp chuỗi nhượng quyền" - ông Hoàng nêu giải pháp vượt qua khủng hoảng.
Các start-up trẻ tìm kiếm cơ hội nhượng quyền thương mại tại một sự kiện về nhượng quyền ở TP HCM
Bí quyết nhượng quyền thành công
Tại một hội thảo về đầu tư nhượng quyền ở TP HCM mới đây, 8 thương hiệu gồm Phúc Tea, Care With Love, Phở’S, Star Home Spa, Arkki, Heramo, Run Together Vietnam và Limart đã có buổi tiếp xúc trực tiếp với nhiều đối tác tiềm năng nhằm xúc tiến mở rộng chuỗi hơn nữa thông qua hình thức nhượng quyền. Bên cạnh đó, các thương hiệu cũng chia sẻ bí quyết nhượng quyền thành công.
Bà Trần Thảo Vi, nhà sáng lập của chuỗi spa chăm sóc mẹ và bé Care With Love, cho biết đã nhượng quyền 80% số cửa hàng để mở rộng chuỗi lên con số 11 chi nhánh sau 11 năm. Mục tiêu đến hết năm nay, Care With Love có 20 chi nhánh và đến năm 2025 đạt mốc 50 chi nhánh. "Để nhượng quyền thành công, trước hết phải nhân bản được nhân sự, quy trình. Trong đó, người chủ cần cởi mở, thẳng thắn chia sẻ" - bà Thảo Vi nêu kinh nghiệm.
Ông Trần Nhật Vũ thì cho rằng doanh nghiệp phải hiểu đúng, hiểu đủ về nhượng quyền; chọn thương hiệu phát triển bền vững và hoàn thành tốt vai trò của đối tác nhận nhượng quyền. "Nhu cầu, thị hiếu của gen Z thay đổi liên tục, nếu chỉ tập trung vào một công thức "đinh" thì sẽ không tồn tại được nên công ty phải liên tục cập nhật, bắt "trend" tiêu dùng mới trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó là chịu khó học hỏi, tích lũy kinh nghiệm từ các sự kiện triển lãm, hội thảo chuyên ngành trong bối cảnh thị trường nhượng quyền tại Việt Nam quá mới và thiếu các kênh thông tin, giáo dục chính thống" - ông Vũ thông tin.
Chuyên gia nhượng quyền Nguyễn Phi Vân, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty Đầu tư Go Global Holdings, cho rằng để nhượng quyền thành công, bên cạnh việc ràng buộc quyền lợi và nghĩa vụ chặt chẽ thông qua hợp đồng, các bên cần có sự hiểu biết đúng đắn và đầy đủ về lĩnh vực này.
"Với những người có ý định khởi sự kinh doanh bằng cách nhận nhượng quyền, cần thiết chọn cách đầu tư phù hợp với khả năng và cam kết của bản thân bởi 50% thành công của việc chọn cách đầu tư đến từ việc hiểu chính mình và phần còn lại đến từ kỷ luật, cam kết.
Trường hợp đã ký hợp đồng, cần tận dụng nguồn lực và sự hỗ trợ của doanh nghiệp nhượng quyền. Chìa khóa của thành công nằm ở chỗ nhà đầu tư nhận nhượng quyền tận dụng nguồn lực có sẵn của thương hiệu như thế nào để kinh doanh hiệu quả. Và trong mối hợp tác này, các bên phải là những người cộng tác, đừng trở thành người than phiền và tranh chấp" - bà Vân lưu ý.
Lĩnh vực ẩm thực có nhiều cơ hội
Bà Nguyễn Phi Vân đánh giá ngành ẩm thực với lợi thế là tính khác biệt cao nên có nhiều tiềm năng phát triển thông qua con đường nhượng quyền. Trong đó, những món ăn truyền thống của Việt Nam như phở, bún, bánh cuốn, bánh mì... ngày càng được người tiêu dùng quốc tế biết đến. Những món ăn này đang đứng trước cơ hội vàng bước ra thế giới thông qua một mô hình phù hợp.
Bà Vân dẫn chứng nhiều chuỗi kinh doanh của Việt Nam sau khi gầy dựng được mô hình trong nước cũng bắt đầu tính chuyện nhượng quyền ra nước ngoài. Chiếm ưu thế trong đó là các dự án khởi nghiệp lĩnh vực thực phẩm và đồ uống (F&B), dịch vụ... có lợi thế khai thác tài nguyên bản địa Việt Nam, ứng dụng công nghệ vào quản trị và gia tăng trải nghiệm cho khách hàng. Đơn cử, Phúc Tea đang làm việc với đối tác ở Malaysia để triển khai đại lý nhượng quyền độc quyền (master franchise). Thương hiệu Phở’S dù mới thành lập nhưng đã chuẩn hóa công thức và đang đàm phán hợp tác nhượng quyền tại Indonesia, Malaysia và Philippines. Một số thương hiệu lĩnh vực chăm sóc sức khỏe như Care With Love, Star Home Spa, Run Together Vietnam... cũng bắt đầu quan tâm phát triển thị trường bên ngoài.
Bình luận (0)