Vài ngày qua, sau khi Báo Người Lao Động đăng tải các bài viết liên quan đến hình ảnh di tích Chùa Cầu sau trùng tu, nhiều bạn đọc đặt câu hỏi vì sao quá trình trùng tu lại không sơn màu giả cổ để di tích trông giống như cũ hơn, cổ kính hơn.
Trước thắc mắc này, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An cho rằng việc tu bổ Chùa Cầu được thực hiện trên tinh thần như một cuộc "giải phẫu - chữa bệnh" nên mọi hoạt động đều cẩn trọng, tỉ mỉ, bài bản, khoa học từ khâu chuẩn bị dự án đến các giải pháp tổ chức và kỹ thuật thi công tu bổ di tích. Với quan điểm và giải pháp tu bổ xuyên suốt dự án là giữ gìn sự nguyên vẹn của tổng thể hình thức kiến trúc và kết cấu, từng bộ phận, cấu kiện, hiện vật nguyên gốc, có giá trị lịch sử được trân quý gìn giữ ở mức tối đa có thể. Theo đó, có đến gần 60% khối lượng gỗ, gần 30% số viên ngói, 80% số đĩa cổ, 20% cấu kiện đá nền, 35% số con giống trang trí bờ mái… được gìn giữ, tái định vị tại di tích sau khi tu bổ.
Về các ý kiến phải chăng nên "làm giả cổ", chọn tông màu, sắc thái sao cho gần nhất với hình ảnh Chùa Cầu trước khi tu bổ, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An cho rằng điều này không phù hợp với quan điểm, nguyên tắc "không làm giả" mà dự án đã đề ra. Đặc biệt, điều đó dẫn đến lo ngại sẽ làm sai lệch yếu tố gốc, gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến kết quả của việc nghiên cứu về sau.
Theo Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An, màu sắc hoàn thiện sau tu bổ của Chùa Cầu được quyết định giữ nguyên màu hiện trạng của tất cả cấu kiện gỗ, bao gồm cả những chi tiết chạm khắc trang trí, hoành phi, liễn đối, không sơn vẽ gì thêm; cấu kiện thay mới hoặc thành phần gia cố chỉ quét phủ chất bảo quản không màu. Tương tự phần thân mố, trụ cầu cũng hoàn toàn giữ nguyên không can thiệp về màu sắc.
Riêng đối với phần tường và chi tiết trang trí trên mái cần phải được phục hồi, bởi hiện trạng gần như đã phai màu hoàn toàn, trong khi cấu trúc vật liệu của chúng đều được làm từ gạch ngói, vữa vôi phần lớn đã bị mục mủn, mất liên kết nên phải được thay thế hoặc gia cố chắp vá để tận dụng.
Chính vì vậy, việc phục hồi màu sắc cho tường và trang trí mái là cần thiết, bởi nếu giữ nguyên sắc thái của thành phần được giữ lại trong khi phải được gia cố chắp vá loang lổ cùng với những thành phần buộc phải thay mới cũng sẽ không bảo đảm thẩm mỹ, đặc biệt làm thiếu sự tôn nghiêm đối với một công trình tín ngưỡng như Chùa Cầu - vốn là chức năng quan trọng đã tồn tại hàng trăm năm, từ trước khi nó được xếp hạng di tích.
Liên quan đến màu vôi trên thân Chùa Cầu, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP Hội An, cho biết phần thành cầu của di tích Chùa Cầu trước khi trùng tu bị bong tróc, dặm vá nhiều. Trong quá trình trùng tu, Hội An đã quét vôi màu trắng như màu gốc của di tích. Tuy nhiên, trước góp ý của dư luận, TP Hội An thấy cần thiết điều chỉnh lại nên tiến hành quét một lớp vôi màu nhụ cho thành cầu sẫm lại.
Bình luận (0)