Sở Xây dựng TP HCM vừa có văn bản gửi các đơn vị trực thuộc về việc triển khai kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại hội nghị sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông quý I/2025. Trong đó có nội dung TP Hà Nội và TP HCM nghiên cứu, đề xuất cơ quan có thẩm quyền quy định bắt buộc kiểm tra định kỳ khí thải xe máy, loại bỏ xe cũ nát gây ô nhiễm môi trường và mất an toàn giao thông.
Chuẩn bị tốt cơ sở hạ tầng
Trong đó, Sở Xây dựng giao Phòng Quản lý vận tải nghiên cứu, đề xuất cơ quan có thẩm quyền quy định bắt buộc kiểm định khí thải định kỳ với xe máy và loại bỏ xe cũ nát gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn giao thông.
Phòng này cũng được giao nghiên cứu phát triển vận tải công cộng, phát triển giao thông xanh theo hướng áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật cao hơn quy định chung để giảm ùn tắc, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong khu vực trung tâm thành phố.
Tại TP HCM, không khó để nhận thấy nhiều xe máy cũ kỹ, xuống cấp, xả khói đen lưu thông nhan nhản trên đường. Các phương tiện này chủ yếu vận chuyển hàng hóa, thu gom rác, thu mua phế liệu…
Không chỉ xuất hiện nhiều ở ngoại thành, các phương tiện này còn thường có mặt trên những tuyến đường nội đô, tập trung ở các khu vực chợ, khu mua bán… như chợ Kim Biên, chợ An Đông, chợ Bình Tây…

Việc kiểm định khí thải xe máy cần lộ trình hợp lý
Tại các phường vùng ven như Tân Bình, Tân Thới Nhất, Gò Vấp, Hạnh Thông Tây… xe máy cũ xuất hiện thường xuyên trên hầu hết các tuyến đường. Phương tiện này xuất hiện dày đặc trên những tuyến đường thuộc các xã ngoại thành như Bà Điểm, Hóc Môn, Củ Chi, Vĩnh Lộc, Tân Vĩnh Lộc… vì được người dân dùng để kéo xe lôi chở hàng hóa, trái cây, ve chai…
Theo Sở Xây dựng TP HCM, hiện nay, các trung tâm đăng kiểm ở thành phố chủ yếu phục vụ kiểm định ô tô nên việc chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ kiểm định gần 9 triệu xe máy cần có thời gian.
Để chuẩn bị, Sở Xây dựng đã đề nghị các trung tâm đăng kiểm rà soát trang thiết bị, cơ sở vật chất để đáp ứng nhu cầu kiểm định khí thải xe máy. Ngoài ra, sở cũng đề nghị Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) lên danh sách các cơ sở phân phối, sửa chữa, bảo hành xe máy trên địa bàn; rà soát các cơ sở có nhu cầu thành lập trạm kiểm định khí thải xe máy để nhà chức trách có hướng dẫn cụ thể. Các cơ sở này có thể vừa kiểm định khí thải vừa duy trì hoạt động bảo dưỡng, sửa chữa xe máy nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Song song đó, kế hoạch phát triển vận tải công cộng, giao thông xanh theo hướng áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật cao hơn quy định chung cũng được sở này định hướng, triển khai đến các doanh nghiệp vận tải xe buýt, taxi. Hiện TP HCM đã có 419 xe buýt chạy bằng điện, 523 xe buýt chạy bằng khí CNG trên tổng số 2.214 phương tiện.
Ngoài ra, để triển khai đề án kiểm soát khí thải phương tiện, Sở Xây dựng đang xây dựng lộ trình và chính sách hỗ trợ chuyển đổi xe buýt sang xe điện, xe năng lượng xanh, áp dụng từ năm 2025, với mục tiêu đến năm 2035, 100% xe buýt của TP HCM sẽ sử dụng điện, năng lượng xanh.
Tạo thuận lợi cho người dân
Là cư dân TP HCM, anh Nguyễn Tấn Phước (ngụ phường Sài Gòn) ủng hộ kế hoạch này nhưng cho rằng cần có nhiều điểm kiểm định để tiết kiệm thời gian, đồng thời chi phí và thời hạn kiểm định xe máy cũ cần được tính toán phù hợp với thu nhập của người dân.
TS Phan Lê Bình, Trưởng Đại diện Văn phòng Tư vấn OCG Nhật Bản, cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc kiểm định. Ông cho rằng xe máy cũ không chỉ gây ô nhiễm mà còn mất an toàn. "Tiêu chuẩn khí thải cần được tính toán hợp lý để vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường vừa không gây tốn kém cho người dân. Các cơ sở kiểm định phải được phân bổ rộng hợp lý để tránh ùn tắc" - ông Bình góp ý.
Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách ô tô TP HCM, cho rằng thời gian qua, các trung tâm đăng kiểm tại TP HCM chủ yếu kiểm định cho khoảng 1 triệu ô tô nhưng nhiều thời điểm vẫn xảy ra ùn ứ do thiếu nhân viên, dây chuyền tạm dừng hoạt động… Với hơn 9 triệu xe máy đang lưu hành, việc kiểm định khí thải sẽ đòi hỏi điều kiện cơ sở hạ tầng rộng lớn, phủ khắp.
"Theo tôi, cơ quan chức năng nên mạnh dạn giao cho tư nhân thực hiện công việc này dựa trên quy chuẩn kỹ thuật do nhà nước ban hành. Đặc biệt, các hãng sản xuất xe máy lớn sẽ đủ điều kiện, thiết bị, nhân sự để kiểm định như đã từng thí điểm tại TP HCM vào tháng 5-2020. Ngoài ra, để tránh lãng phí cho xã hội, chỉ nên kiểm định đối với xe máy có niên hạn sử dụng từ 10 - 15 năm trở lên. Riêng các đối tượng như người giao hàng, người chạy xe ôm sống bằng phương tiện này cần được hỗ trợ, giảm chi phí kiểm định để tránh ảnh hưởng đến công cuộc mưu sinh" - ông Tính cho hay.
Thí điểm tại Hà Nội và TP HCM
Theo ông Hồ Kiên Trung, Phó Cục trưởng Cục Môi trường - Bộ Nông nghiệp và Môi trường, cục đang xây dựng dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về lộ trình áp dụng quy chuẩn khí thải cho xe máy lưu hành tại Việt Nam nhằm giảm ô nhiễm không khí. Đây là chủ trương đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề xuất lộ trình kiểm định khí thải theo từng địa phương. Cụ thể, chính sách sẽ được áp dụng trước tại Hà Nội và TP HCM từ ngày 1-7-2027, do đây là 2 thành phố có lượng xe máy lớn nhất cả nước (Hà Nội 5,6 triệu xe, TP HCM 8,5 triệu xe).
Lộ trình sẽ tiếp tục mở rộng ra các thành phố trực thuộc Trung ương từ ngày 1-7-2028 và áp dụng trên toàn quốc từ ngày 1-7-2030. Phương án này được cho là sẽ giải quyết vấn đề ô nhiễm một cách đồng bộ và hiệu quả hơn so với việc kiểm định "cuốn chiếu" theo năm sản xuất, vốn có thể mất từ 7 - 10 năm.
Để đáp ứng nhu cầu kiểm định, Cục Môi trường đã làm việc với Cục Đăng kiểm Việt Nam và đề xuất các giải pháp tăng cường hạ tầng. Hiện cả nước chỉ có 282 trung tâm, không đủ đáp ứng. Các phương án được đưa ra bao gồm việc xây dựng trung tâm kiểm định thông qua các đại lý, cơ sở bảo dưỡng và theo hướng xã hội hóa.
Th.Linh
Bình luận (0)