Dù chỉ giao dịch 3 phiên trong tuần đầu tiên của tháng 9 nhưng khối ngoại đã bán ròng tới 1.220 tỉ đồng, trong đó VPB và HPG là 2 mã bị bán mạnh nhất.
Còn tính trong tháng 8 vừa qua, tổng giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài đạt trên 78.746 tỉ đồng, chiếm hơn 10,86% tổng giá trị giao dịch của toàn thị trường. Trong đó, khối này bán ròng hơn 3.278 tỉ đồng.
Tính chung 8 tháng đầu năm, khối ngoại đã bán ròng giá trị gần 2,5 tỉ USD (khoảng 62.000 tỉ đồng), mức cao kỷ lục trong suốt 24 năm hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam. Trước đó, khối này đã bán ròng 3,5 tỉ đồng trong năm 2023.
Giám đốc một công ty Quản lý quỹ tài sản cho rằng khối ngoại bán ròng đến từ rất nhiều yếu tố như rủi ro địa chính trị của thế giới, trong đó Cục Dự trự Liên ban Mỹ (FED) vẫn đang duy trì mặt bằng lãi suất cao kỷ lục, rủi ro tỉ giá....
Một trong những nguyên nhân góp phần lớn vào giá trị bán ròng của khối ngoại đến từ việc thị trường chứng khoán Việt Nam đang có khả năng sẽ được nâng hạng lên thị trường mới nổi (Emerging Market) trong kỳ đánh giá sắp tới.
Vì vậy, các quỹ đầu tư thị trường cận biên hiện tại (Frontier Market) sẽ bán trước để hoàn tất chuyển sang thị trường cận biên khác trước khi các quỹ thị trường mới nổi đến Việt Nam.
Dẫn chứng cụ thể cho việc này chúng ta có thể thấy khi đầu tháng 6-2024 Quỹ BlackRock đã thông báo thanh lý iShares MSCI Frontier and Select EM ETF sau 12 năm hoạt động. BlackRock dự kiến quỹ ETF này sẽ ngừng giao dịch và không còn chấp nhận các lệnh tạo và mua lại sau khi thị trường đóng cửa ngày 31-3-2025.
iShares MSCI Frontier and Select EM ETF là quỹ cận biên có quy mô hoạt động 500 triệu USD. Tính đến đầu tháng 8-2024, quỹ này chỉ còn sở hữu giá trị không đáng kể các cổ phiếu tại Việt Nam.
Nếu việc nâng hạng được diễn ra (kỳ vọng trong tháng 10 năm nay), thị trường sẽ chứng kiến dòng vốn mới cực lớn từ các quỹ Emerging Market đổ vào Việt Nam, các quỹ này có quy mô lớn hơn rất nhiều so với các quỹ cận biên. Với việc thị trường nâng hạng, nhóm cổ phiếu được kỳ vọng tăng giá có thể kể đến là ngành bán lẻ - hàng tiêu dùng và tài chính – ngân hàng. Bởi, đây là nhóm thế ngành có tốc độ tăng trưởng cao và quy mô vốn hóa lớn, các cổ phiếu top đầu đều thuộc VN30.
Các đại diện hàng đầu cho các nhóm ngành trên có thể kể đến như MWG, MSN, VNM, VCB, CTG, BID, VPB.
Lịch sử đã chứng minh các cổ phiếu thuộc nhóm ngành này luôn thường xuyên kín "room ngoại" và các quỹ phải trao tay nhau với mức chênh lệch rất cao. Điển hình như MWG của Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động từng được các quỹ ngoại trao tay với chênh lệch lên đến 40-50%.
Việc các cổ phiếu trong các nhóm ngành này hiện đang được giao dịch ở mức giá dưới giá trị thật mở ra cơ hội đầu tư rất hấp dẫn trong những tháng cuối năm 2024 và cho cả năm 2025.
Bình luận (0)