Anh LÊ MINH CƯƠNG, Giám đốc Công ty TNHH Spicy Country (với sản phẩm tương ớt Phúc Lộc Thọ đạt chuẩn OCOP 3 sao của Thanh Hóa), trả lời: Khởi nghiệp với tài nguyên bản địa là một việc rất nên làm. Nó không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn đóng góp vào kinh tế của địa phương. Trước thực trạng lực lượng lao động trẻ bỏ nông nghiệp, thương lái ép giá, tầm nhìn nông dân chỉ trong lũy tre làng, các bạn trẻ về quê tận dụng nông sản địa phương để chế biến sẽ giúp nâng cao tính chuyên nghiệp và bao tiêu đầu ra tốt hơn.
Làn sóng người trẻ trở về quê gây dựng việc sản xuất rộ lên từ năm 2020 nhưng đến năm 2022, rất nhiều người đã từ bỏ để làm công việc khác. Cho nên, nếu quay về khai thác tài nguyên bản địa, người trẻ cần xác định vị trí của doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất. Không nhất thiết phải có sản phẩm cuối lên kệ siêu thị mà có thể chọn tham gia khâu sơ chế, sản phẩm phụ trợ hay nguyên liệu tinh chế. Khi hệ sinh thái sản xuất hình thành thì đầu ra mới có thể ổn định.
Anh Lê Minh Cương khởi nghiệp với ớt, cà chua
Bản thân tôi lúc đầu cũng mong muốn làm chủ từ trồng trọt ớt đến sản xuất thành sản phẩm cuối cùng. Tuy nhiên, tôi nhận thấy việc tập trung nghiên cứu, chế biến ra loại tương ớt, tương cà chất lượng cao sẽ tốt hơn là dàn trải. Chính vì vậy, từ năm 2022, tôi đã liên kết với các trang trại chất lượng cao của những người trẻ khác để phát triển cây ớt và cây cà chua.
Bên cạnh đó, các bạn trẻ khi lập nghiệp sản xuất tại quê hương cũng cần xác định một thị trường lớn hơn và một kỹ năng đầy đủ từ sản xuất đến thương mại. Khách hàng ngày nay chỉ cần 1 chiếc điện thoại là có thể kết nối được với các doanh nghiệp, vậy nên các bạn cần xác định ngồi ở quê bán hàng ra nhiều tỉnh, thành khác, thậm chí là bán ra quốc tế. Các bạn khởi nghiệp cũng cần có kỹ năng toàn diện, phải luôn nâng cấp kỹ năng quản lý - thương mại… Làm ra được sản phẩm thì phải bán được - các bạn khởi nghiệp xác định được điều này sẽ suôn sẻ hơn rất nhiều.
Bình luận (0)