xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Khuyến sinh, nâng chất giống nòi (*): Không đầu hàng nghịch cảnh

HẢI YẾN

Nhờ phương pháp Kangaroo, những em bé sinh non đã vượt qua lằn ranh sinh tử và lớn lên khỏe mạnh bình thường

Nhìn con trai 4 tuổi đang vui đùa cùng bạn bên cầu tuột, chị Nguyễn Ngọc M. (29 tuổi, ở Bình Phước) không quên được những ngày tháng gian nan khi bé chào đời. "Giờ đây con đã khỏe mạnh và chuẩn bị đi học nhưng tôi vẫn nhớ khoảnh khắc ấy, khi bé nặng chưa đến 1 kg, đang nằm thở yếu ớt trong lồng kính" - chị M. nhớ lại.

Hành trình gian nan

Bé Đ. - con chị M. - sinh non ở tuần thứ 28, chỉ nặng 900 g và còn bị não úng thủy, cần phải theo dõi sát sao. Những ngày đầu đời, bé nằm trong lồng kính tại Bệnh viện Từ Dũ (TP HCM) là chuỗi thời gian nặng trĩu của cả nhà. "Chúng tôi không dám hy vọng nhiều vì tình trạng bé rất nguy kịch, sự sống mong manh. Những lúc đó, tôi chỉ muốn ôm con vào lòng để truyền hơi ấm nhưng lại không thể" - chị M. nghẹn ngào.

Suốt những tuần đầu tiên, bé Đ. đối diện rất nhiều khó khăn, từ việc thở máy đến chăm sóc cơ thể nhỏ bé. Tưởng rơi vào bế tắc nhưng khi các bác sĩ tư vấn phương pháp Kangaroo đã mang đến hy vọng cho cả gia đình, như thấy tia sáng trong bóng tối. Phương pháp này không chỉ giúp bé phát triển về thể chất mà còn giúp người mẹ thể hiện thiên chức, đồng hành với con lớn lên từng ngày.

Khuyến sinh, nâng chất giống nòi (*): Không đầu hàng nghịch cảnh- Ảnh 1.

Cha và mẹ thay phiên nhau truyền hơi ấm cho con. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Mỗi ngày, chị M. đều ôm con vào lòng, áp sát ngực để truyền hơi ấm. Dưới sự hỗ trợ của các y - bác sĩ cùng sự kiên trì của gia đình, sau 2 tháng, bé đã có thể xuất viện. Sau đó, chị duy trì phương pháp này khi bé được 20 tháng tuổi, thay vì chỉ cần đến 40 tuần. Dị tật não úng thủy nhờ được phẫu thuật sớm nên nay bé đã khỏe mạnh, phát triển bình thường và đi học như bao đứa trẻ khác. "Con tôi sống sót là nhờ tình yêu, sự kiên nhẫn, sự tận tâm của các y - bác sĩ áp dụng phương pháp y học tiên tiến. Đây là cứu cánh cho nhiều gia đình rơi vào hoàn cảnh như tôi" - chị M. hạnh phúc nói.

Với gia đình chị Đinh Thị Thơm (35 tuổi, ở Gia Lai), dù không đối mặt với bệnh lý như con chị M. song việc chăm sóc trẻ song sinh sinh non là hành trình khổ sở. Chị Thơm mang thai đôi khỏe mạnh nhưng đến tuần 22 thì bị tuột cổ tử cung, bác sĩ tiên lượng sinh sớm. Chuỗi ngày sau đó là ở bệnh viện nhiều hơn, chị phải nghỉ việc ở quê rồi cùng chồng vào TP HCM thuê trọ để theo dõi thai kỳ. Khi thai đến 30 tuần, chị bị vỡ ối bất ngờ, 2 con (1 trai, 1 gái) chào đời với cân nặng lần lượt 1,6 kg và 1,5 kg, phải nằm lồng kính thở máy.

Bé trai (con đầu) ra viện sau 8 ngày, bé gái phải ở lại 24 ngày. Lúc đầu chị hoang mang vì không được gặp con, đến khi lần đầu được ôm con vào lòng là hạnh phúc vô bờ. Nhưng lúc này các con nhỏ xíu lọt thỏm trong lòng bàn tay, không biết phải chăm sóc như thế nào. Bác sĩ hướng dẫn phương pháp Kangaroo - từ cách bế, ôm ấp, theo dõi từng hơi thở, cử động của con… Những ngày đầu còn lóng ngóng nhưng dần dần chị hiểu ý, dễ dàng hơn trong lúc ôm ấp, truyền hơi ấm, sự bình yên và cả suy nghĩ tích cực cho con. Dù non tháng nhưng các con như hiểu được những gì cha mẹ đang làm cho mình. Sau 2 tuần, các bé được xuất viện về nhà.

Từ chỉ nhỏ bằng bàn tay người lớn đến nay cặp song sinh đã đạt 27 - 33 kg, khỏe mạnh, học giỏi. Bé trai từng bị trào ngược dạ dày, vật lộn từng bữa ăn nhưng nay đã vượt qua tất cả. Khi được hỏi về lời khuyên dành cho các gia đình có con sinh non, chị Thơm cho rằng đây không phải bất hạnh mà là cơ hội để học cách yêu thương, kiên nhẫn. "Các con cảm nhận được năng lượng từ mẹ qua từng cái ôm, cử chỉ. Nếu mẹ bình an, con sẽ mạnh mẽ. Hơi ấm da kề da không chỉ là sợi dây gắn kết thiêng liêng mà còn giúp con lớn lên từng ngày" - chị Thơm chia sẻ.

Những con số biết nói

Tại TP HCM, Bệnh viện Từ Dũ và Bệnh viện Hùng Vương là những bệnh viện sản phụ khoa tuyến cuối, chuyên tiếp nhận và điều trị các ca sinh khó, trong đó có những trẻ sinh non. Bệnh viện Từ Dũ đặc biệt nổi bật khi là nơi đầu tiên tại khu vực phía Nam áp dụng phương pháp Kangaroo. BS.CK2 Nguyễn Thị Từ Anh, Trưởng Khoa Sơ sinh - Bệnh viện Từ Dũ, cho biết khoa thực hiện phương pháp Kangaroo từ năm 1997. Đến nay, trải qua 28 năm, bệnh viện đã cứu sống được nhiều trẻ sinh non, trong đó, trẻ có cân nặng thấp nhất là 500 g, tuổi thai thấp nhất là 24 tuần.

Khuyến sinh, nâng chất giống nòi (*): Không đầu hàng nghịch cảnh- Ảnh 2.

Gia đình chị Đinh Thị Thơm với 2 bé song sinh sinh non nay đã lên 7 tuổi. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Muốn điều trị thành công trẻ sinh non phải hồi sức tích cực sớm từ giây phút đầu tiên, điều trị tốt trong giai đoạn hồi sức. Cuối cùng là phương pháp Kangaroo (đặt trẻ nằm trên ngực mẹ hoặc người chăm sóc) giúp trẻ rút ngắn thời gian nằm viện, tăng hiệu quả điều trị. Phương pháp này giúp trẻ sinh non cải thiện chức năng tim mạch, hô hấp và còn giúp bé phát triển cảm xúc tốt hơn nhờ tình thương yêu của mẹ.

Mỗi năm, Bệnh viện Từ Dũ có hơn 54.000 ca sinh, trong đó, tỉ lệ sinh non chiếm 15%-17%, cao hơn trung bình của Việt Nam (khoảng 8%) và thế giới (khoảng 10%). Theo BS Từ Anh, sự gia tăng này là do nơi đây chuyên sâu nên tiếp nhận nhiều trẻ từ nơi khác chuyển về, đặc biệt là những ca phức tạp. Ngoài ra, tỉ lệ sinh non tăng còn do những thay đổi sức khỏe của mẹ bầu. Các bệnh lý như bệnh tim mạch, đái tháo đường thai kỳ, cao huyết áp và các bệnh lý chuyển hóa khác ngày càng tăng, dẫn đến nguy cơ sinh non cao hơn. Các trường hợp mang thai bằng thụ tinh trong ống nghiệm cũng là một trong những nguyên nhân khiến tỉ lệ sinh non gia tăng. Những phụ nữ mang thai bằng phương pháp này thường phải đối mặt tình trạng đa thai, tử cung không khỏe mạnh, làm tăng khả năng sinh non.

Bệnh viện Hùng Vương triển khai phương pháp từ năm 2010. Qua 15 năm áp dụng, phương pháp này đã chứng minh được hiệu quả vượt trội trong việc cứu sống trẻ sinh non và nâng cao chất lượng cuộc sống sau khi xuất viện. BS.CK2 Bùi Thị Thủy Tiên, Trưởng Khoa Sơ sinh - Bệnh viện Hùng Vương, cho biết khi bắt đầu triển khai mới chỉ có 3 giường. Việc thiếu trang thiết bị hiện đại như lồng ấp, máy sưởi là một thách thức lớn. Tuy nhiên, nhờ phương pháp Kangaroo đã có thể giảm tải cho nhân viên y tế, giảm chi phí mà vẫn bảo vệ được sức khỏe cho trẻ. Phương pháp này không chỉ giúp duy trì thân nhiệt cho trẻ sơ sinh mà còn bảo đảm các bé được nuôi bằng sữa mẹ ruột, tăng cường miễn dịch và giúp trẻ phát triển một cách toàn diện.

Theo BS Thủy Tiên, việc chăm sóc trẻ sơ sinh non tháng bằng phương pháp Kangaroo có nhiều lợi ích so với các phương pháp truyền thống như sử dụng lồng ấp. Trẻ được giữ ấm và tăng cường tình cảm gắn bó giữa mẹ và con. Điều này không chỉ giúp trẻ giảm nguy cơ nhiễm trùng mà còn giúp khả năng tăng cân và phát triển một cách nhanh chóng. Ngoài ra, cũng giúp giảm nguy cơ nhiễm khuẩn từ các thiết bị y tế như máy thở hay lồng ấp, đồng thời giảm thiểu nguy cơ trào ngược gây viêm phổi cho trẻ.

Dù phương pháp Kangaroo đã mang lại nhiều lợi ích cho cả trẻ sơ sinh và gia đình trẻ nhưng không phải lúc nào quá trình triển khai cũng suôn sẻ. Một trong những thách thức lớn là sự thiếu hiểu biết của một số phụ huynh về lợi ích của phương pháp này. Để giúp họ hiểu rõ, bệnh viện đã tổ chức các buổi tham quan và huấn luyện cho các bậc phụ huynh trước khi thực hiện. Ban đầu, nhiều cha mẹ rất lo lắng vì bé quá nhỏ. Họ sợ việc tiếp xúc trực tiếp với mẹ sẽ làm con gặp nguy hiểm. Tuy nhiên, sau khi được giải thích và chứng kiến kết quả thực tế, họ mới dần đồng ý và hợp tác.

Đến nay, số giường dành cho việc áp dụng phương pháp Kangaroo tại Bệnh viện Hùng Vương đã lên tới hơn 50. Hầu hết các giường đều có trẻ điều trị. Tỉ lệ cứu sống trẻ sơ sinh non tháng đã tăng lên đáng kể nhờ phương pháp này. "Mỗi ca bệnh thành công là một niềm vui lớn đối với chúng tôi. Hy vọng trong tương lai, phương pháp này sẽ tiếp tục giúp đỡ ngày càng nhiều trẻ sơ sinh non tháng được cứu sống và phát triển khỏe mạnh. Một trong những ca làm tôi nhớ mãi là một bé sinh non ở tuần 25, chỉ nặng 900 g. Mặc dù khó khăn nhưng sau khi áp dụng phương pháp Kangaroo, bé đã sống và phát triển bình thường. Đến nay, bé đã 14 - 15 tuổi, khỏe mạnh và học tập tốt" - BS Thủy Tiên nhớ lại. 

Cần sự chung tay, tiếp sức

Theo quy định hiện hành, phụ nữ sinh non được nghỉ thai sản lâu hơn so với sinh đủ tháng - cứ mỗi tháng sinh non được cộng thêm 1 tháng nghỉ, tối đa là 6 tháng. Trường hợp sinh đôi được nghỉ thêm 1 tháng. Tuy nhiên, trên thực tế, thời gian này vẫn không đủ để các mẹ đồng hành với con trong suốt hành trình điều trị và phục hồi. Trong bối cảnh đó, nhiều người mẹ buộc phải xin nghỉ việc không lương hoặc nhờ người thân thay phiên chăm con - điều này ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập và tinh thần của cả gia đình.

Mặc dù đã được Tổ chức Y tế thế giới công nhận là phương pháp hiệu quả trong việc giảm nguy cơ nhiễm khuẩn, tiết kiệm chi phí và tăng tỉ lệ sống sót cho trẻ sinh non nhưng phương pháp Kangaroo hiện vẫn chưa được BHYT chi trả đầy đủ tại Việt Nam. Cụ thể, BHYT chỉ thanh toán phần chi phí điều trị y tế cho trẻ, không bao gồm: phí giường Kangaroo (dao động 300.000 - 500.000 đồng/ngày), chi phí ăn ở của người nhà trong suốt thời gian đồng hành với con (1 - 3 tháng). "Có những gia đình phải vay mượn hoặc sống nhờ các nguồn hỗ trợ từ thiện. Không ít trường hợp buộc phải từ chối phương pháp Kangaroo vì không kham nổi chi phí" - BS Từ Anh thông tin.

(Còn tiếp)

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 16-4

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo