Chiều 18-5, tại TP Nha Trang, Bộ Xây dựng phối hợp với UBND tỉnh Khánh Hòa, Báo Xây dựng và các đơn vị liên quan tổ chức Diễn đàn "Khơi thông dòng chảy bất động sản du lịch nghỉ dưỡng" với khoảng 500 đại biểu, chuyên gia tham dự.
Tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho rằng thời gian qua, đối với bất động sản (BĐS) nói chung và BĐS nghỉ dưỡng nói riêng có rất nhiều khó khăn. Khó khăn đầu tiên là thủ tục pháp lý trong việc triển khai đầu tư dự án BĐS chưa đồng bộ, còn chồng chéo, dẫn tới việc ra quyết định đầu tư còn thận trọng.
Trình tự thủ tục đầu tư có nhiều thủ tục phải qua rất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến việc tạo nguồn cung. Việc xác định giá đất, quyền sử dụng đất, giải phóng mặt bằng, giao đất trong thời gian qua cũng là việc khó khăn trong đầu tư phát triển các dự án.
Vướng mắc trong việc lập điều chỉnh quy hoạch để đảm bảo sự đồng bộ giữa các cấp quy hoạch, nhất là những khó khăn về BĐS nghỉ dưỡng giữa những khu vực mới phát triển; do đó việc lập quy hoạch, quy hoạch phân khu đến quy hoạch chi tiết mất nhiều thời gian và còn nhiều khó khăn trong thực hiện.
Bên cạnh đó, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sử dụng tài sản cũng ảnh hưởng đến giao dịch BĐS vừa qua…
Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết thị trường BĐS Khánh Hòa trước đây gặp nhiều khó khăn vì liên quan việc thanh tra, kiểm tra và khắc phục hậu quả. Đến nay, tuy chưa đạt như kỳ vọng nhưng đã có tín hiệu khởi sắc về sự tăng trưởng nhất định.
Cụ thể, trong năm 2023, tỉnh Khánh Hòa phát sinh 19.951 giao dịch, với tổng giá trị 12.396 tỷ đồng; có 11 dự án nhà ở được chấp thuận chủ trương đầu tư. Trong quý I/2024, phát sinh 5.941 giao dịch, với tổng giá trị 7.630 tỷ đồng.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh, đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả việc tháo gỡ vướng mắc trong khâu tổ chức thực hiện các dự án BĐS tại nhiều địa phương, góp phần tăng nguồn cung cho thị trường.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành cũng chủ động, tích cực tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng nhằm thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trong đó có lĩnh vực BĐS.
Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 3-2024, nhóm ngành BĐS đứng thứ hai với hơn 1.58 tỷ USD, chiếm 25.6% tổng vốn đăng ký FDI.
Ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS - Bộ Xây dựng, cho biết thời gian qua, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua 4 dự án luật sửa đổi rất quan trọng: Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh BĐS 2023 và Luật Các tổ chức tín dụng 2024.
Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành liên quan khẩn trương hoàn thành, trình Chính phủ các văn bản hướng dẫn thi hành luật, bảo đảm đủ điều kiện để trình Quốc hội cho phép sớm thi hành các luật này trong tháng 7-2024.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sẽ có những thuận lợi để triển khai phát triển các dự án BĐS nói chung và BĐS du lịch nghỉ dưỡng nói riêng. Các địa phương cần tập trung rà soát, sửa đổi văn bản thuộc thẩm quyền để có thể áp dụng Luật Đất đai ngay sau khi có hiệu lực, nhất là xây dựng bảng giá đất.
Theo ông Hải, việc ban hành hệ thống các luật này có những nội dung tháo gỡ các vấn đề về đất đai, trình tự đầu tư, các hoạt động kinh doanh BĐS, BĐS nghỉ dưỡng condotel, officetel.
Đánh giá về khả năng phục hồi kinh tế, TS Cấn Văn Lực cho biết kinh tế thế giới đi ngang hoặc giảm nhẹ, riêng Việt Nam dự báo năm 2024 - 2025 sẽ tốt hơn năm2023 khi tăng trưởng ở mức 6%. Mức lạm phát đã đạt đỉnh và đang đi xuống, dự báo chỉ còn 3,2% vào quý 4/2025.
Vốn tín dụng theo Ngân hàng Nhà nước, hết năm 2023, tín dụng BĐS đạt 2,89 triệu tỷ USD (chiếm 21,46% tổng dư nợ của nền kinh tế), tăng 11,81% so với cuối năm 2022. Trong đó, cho vay nhà ở ước chiếm 62% (tăng1,1%), cho vay kinh doanh BĐS chiếm 38% (tăng 35,4%); hết tháng 2, cho vay kinh doanh BĐS tăng 1,86% (so với mức -0,75% tín dụng chung).
TS Cấn Văn Lực cho rằng các doanh nghiệp cần kiến nghị đúng, trúng, kiên trì; cơ cấu lại hoạt động; kiểm soát rủi ro dòng tiền, lãi suất, tỷ giá, nợ đáo hạn… Đồng thời, chủ động tìm hiểu, tiếp cận các chương trình, gói hỗ trợ; đa dạng hóa nguồn vốn, sản phẩm; chủ động chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và kinh doanh tuần hoàn – thích ứng, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, quản lý rủi ro, văn hóa doanh nghiệp; sẵn sàng thực thi các luật...
Đối với Khánh Hòa, cần xem xét cấp sổ hồng cho các dự án BĐS du lịch, nghỉ dưỡng, đáp ứng đủ điều kiện; thực hiện tốt chính sách về giãn hoãn, giảm thuế phí và cơ cấu lại nợ, tín dụng BĐS phù hợp…
Bình luận (0)