Ở vùng đất đầy nắng gió khắc nghiệt như huyện miền núi Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, ít ai ngờ rằng lại có một vườn nho xanh tốt rộng hơn 1.000 m² gần 2 năm tuổi. Đây là thành quả từ tâm huyết của anh Cao Thanh Thái (36 tuổi; ngụ xã Trung Hóa, huyện Minh Hóa) - người đã dám nghĩ dám làm, vượt qua nhiều khó khăn.
Thích ứng điều kiện tự nhiên
Ông Đinh Thanh Hải, Chủ tịch Hội Nông dân xã Trung Hóa, cho biết địa phương này với địa hình đồi núi, đất sản xuất nhỏ lẻ vốn thích hợp với chăn nuôi, trồng cây gỗ lớn, cây rừng hay các loại cây ăn quả có múi. Thế nhưng, anh Cao Thanh Thái đã "thách thức" điều kiện tự nhiên, đưa giống nho xa lạ bén rễ vùng đất này, hứa hẹn mang lại hướng đi hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở đây.
Theo chân cán bộ Hội Nông dân xã Trung Hóa đến thăm vườn cây của anh Thái, chúng tôi không khỏi bất ngờ trước hàng trăm gốc nho xanh tốt, thẳng tắp, vươn mình đầy sức sống trong những nhà màng hiện đại. Giữa không gian tràn ngập sức sống ấy, anh Thái chăm chút cắt tỉa từng chiếc lá. Hầu như ngày nào anh cũng túc trực ở vườn nho để làm giàn, vun gốc, cắt tỉa cành, làm cỏ, bón phân, tưới nước…
Thái kể từ nhỏ, anh đã quen thuộc với công việc đồng áng, trồng rừng trên mảnh đất quê hương mình. Những năm gần đây, nhiều gia đình trong vùng bắt đầu chuyển sang trồng cây ăn quả, cuộc sống dần đủ ăn, đủ mặc nhưng nói đến chuyện làm giàu thì vẫn là điều xa vời.
Sau nhiều năm bôn ba khắp nơi, từ Bắc vào Nam với hy vọng tìm kiếm cơ hội đổi đời nhưng không thành, 6 năm trước, anh Thái đề xuất với gia đình vay tiền để sang Đài Loan - Trung Quốc và Nhật Bản làm việc. Anh làm công nhân tại các nhà máy và công trình theo hợp đồng.
Những ngày nghỉ, anh Thái xin làm thêm tại các trang trại nông nghiệp để kiếm thêm thu nhập. Anh nhận ra điều kiện đất đai, thiên nhiên ở đây còn khắc nghiệt hơn tại quê mình nhưng họ vẫn thành công và làm giàu từ nông nghiệp. Những vườn cà chua, rau củ trong nhà màng hay dưa lưới, nho trong nhà kính đều mang lại giá trị kinh tế rất cao.
Từ đó, ý tưởng làm nông nghiệp kỹ thuật cao bắt đầu nhen nhóm trong đầu anh Thái. Gần 6 năm làm việc nơi xứ người, anh không chỉ tích lũy một khoản vốn mà còn lĩnh hội được kỹ thuật và quy trình chăm sóc các giống nho.
Năm 2022, ngay sau khi kết thúc hợp đồng lao động, trở về quê, anh Thái bắt đầu tìm hiểu và học hỏi các mô hình trồng nho hiệu quả ở nhiều tỉnh, thành. Khi thử nghiệm thành công một vài giống nho tại vườn nhà, anh quyết định thực hiện bước đi táo bạo là dựng nhà màng để trồng loại cây này.
Đất không phụ lòng người
Sau khi tìm hiểu kỹ lưỡng, anh Thái quyết định chọn trồng nho sữa xuất xứ từ Hàn Quốc với giá hơn 400.000 đồng/cây và nho hạ đen từ Trung Quốc, giá 60.000 đồng/cây. Trên diện tích hơn 1.000 m², anh trồng 360 gốc nho, phần đất còn lại được trồng các loại cây ăn quả nhập giống từ Đài Loan. Chỉ riêng việc trồng nho đã ngốn gần 500 triệu đồng.
Hầu như chẳng ai tin anh Thái có thể thành công với cây nho trên vùng đất Trung Hóa, nơi vốn nổi tiếng là "kén" cây trồng. Thế nhưng, đất không phụ lòng người. Sau gần 2 năm dồn hết tâm huyết, vườn nho của anh đã sinh trưởng tốt và thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương.
Giữa năm 2024, vườn nho của anh Thái ra lứa quả đầu tiên. Dù sản lượng chưa nhiều nhưng những chùm nho ngọt thanh, mát lành đúng chuẩn giống đã chọn mang lại niềm vui và sự tự hào, cho thấy nỗ lực không ngừng nghỉ của anh trên vùng đất khắc nghiệt đã đi đúng hướng.
Theo anh Thái, không phải ngẫu nhiên mà nho được xem là cây "quý tộc". Ngoài cây giống đắt đỏ, loài nho còn đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc cầu kỳ, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình - từ làm giàn, bón phân đến kiểm soát dịch bệnh. Bên cạnh đó, mỗi giống nho lại thích hợp với khí hậu và thổ nhưỡng khác nhau, khiến việc canh tác càng thêm thử thách.
Vườn nho của anh Thái đã bước vào giai đoạn phát triển ổn định. Nếu chăm sóc đúng kỹ thuật, mỗi năm chúng có thể cho thu hoạch 2 vụ. Dù đây là giống cây trồng mới, lần đầu tiên được đưa vào canh tác ở Trung Hóa nhưng anh vẫn lạc quan về tiềm năng kinh tế mà nó mang lại.
Anh Thái cho biết nếu vụ mùa sắp tới, vườn nho cho năng suất 3-4 kg quả/gốc - đạt tiêu chuẩn và chất lượng bảo đảm, anh sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng. "Tôi đang ấp ủ biến vườn nho của mình trở thành một điểm "check-in", du lịch sinh thái độc đáo, thu hút du khách địa phương và các vùng lân cận" - anh kỳ vọng.
Theo ông Đinh Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa, mô hình trồng loài cây "quý tộc" của anh Cao Thanh Thái không chỉ mang tính sáng tạo mà còn cho thấy sự kiên trì và tầm nhìn xa. Mô hình này đã ghi nhận sự thành công bước đầu. Sắp tới, đây có thể là hình mẫu nông nghiệp hiện đại, góp phần thay đổi tư duy sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn của Minh Hóa.
Hướng đi mới cho địa phương
Ngoài việc dành thời gian chăm sóc vườn nho, anh Thái còn tham gia các lớp tập huấn về thương mại điện tử để tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Anh tin tưởng rằng nếu quả nho bảo đảm chất lượng, việc tiêu thụ sẽ không phải là vấn đề lớn.
"Mô hình trồng nho của anh Thái là một hướng đi hoàn toàn mới và rất tiềm năng tại địa phương. Chúng tôi đã và đang ưu tiên hỗ trợ anh tham gia các lớp tập huấn về thị trường, thương mại điện tử cũng như tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi. Hy vọng rằng mô hình này sẽ không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế bền vững cho gia đình anh Thái mà còn mở ra hướng đi mới cho người dân địa phương" - ông Hải bày tỏ.
Bình luận (0)