Đây là chuyện có một Viện Lịch sử dòng họ vừa chọn 3 con người làm những ngọn cờ khai mở hướng nghiên cứu thực hành gia phả.
Số là từ nửa cuối thế kỷ trước, vào lúc cả Việt Nam chưa có bất cứ ngôi trường hay lớp học nào dạy về gia phả; một số hiệu sách ở phía Nam bày bán duy nhất cuốn sách "Gia phả khảo luận và thực hành" của Dã Lan Nguyễn Đức Dụ xuất bản từ năm 1970.
Ở Sài Gòn trước đây xuất hiện ông Võ Văn Sổ - một người tự mày mò tìm hiểu và khám phá cái "thú" làm phả - lịch sử dòng họ, gia đình, đời người.
Ông có cái vốn tự học Hán - Nôm, tự gây cái sở thích tìm hiểu phong tục tập quán của người dân Nam bộ, rồi trở thành "người hoài cổ" chuyên quan tâm các vấn đề lịch sử văn hóa gia đình, dòng họ vùng miền các địa phương.
Ông xin không đi tập kết theo Hiệp định Genève, ở lại bám trụ phong trào quần chúng; nên ông hiểu thực tế đời sống cơ sở, rành chuyện hoạt động xâu chuỗi, nắm được hoàn cảnh lịch sử cụ thể, vì thế biết cách tiếp cận thực tiễn về đời sống dòng họ những gia đình và con người trong xã hội từ thời chiến tranh đến thời hòa bình.
Đầu thập niên 1990 Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ ở TP HCM chú trọng đào tạo bồi dưỡng kiến thức khoa học các ngành khoa học xã hội, trong đó có ngành lịch sử và văn hóa.
Kết quả là làm xuất hiện thêm những người quan tâm yêu thích gia phả và lịch sử dòng họ.
Được sự chỉ dẫn tạo điều kiện của Nhà Dân tộc học Mạc Đường - Viện trưởng Viện KHXH vùng Nam bộ, có sự gợi mở của Hội Khoa học lịch sử TP HCM - Hội của những người quan tâm yêu thích giảng dạy, nghiên cứu lịch sử, năm 1992 ông Võ Ngọc An đứng ra thành lập "Nhóm nghiên cứu và Thực hành Gia phả"; đồng thời cũng là cơ sở để thành lập Chi hội "Nghiên cứu và Thực hành Gia phả" trực thuộc Hội Khoa học lịch sử TP HCM.
Lần đầu tiên ở thành phố và cả nước, có một "Nhóm" để bắt tay vào "Nghiên cứu và Thực hành Gia phả" theo tôn chỉ "nghiên cứu gia phả là khoa học, thực hành gia phả là thiêng liêng".
Ngay từ buổi đầu, nhóm có PGS-TS Mạc Đường và các nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, Dã Lan, Nguyễn Đức Dụ… làm cố vấn; vì thế các ông Võ Văn Sổ, Võ Ngọc An là những người "xắn tay, mở khóa, động đào" vào nghiên cứu thực hành gia phả chính họ Võ của mình ở xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi.
Từ đó, từ "Nhóm" phát triển thành "Trung tâm", từ Trung tâm nghiên cứu thực hành gia phả hình thành những diễn đàn về "dân tộc và gia phả", "thờ cúng tổ tiên", xuất hiện những buổi bình nghị về "Khai phá đồng bằng sông Cửu Long", "Lưu dân Việt trên đất Đồng Nai", "Đinh bạ, điền bạ", "Xu thế Nam tiến", "Dòng họ và Gia phả Việt Nam"…
Nhiều hoạt động nghiên cứu và thực hành về lịch sử, văn hóa, dòng họ đã được thực hiện, trong đó đặc biệt nhất là việc "Dựng phả".
Hoạt động dựng phả trở thành công việc lớn nhất, tâm huyết nhất của toàn Trung tâm, thúc đẩy phát triển mở rộng Trung tâm, đóng góp trực tiếp vào việc hình thành, phát triển nhu cầu xã hội về dựng phả ở TP HCM và nhiều địa phương phía Nam.
Thấm thoắt đã hơn 30 năm kể từ ngày thành lập "Nhóm - Trung tâm Nghiên cứu - Thực hành Gia phả" (1992), nhất là trong 10 năm gần đây (2013-2023), Viện Lịch sử dòng họ trở thành ngôi nhà khoa học chính danh cho nghiên cứu thực hành gia phả, văn hóa và lịch sử dòng họ, sáng tạo những vấn đề phương pháp dựng phả; Trung tâm Nghiên cứu thực hành gia phả phát triển từ 6 hạt nhân ban đầu, thành đội ngũ 50-70 người từ già đến trẻ, đã biên soạn và xuất bản 211 bộ gia phả làm vốn liếng lịch sử văn hóa cho hàng trăm chi họ ở phía Nam.
Vậy nên khi chọn 3 người để tôn vinh "Danh hiệu Nhà Gia phả học", Viện Lịch sử dòng họ TP HCM - Cơ sở nghiên cứu đặc thù duy nhất ở Việt Nam về lịch sử văn hóa dòng họ, đã lần đầu tiên góp thêm vào danh mục những Danh hiệu khoa học từ thực tiễn xã hội một bảng giá trị về Gia phả học.
Những "Nhà Gia phả học" như Võ Văn Sổ, Mạc Đường, Võ Ngọc An của Viện Lịch sử dòng họ TP HCM xứng đáng là những người đã "bật que diêm" không nhằm "xòe ra trận lửa", vẫn làm bùng cháy một nhu cầu thực của xã hội thời đổi mới và hội nhập, khi con người trong mỗi gia đình, dòng tộc nhận thấy không thế sống thiếu nguồn gốc tổ tiên.
Bình luận (0)