Ngày 4-12, gia đình và cơ quan chức năng đã tổ chức an táng ông Nguyễn Kim Anh (49 tuổi, trạm phó phụ trách Trạm Kiểm lâm số 2 - Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk) - người bị bắn tử vong trong khi đi tuần tra bảo vệ rừng.
Lâm tặc liên tiếp bị tấn công
Theo báo cáo của Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, sáng 2-12, các cán bộ của Trạm Kiểm lâm số 2 thức dậy nhưng không thấy ông Kim Anh ở trạm, cũng không thấy đồ bảo hộ và giày đi rừng của ông nên mọi người nhận định ông đi kiểm tra khu vực thường bị người dân phá rừng, lấn chiếm đất rừng để làm nương rẫy (thuộc thôn Giang Đông, xã Ea Dăh, huyện Krông Năng).
Trưa hôm đó, sau nhiều lần gọi điện nhưng ông không nghe máy, nghi có chuyện chẳng lành, trạm tổ chức đi tìm tại các địa điểm thường tuần tra và mật phục thì phát hiện xe máy của ông Kim Anh. Đến chiều cùng ngày, sau khi huy động thêm lực lượng mở rộng để tìm kiếm mới phát hiện ông Kim Anh nằm bất động tại rẫy ngô của người dân, giáp bìa rừng.
Tiếp nhận tin báo, lực lượng chức năng tỉnh Đắk Lắk đã có mặt hiện trường, khám nghiệm tử thi để làm rõ vụ việc. "Nguyên nhân sơ bộ ban đầu, ông Nguyễn Kim Anh đã bị bắn vào vùng bụng bằng súng đạn hoa cải, số vết đạn trên người là 14 vết" - báo cáo nêu rõ.
Ông Lê Minh Tiến, Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, cho biết khu vực xảy ra vụ việc thuộc địa bàn xã Ea Dăh, là nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số từ các tỉnh phía Bắc vào sinh sống. Khu vực này là điểm nóng về tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy thuộc lâm phần của Ban Quản lý rừng phòng hộ Krông Năng và Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô.
"Tình trạng săn bắn động vật hoang dã và sử dụng súng độ chế ở đây tương đối nhiều. Trong năm 2023, lực lượng kiểm lâm của Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô đã tăng cường lực lượng, quyết liệt xử lý tình trạng vi phạm lâm luật. Do đó, đã nhiều lần các đối tượng đến phá hoại xe máy, phá chòi của lực lượng kiểm lâm, ném pháo vào trong trạm để đe dọa nhằm làm lung lay ý chí của lực lượng kiểm lâm" - ông Tiến cho biết.
Trước đó, ngày 2-6, một nhóm 4 người đi xe máy tới trạm quản lý bảo vệ rừng của Công ty TNHH Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm (huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk). Tại đây, nhóm người này đã lao vào đánh anh Trần Hồng Minh (nhân viên bảo vệ rừng). Quá sợ hãi, vợ anh Minh quỳ gối van xin cho chồng nhưng nhóm người này vẫn không dừng lại. Sau khi anh Minh bỏ chạy vào trong trạm, nhóm người này vẫn quyết đuổi theo, dồn anh vào góc tường và dọa sẽ đánh cho đến chết. Sau đó, nhóm đối tượng bắt anh Minh quỳ gối xin thì mới buông tha.
"Nhóm vây đánh nhân viên bảo vệ rừng chủ yếu là những người dân di cư tự do và thường xuyên có hành vi lấn chiếm, đốt đất rừng để làm nương rẫy. Đây không phải lần đầu tiên nhân viên bảo vệ rừng bị vây đánh. Chúng tôi mong cơ quan chức năng vào cuộc xử lý nghiêm để nhân viên, cán bộ của công ty yên tâm công tác" - ông Trần Thanh Lâm, Giám đốc Công ty TNHH Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm, cho biết thêm.
Bị bắn trong lúc làm nhiệm vụ
Thông tin về việc cán bộ kiểm lâm bị bắn chết, ông Nguyễn Quốc Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk, cho biết chi cục đã xuống nắm bắt tình hình tại Trạm Kiểm lâm số 2. Đây là khu vực thường xuyên xảy ra tình trạng săn bắn động vật rừng, phá rừng, lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy.
Cũng theo ông Hưng, trong năm 2023, Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô phát hiện 18 vụ vi phạm lâm luật, trong đó riêng trạm 2 do ông Kim Anh phụ trách đã phát hiện 7 vụ. Bên cạnh đó, sau hơn 1 năm được giao phụ trách trạm, ông Kim Anh được đánh giá là người quyết liệt trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.
"Các cán bộ kiểm lâm ở trạm cho biết ông Kim Anh vẫn thường xuyên đi tuần tra, mật phục một mình vì sợ đi đông sẽ bị lộ. Sau khi phát hiện lâm tặc, ông mới thông báo cho trạm ra tiếp ứng. Có thể khẳng định rằng ông Kim Anh bị bắn tử vong trong quá trình làm nhiệm vụ, còn cụ thể thế nào thì cơ quan công an đang làm rõ. Ông Kim Anh có 2 con đang đi học, hoàn cảnh gia đình cũng còn khó khăn. Chúng tôi cũng đang thực hiện các thủ tục để đề xuất công nhận ông Kim Anh là liệt sĩ" - ông Hưng nói.
Từ năm 2020 đến nay, tại Công ty TNHH Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm xảy ra hơn 600 vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép, với diện tích khoảng 400 ha. Phần lớn vụ việc không xác định được đối tượng vi phạm nên chưa được xử lý dứt điểm. Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk, hiện tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trên lâm phần Công ty TNHH Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm vẫn xảy ra phổ biến.
Nói về khó khăn trong công tác quản lý bảo vệ rừng, ông Hưng cho biết đối với các khu vực có đông đồng bào dân tộc thiểu số từ phía Bắc vào sinh sống, hiện nay công tác quản lý bảo vệ rừng vô cùng khó khăn. Người dân ở đây vẫn còn nhiều súng tự chế, dùng để săn bắn động vật nhưng không bao giờ mang về nhà mà cất giấu ngoài rừng. Trong khi đó, việc tuyên truyền về công tác quản lý bảo vệ rừng ở những khu vực này không hiệu quả.
"Ở Công ty TNHH Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm thường xảy ra tình trạng dùng chó để cảnh giới trong quá trình phát rừng, lấn chiếm đất rừng. Còn ở huyện Krông Bông thì xảy ra tình trạng cho trẻ con ra đổ thuốc cho cây chết hoặc phá rừng vào buổi sáng sớm. Họ tìm đủ mọi cách để phá rừng" - ông Hưng nhấn mạnh.
Yêu cầu khẩn trương làm rõ vụ việc
Ông Nguyễn Thiên Văn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, cho biết đã đến thăm viếng, chia buồn và trao 30 triệu đồng hỗ trợ gia đình ông Kim Anh.
UBND tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tích cực phối hợp với Công an tỉnh Đắk Lắk sớm điều tra, tìm ra thủ phạm. Yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp UBND huyện Ea Kar, Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô tiếp tục rà soát các chính sách hỗ trợ đối với gia đình nạn nhân, báo cáo UBND tỉnh.
Bình luận (0)