Thông thường vào thời điểm này hằng năm, ông Huỳnh Thanh Tâm (ngụ huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) đã bắt đầu công việc tạo hình các loại trái cây để chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán. Đây là một nghề đòi hỏi sự khéo léo và tỉ mỉ để tạo ra những sản phẩm độc đáo, mang tính thẩm mỹ và ý nghĩa cho ngày Tết.
Bị "ăn cắp" mẫu mã
Những sản phẩm trái cây với hình dáng tinh xảo đã trở thành thương hiệu riêng của ông Tâm. Tết Nguyên đán 2024, nhà vườn của ông đã cung ứng khoảng 1.000 trái bưởi tạo hình thỏi vàng, in chữ nổi tài - lộc; khoảng 2.000 trái dừa hồ lô...
Tuy nhiên, Tết Nguyên đán 2025, nhà vườn này quyết định không tiếp tục công việc tạo hình trái cây này nữa, sau 10 năm gắn bó. Nguyên nhân chính là do dịp Tết 2024, những sản phẩm của ông Tâm không còn được ưa chuộng như trước. Thị trường trở nên ảm đạm hơn, khách hàng giảm đáng kể dẫn đến việc ông Tâm bị thua lỗ.
Ngoài ra, các sản phẩm trái cây tạo hình thường có giá khá cao do quá trình chế tác, chăm sóc công phu và tỉ mỉ. Ví dụ, một trái bưởi hay dừa được tạo hình hồ lô có giá từ vài trăm ngàn đến 1 triệu đồng/sản phẩm nên cũng kén chọn khách hàng.
Bên cạnh đó, nhiều người dân ngày càng thắt chặt chi tiêu do kinh tế vẫn còn khó khăn. Việc bỏ ra một khoản tiền khá lớn để mua sản phẩm trang trí ngày Tết không còn là ưu tiên của nhiều gia đình.
"Chưa kể, chúng tôi tạo ra khuôn mới nào cũng bị "ăn cắp" mẫu; rồi bưởi bị lão hóa, khó ra trái đẹp... Vì nhiều lý do nên năm nay tôi không làm trái cây tạo hình nữa mà chỉ trồng lan bán Tết" - ông Tâm giải thích.
Ông Võ Trung Thành - chủ nhà vườn ở xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang - cũng phản ánh tình trạng bị "ăn cắp" mẫu khuôn tạo hình trái bưởi khiến nhiều năm nay, ông không còn động lực để sáng tạo mẫu mới. Tuy nhiên, không để điều này ngăn cản niềm đam mê của mình, năm nay, ông lại tiếp tục theo đuổi nghề tạo hình trái cây độc đáo.
Để chuẩn bị cho dịp Tết 2025, ông Thành đã có sự thay đổi trong cách làm. Thay vì thuê vườn bưởi như những năm trước, ông quyết định tập trung vào vườn bưởi của gia đình mới ra đợt trái đầu tiên. Dự kiến, nhà vườn của ông sẽ cung cấp khoảng 40-50 trái bưởi tạo hình hồ lô và thỏi vàng - những mẫu vẫn được ưa chuộng trên thị trường.
"Ngoài ra, các thành viên Câu lạc bộ Sản xuất trái cây tạo hình ấp Phú Trí A, xã Phú Tân sẽ cung ứng khoảng 2.000 trái bưởi cho thị trường Tết năm 2025. Điều thuận lợi là thời tiết rất dễ chịu, cây cho trái đẹp. Giá bán bưởi tạo hình cũng ổn định như năm 2024, dao động từ 500.000 đến 1 triệu đồng/trái, tùy loại" - ông Thành tiết lộ.
Đổi mới cách làm
Ông Huỳnh Công Thống (ngụ quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) được xem là người tiên phong trong việc nhân giống cây nho thân gỗ tại địa phương. Ông là một trong những người mang đến làn gió mới cho thị trường cây cảnh Tết ở vùng ĐBSCL.
Những năm qua, sản phẩm chính của ông Thống là cây nho thân gỗ ra trái, được nhiều người ưa chuộng vào dịp Tết. Tuy nhiên, nhận thấy sự thay đổi trong thị hiếu của khách hàng và xu hướng thị trường, năm nay, ông quyết định đổi mới cách làm của mình.
Thay vì chỉ tạo ra cây nho thân gỗ thông thường, ông Thống còn sáng tạo bằng cách tạo hình thành bonsai. Đây là một bước đi táo bạo, kết hợp giữa truyền thống với hiện đại, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng về tính thẩm mỹ và độc đáo trong sản phẩm trang trí Tết.
Kế hoạch của ông Thống là cung ứng 200 cây bonsai nho thân gỗ ra thị trường dịp Tết 2025. Giá bán những "tác phẩm nghệ thuật sống" này dao động từ 700.000 đến 1 triệu đồng/cây - chỉ cao hơn giá cây nho thân gỗ thông thường 200.000 - 300.000 đồng.
Cũng tìm kiếm sự khác biệt để thu hút khách hàng, ông Trần Duy Phong (phường Tân Quy Đông, TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) đã nhập giống sứ "chân dài" từ Thái Lan về rồi dùng kỹ thuật kéo dài thêm rễ cây. Ông kể trong một lần đi du lịch Thái Lan, bị thu hút bởi loại sứ này nên sau khi về nước, ông đầu tư vườn và nhập giống.
Trong khi đó, ông Trần Thanh Phong (nhà vườn cũng ở phường Tân Quy Đông) lại không quá tập trung sản phẩm vào dịp Tết. Cũng đầu tư vào sứ "chân dài", ông chú trọng nghiên cứu kỹ thuật kéo dài cây bằng cách biến rễ thành thân. Sứ khoảng 8 tháng tuổi sẽ được nhổ lên, chừa lại một rễ phát triển mạnh nhất để "kéo" thành thân cây và cắt bỏ những rễ phụ. Rễ duy nhất này được kẹp bằng 2 thanh tre để tạo dáng thẳng, sau đó cây sứ được trồng xuống đất trở lại...
Ông Trần Thanh Phong tự tin: "Bây giờ tôi có sứ "chân dài" bán quanh năm. Tôi ưu tiên tìm kiếm thị trường nước ngoài chứ không còn tập trung vào thị trường trong nước dịp Tết nữa. Trung bình mỗi tháng, tôi xuất khẩu từ vài trăm đến hàng ngàn cây sứ "chân dài" đủ kích cỡ, thu nhập khá tốt".
Vắng bóng nhiều sản phẩm
Cách đây khoảng 6 năm, nghệ nhân Trần Quốc Việt (ngụ quận Cái Răng, TP Cần Thơ) nổi tiếng qua việc khắc tượng Phật lên gốc cây đang sinh trưởng. Sản phẩm của ông là những gốc cây phát tài, khế, mận... khắc hình ảnh Phật Di Lặc, Quan Âm, Tam Đa (Phúc, Lộc, Thọ) với gương mặt tươi vui, được nhiều khách hàng ưa chuộng. Tuy nhiên, gần đây, trên thị trường đã vắng bóng những sản phẩm của ông.
Sản phẩm dưa hấu thỏi vàng - từng có giá bán 2 triệu đến 3 triệu đồng/cặp - do ông Trần Thanh Liêm (ngụ quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) tạo hình cũng không còn xuất hiện trên thị trường Tết...
Bình luận (0)