Ngày 13-7, hàng trăm sinh viên đã có mặt tại Nhà Văn hóa Thanh niên (phường Sài Gòn, TP HCM) để trải nghiệm các giải pháp AI mới nhất tích hợp trên laptop MSI, khám phá các công cụ AI, cách tóm tắt nội dung bài giảng bằng AI, dự báo khả năng tác động của AI với từng ngành nghề hiện nay,...

Sinh viên đang học tập tại TP HCM tham gia sự kiện công nghệ "Kết nối AI, kiến tạo tương lai", sự kiện do Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP HCM phối hợp Công ty MSI và NVIDIA tổ chức.
Với góc nhìn là một nhà phát triển sản phẩm phần cứng và tiên phong trong công nghệ AI, ông Lê Tín, Giám đốc sản phẩm MSI Notebook Việt Nam, cho rằng AI có ảnh hưởng đáng kể đến khả năng đổi mới sáng tạo trong môi trường giáo dục.
Về mặt tích cực, ông Tín cho rằng sinh viên có sẵn các công cụ, thông tin cần thiết để tập trung vào khả năng tư duy đổi mới mà không phải tốn thời gian xây dựng. Nhờ đó, sinh viên hoàn toàn dễ dàng tiếp cận, mở ra góc nhìn về những ngành nghề mới, từ đó định hình được đam mê và định hướng nghề nghiệp phù hợp.
Về mặt tiêu cực, nhiều sinh viên gặp áp lực vô hình, sợ mình đã bỏ lỡ xu hướng mới, lạc hậu trước công nghệ. Điều này đã khiến các bạn phải liên tục "chạy" theo sự phát triển của công nghệ mà quên mất việc phải tìm hiểu cặn kẽ, có chiều sâu, phù hợp với ngành nghề mình đang học tập.

Ông Lê Tín, Giám đốc sản phẩm MSI Notebook Việt Nam chia sẻ về sự ảnh hưởng của AI trong các ngành nghề
Chia sẻ tại sự kiện, em Nguyễn Quang Minh, sinh viên ngành thủy sản, Trường ĐH Nông lâm TP HCM, cho biết có sử dụng AI vào quá trình học tập như viết báo cáo, tìm kiếm thông tin, làm thống kê, khảo sát,... Tuy nhiên, Minh thú nhận chưa thực sự hiểu hết các công cụ này, các câu lệnh vẫn còn khá đơn giản.
"Không chỉ có sinh viên, nhà trường cũng cần phải có những thay đổi trong việc đào tạo. Muốn sinh viên phát triển tốt, nhà trường phải cung cấp không gian, tài nguyên để sinh viên có thể tự do phát huy khả năng tư duy đổi mới sáng tạo" - ông Tín chia sẻ.
Nhằm giúp tối ưu hóa việc ứng dụng AI trong học tập, ông Minh Đức, chuyên gia diễn dàn công nghệ TinhTe.vn, hướng dẫn sinh viên cách tóm tắt nội dung bài giảng bằng AI từ ghi âm, văn bản, clip, hình ảnh; khám phá công cụ AI sáng tạo nội dung để tạo thành những video dễ thương, bài hát hay...; ứng dụng AI trong giải trí và thư giãn.
"AI là công cụ máy tính đắc lực nhưng chúng ta tuyệt đối không nên lạm dụng. Người dùng cần hiểu rõ giới hạn của AI, cân đối công việc giữa AI và con người" - ông Đức chỉ rõ.

Chuyên gia giao lưu cùng sinh viên về việc ứng dụng AI trong giải trí
Em Gia Bảo, sinh viên ngành công nghệ thông tin, hiện đang làm gia sư học sinh tiểu học, cho rằng nhiều người có suy nghĩ AI có thể thay thế vị trí của giáo viên. Cứ đưa máy tính, điện thoại cho con tự học là ổn. Tuy nhiên, đây là suy nghĩ sai lầm.
"AI không thể thay thế con người vì mỗi đứa trẻ có một tính cách khác nhau, không hề có "công thức" chung. Song song quá trình dạy học, em hướng dẫn các bé sử dụng AI để hỗ trợ việc học và tăng khả năng sáng tạo của trẻ nhỏ, dùng AI để học chứ không phải để đối phó, để giải một bài toán là xong" - Bảo chia sẻ.
Các chuyên gia nhấn mạnh việc sử dụng AI cần phải có năng lực, khả năng làm chủ công nghệ. Nếu không, chính con người sẽ bị lệ thuộc vào AI, mất đi giá trị của bản thân.
Bình luận (0)