Chiều 15-7, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN-MT) Phùng Đức Tiến chủ trì cuộc họp báo trong công tác chỉ đạo phòng chống bệnh dịch tả heo châu Phi.
Phát hiện 514 ổ dịch tại 27 tỉnh, thành phố
Theo báo cáo của các cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương, từ đầu năm 2025 đến nay, cả nước đã xảy ra 514 ổ dịch tại 27 tỉnh, thành phố (sau sáp nhập). Số heo mắc bệnh là 29.642 con.
Ông Phan Quang Minh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y, nhận định bệnh dịch tả heo châu Phi đang có chiều hướng gia tăng, chủ yếu là tái phát các ổ dịch cũ, phát sinh ở loại hình chăn nuôi quy mô nhỏ (bình quân 50 - 60 con/ổ dịch) tại các hộ gia đình nơi có điều kiện chăn nuôi không bảo đảm an toàn sinh học. Hiện một số địa phương có ổ dịch nhiều như: Lạng Sơn, Cao Bằng, Điện Biên, Phú Thọ và Sơn La.
Đáng lo ngại là hiện tượng người chăn nuôi giấu dịch, khi đàn vật nuôi có dấu hiệu nghi mắc bệnh thường không thông báo cho chuyên môn thú y, chính quyền địa phương để được hỗ trợ điều trị, xử lý mà bán tháo, vứt xác heo ra môi trường làm tăng nguy cơ dịch bệnh lây lan rộng; hoạt động giết mổ động vật chưa được kiểm soát triệt để, một số cơ sở giết mổ vi phạm pháp luật thú y…
"Qua những kênh thông tin không chính thức, phản ánh từ người dân, phương tiện truyền thông và các đoàn công tác của Cục Chăn nuôi và Thú y cho thấy tình trạng giấu dịch, không báo cáo dịch bệnh trên hệ thống đang diễn ra phổ biến, làm lây lan dịch bệnh và thách thức nghiêm trọng cho công tác phòng chống bệnh" - ông Minh chỉ ra.
Mới đây, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước - Bộ Công Thương thông tin lực lượng chức năng tỉnh Phú Thọ phát hiện gần 200 con heo không rõ nguồn gốc, trong đó phần lớn nhiễm virus dịch tả heo châu Phi. Số heo này bị buộc tiêu hủy ngay trong đêm 11-7.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại tỉnh Quảng Trị, Quảng Ngãi… cũng đã xuất hiện nhiều ổ dịch tả heo châu Phi. Lực lượng chức năng đã cho tiêu hủy heo bệnh, khử độc môi trường và tăng cường tuyên truyền để người dân cảnh giác, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn heo bệnh thải ra môi trường.

Lực lượng thú y tại Quảng Ngãi chuyển heo bệnh đi tiêu hủyẢnh: TỬ TRỰC
Chủ động, quyết liệt kiểm soát dịch bệnh
Đại diện Cục Chăn nuôi và Thú y thừa nhận tình trạng giấu dịch dịch tả heo châu Phi biểu hiện dưới nhiều hình thức (bán tháo, giết mổ chui, tiêu thụ nội bộ, vứt xác heo bừa bãi...), chủ yếu xuất phát từ tâm lý sợ thiệt hại kinh tế và thiếu niềm tin vào chính sách hỗ trợ. Nhận thức của người chăn nuôi còn hạn chế, e ngại khi sử dụng vắc-xin dịch tả heo châu Phi.
Trước tình trạng trên, ông Phan Quang Minh cho biết sẽ tăng cường giám sát, phát hiện sớm dịch bệnh; tiêu hủy heo mắc bệnh, nghi mắc bệnh dịch tả heo châu Phi, báo cáo kịp thời; tiêm phòng vắc-xin cho đàn heo; xây dựng vùng, cơ sở, chuỗi cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh; nghiên cứu đặc điểm dịch tễ bệnh, vắc-xin dịch tả heo châu Phi, đánh giá hiệu quả của vắc-xin với chủng virus tái tổ hợp mới đang lưu hành.
Bộ NN-MT quản lý chặt chẽ việc chăn nuôi, giết mổ heo, buôn bán heo và việc tiêu thụ các sản phẩm thịt heo; giám sát chặt chẽ các lò mổ, bảo đảm chỉ giết mổ heo khỏe mạnh, có nguồn gốc rõ ràng; áp dụng các biện pháp vệ sinh, tiêu độc khử trùng tại lò mổ; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về phòng chống dịch bệnh và an toàn thực phẩm.
Thứ trưởng Bộ NN-MT Phùng Đức Tiến dẫn lại bài học năm 2020 khi dịch tả heo châu Phi bùng phát, cả nước đã tiêu hủy gần 9 triệu tấn thịt heo, khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng đến 6,73%.
Vì vậy, ngành chăn nuôi và thú y cần kịp thời ngăn chặn dịch bệnh. "So với năm 2024, số ổ dịch giảm nhưng dịch bệnh khó lường, đặc biệt năm nay thời tiết mưa lũ diễn biến phức tạp sẽ dễ lây nhiễm nhanh" - ông Phùng Đức Tiến nói.
Thứ trưởng Bộ NN-MT yêu cầu Cục Chăn nuôi và Thú y cần chủ động, quyết liệt hơn trong kiểm soát, phòng chống dịch bệnh. "Cục phải kịp thời chỉ đạo, cử đoàn công tác xuống kiểm tra tình hình phòng chống dịch tại các địa phương, từ đó bảo đảm an toàn sinh học và đẩy mạnh tiêm vắc-xin phòng dịch tả heo châu Phi" - Thứ trưởng yêu cầu.
Tiềm ẩn nguy cơ đối với người
Cục Phòng bệnh - Bộ Y tế khẳng định dịch tả heo châu Phi do virus gây ra, chỉ lây lan trên các loài heo, không có khả năng gây bệnh cho người. Trường hợp phơi nhiễm với sản phẩm động vật nhiễm bệnh không được nấu chín cũng không có nguy cơ lây nhiễm bệnh dịch tả heo sang người. Tuy vậy, dịch tả heo châu Phi vẫn tiềm ẩn nguy cơ gián tiếp. Thịt heo bệnh nếu mổ ra có thể nhiễm khuẩn, gây thêm nhiều loại bệnh khác như heo tai xanh, cúm heo, thương hàn... Những bệnh này có khả năng gây rối loạn tiêu hóa, nhiễm trùng máu, viêm màng não... khi người ăn phải tiết canh hay thịt heo bệnh chưa được nấu chín.
Đặc biệt, khi heo mắc bệnh tai xanh, vi khuẩn liên cầu khuẩn trú trong miệng, mũi của heo sẽ phát triển mạnh. Người có vết thương hở nếu tiếp xúc với heo bệnh có thể bị vi khuẩn xâm nhập, gây nhiễm trùng.
N.Dung
Bình luận (0)