NSƯT Ca Lê Hồng cho rằng nhạc kịch thuần Việt thì kịch bản phải là tác phẩm văn học của Việt Nam, âm nhạc do người Việt sáng tác và vở diễn do đạo diễn, diễn viên, ê-kíp sáng tạo cũng phải là người Việt.
Điểm lại vài năm gần đây, không ít vở nhạc kịch thuần Việt như: "Dế Mèn phiêu lưu ký" (Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP HCM), "Tiên Nga" (Sân khấu Kịch IDECAF), "Tuyết Sài Gòn", "Tấm Cám", "Thủy Tinh - Đứa con thứ 101" (nhóm kịch Buffalo, TP HCM), "Hà Nội xưa và nay", "Tôi đọc báo sáng nay" (Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long), "Trại hoa vàng" và "Sóng" (Nhà hát Tuổi Trẻ) đã tạo được sự chú ý.
Vở "Tình sử Thăng Long" vừa công diễn tại Nhà hát Bến Thành, chưa thể gọi là nhạc kịch mà là kịch có "chêm" bài ca. Tương tự vở "Bông cánh cò" của sân khấu kịch Hồng Vân, khai thác hướng đi bằng cách đưa ca khúc của nhạc sĩ Bắc Sơn đặt vào các tình huống kịch, đây chưa phải là nhạc kịch, dù ê-kíp thực hiện khao khát được dàn dựng thử nghiệm loại hình này với dòng nhạc quê hương.
Theo NSND Trần Minh Ngọc kịch bản nhạc kịch thuần Việt đòi hỏi tác giả (biên kịch) và nhạc sĩ (viết lời ca khúc) phải thống nhất qua từng cảnh diễn, để lời thoại của nhân vật cũng được biến thành ca khúc, hợp lý và thuyết phục. Âm nhạc của nhạc kịch rất quan trọng, bởi nhạc không hay, không đi vào lòng người thì khó đạt hiệu quả nghệ thuật của một vở nhạc kịch.
Bình luận (0)