Theo quyết định của Bộ Công Thương, từ ngày 10-5, giá bán lẻ điện bình quân tăng 6,8%, từ mức 1.920 đồng lên khoảng 2.050 đồng/KWh. Mức tăng này được cho là nhằm bù đắp chi phí đầu vào và bảo đảm hoạt động của doanh nghiệp ngành điện nhưng đã kéo theo nhiều tác động đến đời sống người dân và hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Âm thầm tăng giá
Chuẩn bị cho Tết Đoan ngọ (mùng 5 tháng 5 âm lịch), chị Nguyễn Thanh Phương (ngụ quận 8, TP HCM) liên hệ đặt bánh ú lá tro làm quà biếu thì "choáng" vì giá tăng từ 80.000 đồng/set 20 cái lên 100.000 đồng.
"Đây là đầu mối bán sỉ bánh ú lá tro mà giá đã tăng 20.000 đồng/set, tức hơn 20%. Trong các hội nhóm cư dân, giá đang dao động 60.000 - 75.000 đồng/chục" - chị Phương so sánh. Mọi năm, chị thường mua khoảng 200 bánh để biếu tặng nhưng năm nay, do giá tăng cao đột ngột, chị buộc phải cắt giảm một nửa để tránh chi phí phát sinh quá nhiều.

Người tiêu dùng lo lắng khi nhiều loại thực phẩm cùng tăng giá Ảnh: LÊ THÚY
Theo chị Phương, nửa tháng nay, tiền chợ không biến động nhiều vì giá thịt, cá đồng, rau củ nhìn chung vẫn ổn định. Tuy nhiên, so với trước Tết Nguyên đán, giá thịt heo đã tăng khoảng 15.000 - 20.000 đồng/kg, cá biển tăng khoảng 10.000 đồng/kg. Một số mặt hàng tiêu dùng như dầu ăn, nước mắm, nước tương, giấy vệ sinh, nước giặt… cũng âm thầm tăng giá so với 6 tháng trước.
"Tiền điện tháng 4 của nhà tôi tăng gần gấp đôi, từ 420.000 đồng lên 715.000 đồng. Tháng 5 chắc hẳn sẽ còn cao hơn do áp dụng mức giá điện mới. Thu nhập không tăng, việc kiếm tiền ngày càng khó trong khi chi phí cứ nhích dần khiến việc cân đối chi tiêu rất vất vả" - chị Phương lo ngại.
Chị Yến Bùi, chuyên kinh doanh hải sản tươi sống và chế biến online, cũng đau đầu vì chi phí đang "ăn mòn" lợi nhuận. Trước đây, chị chỉ chi khoảng 2,5 triệu đồng tiền điện mỗi tháng cho 3 tủ đông và sinh hoạt gia đình nhưng tháng 4 đã tăng lên 3,2 triệu đồng và dự kiến tháng 5 còn cao hơn.

Người tiêu dùng ngày càng có xu hướng tiết kiệm mua sắm. Ảnh: THANH NHÂN
"Nhiều món bán sỉ đã dưới giá hòa vốn nhưng thị trường tiêu thụ chậm nên tôi phải lấy lợi nhuận từ bán lẻ bù cho bán sỉ. Lo nhất là giá hải sản đánh bắt xa bờ sẽ còn tăng, do ngư dân phải chịu thuế giá trị gia tăng 5%. Hộ kinh doanh của tôi cũng phát sinh chi phí khi chuyển từ nộp thuế khoán sang hóa đơn điện tử và đóng thuế theo doanh thu" - chị Yến phản ảnh.
Khảo sát một số chợ truyền thống ở TP HCM cho thấy nhiều mặt hàng thực phẩm đông lạnh, chế biến và tươi sống đã tăng giá 2%-5% so với đầu tháng 5, nhất là hàng đông lạnh. Một tiểu thương ở chợ đầu mối Bình Điền (quận 8) giải thích do chi phí lưu kho, vận hành kho lạnh và vận chuyển đều tăng sau khi giá điện điều chỉnh nên buộc phải cộng thêm vào giá bán.
Tuy nhiên, do sức mua yếu, nhiều doanh nghiệp vẫn cố giữ giá hàng hóa. Đại diện một số hệ thống bán lẻ lớn tại TP HCM cho biết hiện chưa nhận được thông báo tăng giá từ nhà cung cấp nào với lý do giá điện tăng.
"Từ tháng 6 đến tháng 9 là mùa thấp điểm mua sắm, doanh nghiệp sẽ hạn chế tối đa việc tăng giá và cố gắng giữ giá hàng hóa ổn định để thúc đẩy tiêu thụ" - ông Đinh Quang Khôi, Giám đốc marketing MM Mega Market, cho hay.
Tại Hà Nội, giá thực phẩm và hàng hóa cũng đang có xu hướng nhích nhẹ. Một số quán phở đã tăng giá 5.000 đồng/bát, giá đá xay tăng lên 30.000 đồng/bao 20 kg do chi phí nhân công, điện, nước đều tăng. Thịt heo dù đã "hạ nhiệt" nhưng vẫn giữ mức cao, 140.000 - 160.000 đồng/kg tùy loại, thịt bò dao động 250.000 - 300.000 đồng/kg.
"Giá nguyên liệu, nhân công, điện đều tăng khiến áp lực chi phí sản xuất rất lớn. Nếu không tăng giá hàng hóa thì lỗ, mà tăng thì lại khó cạnh tranh. Mỗi tháng chỉ riêng tiền điện đã tăng thêm 500.000 đồng, ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành" - bà Trần Thị Thúy, Chủ tịch HTX Lộc Thúy Quỳnh Farm (Vĩnh Phúc) - chuyên sản xuất mì gạo từ thanh long, nêu thực trạng.
Theo bà Dương Thị Huệ, đại diện Công ty TNHH Thực phẩm và Nông sản sạch Sóc Sơn (Hà Nội), sức mua vẫn chưa phục hồi do thu nhập của người dân không tăng. Công ty buộc phải ký hợp đồng dài hạn với nhà cung cấp nguyên liệu để giữ giá hàng hóa. "Nếu có tăng thì phải báo trước ít nhất 2 tháng. Các sản phẩm như chả cá muốn tăng giá phải được siêu thị chấp thuận, đề xuất tăng không được vượt quá 10%" - bà Huệ cho hay.
Kiểm soát các mặt hàng thiết yếu
Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Thành - chủ một cơ sở chế biến thủy sản tại huyện Cần Giờ, TP HCM - cho hay cơ sở hoạt động 24/24 giờ để bảo quản hàng hóa và vận hành dây chuyền sơ chế nên khi giá điện tăng, chi phí sản xuất cũng tăng thêm khoảng 8%. Dù vậy, đơn hàng không thể tăng giá tương ứng. "Giá điện là yếu tố đầu vào rất quan trọng, tăng giá điện lập tức kéo theo chi phí ở nhiều khâu. Nếu không tính toán kỹ, chúng tôi sẽ lỗ" - ông nói.
Ông Trịnh Văn Khoa - chủ xưởng sản xuất nhựa gia dụng tại quận Bình Tân, TP HCM - giải thích: "Giá điện tăng 6,8% khiến tiền điện mỗi tháng của xưởng tăng gần 8 triệu đồng, trong khi giá nguyên liệu vẫn cao. Chúng tôi đang cân nhắc tăng giá sản phẩm nhưng sợ mất khách".
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM (HUBA), đợt tăng giá điện lần này ảnh hưởng mạnh đến các doanh nghiệp sản xuất, nhất là nhóm ngành tiêu thụ điện lớn như thực phẩm, dệt may, cơ khí, điện lạnh… Nếu không có các chính sách hỗ trợ hay giảm thuế đầu vào, nhiều doanh nghiệp sẽ gặp khó khi phải chịu áp lực kép từ giá điện và chi phí khác như lãi vay, nhân công, tiêu thụ nội địa và xuất khẩu đều chậm.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), cho biết từ năm 2023 đến nay, giá điện đã tăng tổng cộng 17%. Trong ngành dệt - nhuộm, chi phí điện chiếm 9%-12% giá thành; còn ngành may chiếm hơn 1,8%.
"Điện tăng giá sẽ khiến giá thành hàng hóa tăng theo, doanh nghiệp dệt may vốn đã yếu thế về công nghệ và năng suất sẽ càng khó cạnh tranh" - ông Giang lo lắng, đồng thời cho rằng nếu giá điện tiếp tục tăng mỗi quý sẽ rất khó để doanh nghiệp đàm phán với đối tác nước ngoài, vì không thể liên tục tăng giá hàng hóa. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng cạnh tranh quốc tế.
Ở góc độ khác, TS Nguyễn Ngọc Tuyến, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, băn khoăn khi vẫn còn nhiều yếu tố có thể đẩy giá hàng hóa tiếp tục tăng như: cạnh tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn, thuế quan ở mức cao, giá đất tăng theo Luật Đất đai 2024, hàng loạt dự án hạ tầng được đầu tư lớn. Hệ thống giá dịch vụ cũng đang được điều chỉnh theo cơ chế thị trường, góp phần khiến giá hàng hóa tiếp tục tăng.
PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả - Bộ Tài chính, đề xuất nhà nước cần kiểm soát giá các mặt hàng chiến lược như xăng dầu, điện, thực phẩm, thuốc… để tránh tăng giá đột biến. Bên cạnh đó, duy trì dự trữ quốc gia để can thiệp khi cần thiết; tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu trong năm 2025 nhằm hỗ trợ đầu vào sản xuất, ổn định giá cả.
Theo dự báo, lạm phát năm 2025 tại Việt Nam sẽ được kiểm soát ở mức hợp lý, dao động 3,5% - 4,5%. Song, ông Long lưu ý các yếu tố như biến động giá năng lượng toàn cầu, kinh tế thế giới và chính sách thương mại có thể ảnh hưởng đến lạm phát thực tế. Do đó, cần theo dõi sát sao và điều chỉnh chính sách kịp thời để đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát.
Xây dựng phương án cân đối cung cầu, bình ổn giá
Đại diện Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước - Bộ Công Thương cho biết đã ban hành kế hoạch truy quét buôn lậu, hàng giả và vi phạm sở hữu trí tuệ trên toàn quốc. Các đơn vị được yêu cầu bám sát diễn biến thị trường, tăng cường thu thập và phân tích thông tin về cung cầu, giá cả, nhất là các mặt hàng thiết yếu.
Bộ Công Thương cũng yêu cầu các lực lượng chức năng kiểm tra có trọng tâm, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, đầu cơ, thao túng giá..., đặc biệt trên các sàn thương mại điện tử.
Song song đó, thúc đẩy liên kết giữa nhà sản xuất và nhà phân phối, giảm khâu trung gian để giảm giá thành và tăng sức cạnh tranh cho hàng Việt; xây dựng phương án cân đối cung - cầu, bình ổn giá trong các dịp cao điểm; phối hợp với các bộ, ngành điều hành giá hàng hóa thiết yếu như xăng dầu, lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng... nhằm giữ ổn định kinh tế vĩ mô.
Bình luận (0)