Ngày 8-12, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết công tác đầu tư xây dựng các dự án đường dây tải điện 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch (tỉnh Quảng Bình) đến Phố Nối (tỉnh Hưng Yên).
Nhiều bài học kinh nghiệm
Hội nghị được tổ chức nhằm nhìn nhận, đánh giá lại toàn bộ quá trình đầu tư xây dựng dự án trên, các kết quả nổi bật đã đạt được, các bài học kinh nghiệm quý báu được rút ra, từ đó tiếp tục xác định phương hướng, các giải pháp cụ thể để thực hiện tốt hơn công tác đầu tư xây dựng các dự án trọng điểm khác trong thời gian tới, đặc biệt là các dự án được giao theo Quy hoạch điện VIII.
Dự án đường dây 500 kV mạch 3 được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giao Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) làm chủ đầu tư, có tổng chiều dài 519 km, 1.177 vị trí cột, đi qua 211 xã/phường của 43 huyện thuộc 9 tỉnh (Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình), tổng mức đầu tư hơn 22.300 tỉ đồng.
Đây là dự án trọng điểm, cấp bách, có ý nghĩa rất quan trọng để nâng cao sự ổn định vận hành hệ thống điện tăng cường cung cấp điện cho miền Bắc năm 2024 và các năm tiếp theo, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị EVN Đặng Hoàng An chia sẻ dưới sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng, sự quan tâm, ủng hộ của các bộ, ngành địa phương và người dân, EVN/EVNNPT đã quyết tâm, nỗ lực hoàn thành đóng điện các dự án đường dây 500 kV mạch 3 sau hơn 6 tháng thi công, thay vì 3-4 năm như thông thường.
Việc hoàn thành dự án với khối lượng công việc khổng lồ, liên quan nhiều bộ, ngành, địa phương và nhiều hộ dân, trong khoảng thời gian ngắn lịch sử để lại nhiều bài học quý cho không chỉ trong ngành điện lực, mà cho các công trình, dự án lớn của đất nước trong thời gian tới, nhất là trong thực hiện thủ tục đầu tư; chuyển đổi mục đích sử dụng đất, rừng; giải phóng mặt bằng; mua sắm vật tư, thiết bị; huy động phương tiện, lực lượng, tổ chức thi công…
Theo Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Nguyễn Doãn Anh, đoạn tuyến trên địa bàn tỉnh này thuộc 2 dự án thành phần đường dây 500 kV Quỳnh Lưu - Thanh Hóa và Nam Định I - Thanh Hóa, tổng chiều dài 132,78 km với 299 vị trí cột và 137 khoảng néo, đi qua 11 huyện/thị, tổng diện tích đất thu hồi là 34,45 ha, ảnh hưởng 1.361 hộ dân và tổ chức, 101 hộ dân phải di dời tái định cư. Nhờ sự ủng hộ, đồng lòng của người dân nên công tác giải phóng mặt bằng được triển khai rất nhanh, không phải thực hiện biện pháp hành chính để bảo vệ thi công hoặc cưỡng chế thu hồi đất.
Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa chia sẻ bài học kinh nghiệm là: cấp ủy, chính quyền, các tổ chức xã hội địa phương từ thôn, xã, huyện phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư đã đến từng nhà, rà từng tên để tuyên truyền, vận động bà con nhân dân đồng thuận, đồng sức, đồng lòng hỗ trợ việc thi công.
Nguồn lực bắt nguồn từ tư duy
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng thành công của dự án là do biết phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị; bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, với quan điểm nguồn lực bắt nguồn từ tư duy và tầm nhìn, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sáng tạo, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, kịp thời tháo gỡ vướng mắc về mặt thể chế; tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, làm việc có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó…
"Công trình cho thấy không có gì là không thể, chỉ có quyết tâm làm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và có biết cách làm hay không" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Chia sẻ về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng cho biết trong các bài viết, bài phát biểu quan trọng gần đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đề cập đến xây dựng kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam để đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.
Để thực hiện các chủ trương này, Việt Nam phải thực hiện được mục tiêu tăng trưởng bứt phá năm 2025 trên 8% và giai đoạn 2026-2030 tăng trưởng hai con số. Do đó, ngành điện phải có các công trình thế kỷ, những dự án mang tính xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái và không để thiếu điện.
Thủ tướng mong muốn và tin tưởng năm 2025 và thời gian tới, ngành điện lực sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành tựu hơn nữa, cao hơn thành tựu năm 2024, tiếp tục không để xảy ra thiếu điện, phục vụ ngày càng tốt hơn phát triển kinh tế - xã hội, cùng cả nước bước vào kỷ nguyên vươn mình giàu mạnh của dân tộc.
Thi đua đẩy nhanh tiến độ đầu tư
Tại hội nghị, Tổng LĐLĐ Việt Nam và EVN đã phát động phong trào thi đua đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm của EVN năm 2025, gồm: Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng, Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1, đường dây 500 kV Lào Cai - Vĩnh Yên, trạm biến áp 500 kV Vĩnh Yên, đường dây 220 kV Nghĩa Lộ - Việt Trì, trạm biến áp 220 kV Nghĩa Lộ và trạm biến áp 220 kV Vũng Áng và đấu nối, dự án cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo.
Phong trào thi đua đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm của EVN năm 2025 được phát động với chủ đề "Thi đua Ba tiên phong, Hai trách nhiệm" gồm: tiên phong trong cơ sở hạ tầng; tiên phong hoàn thành tiến độ; tiên phong vượt qua khó khăn; trách nhiệm đảm bảo chất lượng; trách nhiệm tiết kiệm, chống lãng phí.
Bình luận (0)