Ngày 14-8, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) tổ chức Phiên họp thứ 26 dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo.
Kỷ luật 308 tổ chức Đảng, 11.005 đảng viên
Phiên họp đã thảo luận, cho ý kiến đối với 3 nội dung: Báo cáo tình hình, kết quả thực hiện Chương trình công tác 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024; báo cáo kết quả chỉ đạo, xử lý các vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo từ sau Phiên họp thứ 25 đến nay; báo cáo kết quả hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh 6 tháng đầu năm 2024.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 308 tổ chức Đảng, 11.005 đảng viên (tăng 34 tổ chức Đảng và 1.055 đảng viên so với cùng kỳ năm 2023). Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 47 cán bộ diện Trung ương quản lý.
Ngành Thanh tra, Kiểm toán đã kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính 71.431,6 tỉ đồng và 24,9 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 856 tập thể, 3.862 cá nhân (tăng 72 tập thể, 950 cá nhân so với cùng kỳ năm 2023).
Từ đầu năm đến nay, cấp có thẩm quyền đã xem xét cho thôi giữ chức vụ, nghỉ công tác, bố trí công tác khác đối với 14 cán bộ diện Trung ương quản lý và 172 cán bộ diện cấp ủy địa phương quản lý, về trách nhiệm người đứng đầu hoặc liên quan các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực; trong đó có 5 Ủy viên Bộ Chính trị, 1 Ủy viên Ban Bí thư và 4 Ủy viên Trung ương Đảng.
Thu hồi được gần 7.750 tỉ đồng
Công tác điều tra, truy tố, xét xử trong 6 tháng đầu năm 2024 được thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt. Nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực đặc biệt nghiêm trọng, liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương được xử lý nghiêm minh theo đúng phương châm "xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả một vùng, một lĩnh vực", "không có vùng cấm, không có ngoại lệ".
Trong 6 tháng đầu năm 2024, trên cả nước đã khởi tố mới, điều tra 2.836 vụ án/5.975 bị can về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ (tăng 841 vụ, 1.487 bị can so với cùng kỳ năm 2023); trong đó có 475 vụ án/1.094 bị can liên quan tội tham nhũng.
Các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã quyết định đưa 107 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực vào diện theo dõi để tập trung chỉ đạo, xử lý. Các cơ quan tiến hành tố tụng địa phương khởi tố mới 444 vụ án/1.003 bị can về tham nhũng.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng ở địa phương đã phát hiện, xử lý hơn 150 trường hợp do tham nhũng, tiêu cực, trong đó xử lý hình sự hơn 50 trường hợp.
Cũng trong 6 tháng đầu năm, chỉ tính riêng các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, các cơ quan thi hành án dân sự đã thu hồi được gần 7.750 tỉ đồng, nâng tổng số tiền thu hồi được từ khi thành lập Ban Chỉ đạo đến nay là 85.520 tỉ đồng.
Tập trung xử lý các vụ án tham nhũng lớn
Về nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2024 và thời gian tới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan chức năng tuyệt đối không được chủ quan, thỏa mãn với những kết quả đã đạt được; tiếp tục triển khai mạnh mẽ, đồng bộ các giải pháp, kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo đúng phương châm "không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai; truy tố một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực".
Tập trung chỉ đạo xử lý dứt điểm những khó khăn, vướng mắc trong thu hồi tài sản tham nhũng; có giải pháp mạnh mẽ để khắc phục tình trạng "tham nhũng vặt", gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.
Đặc biệt, đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Phấn đấu từ nay đến hết năm 2024, tập trung kết thúc điều tra, truy tố, xét xử 30 vụ án; kết thúc xác minh, giải quyết 6 vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.
Trong đó, tập trung điều tra, xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc liên quan đến Công ty AIC, Xuyên Việt Oil, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Thuận An, Tập đoàn Phúc Sơn, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, dự án Sài Gòn Đại Ninh... và các vụ án, vụ việc liên quan đến nhân sự đại hội Đảng các cấp.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế để phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Trọng tâm là hoàn thiện thể chế về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực; bảo vệ người đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực; kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn...
Tiếp tục chỉ đạo nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương. Tăng cường kiểm soát việc thực thi quyền lực; xử lý nghiêm minh, kịp thời các sai phạm, tham nhũng, tiêu cực trong các cơ quan có chức năng phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Chống tham nhũng để phát triển kinh tế - xã hội
Trong quá trình đấu tranh PCTNTC, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh 3 yêu cầu.
Thứ nhất, PCTNTC phải phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, không vì đẩy mạnh PCTNTC mà ảnh hưởng, cản trở phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ hai, PCTNTC phải được triển khai đến tận cơ sở Đảng, chi bộ và được sự giám sát của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Thứ ba, đặc biệt quan tâm công tác phòng, chống tiêu cực; nhất là các biểu hiện tiêu cực là nguồn gốc, nguyên nhân dẫn đến tham nhũng.
Vụ Vạn Thịnh Phát: Hoàn tất điều tra giai đoạn 2
Chiều 14-8, Ban Nội chính Trung ương tổ chức họp báo thông báo kết quả Phiên họp thứ 26 của Ban Chỉ đạo.
Tại buổi họp báo, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, Phó Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an, cho biết liên quan đến vụ án xảy ra tại Tập đoàn Thuận An, đến nay, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố 8 bị can. "Cơ quan điều tra đang tiếp tục làm rõ dấu hiệu sai phạm trong thực hiện đấu thầu triển khai các dự án của Tập đoàn Thuận An, đồng thời tập trung lực lượng điều tra mở rộng vụ án, thu hồi tài sản cho Nhà nước và xét xử nghiêm minh sai phạm. Trong quá trình điều tra, các bị can đã thừa nhận sai phạm, tự động nộp và vận động gia đình khắc phục thiệt hại 62 tỉ đồng và 42.000 USD" - ông Tuyên thông tin.
Liên quan Tập đoàn Phúc Sơn, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam 23 bị can. Đến nay, cơ quan điều tra đã thu giữ trên 300 tỉ đồng, gần 2 triệu USD, trên 500 cây vàng và hơn 1.000 sổ đỏ các loại.
Cơ quan điều tra đang củng cố tài liệu, chứng cứ, mở rộng điều tra, thu hồi tài liệu bị thất thoát, chiếm đoạt và làm rõ sai phạm của các bị can, đối tượng có liên quan.
Kế hoạch mở rộng điều tra vụ án liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, người phát ngôn Bộ Công an cho biết vụ án đã được mở rộng và giai đoạn 2 đã hoàn tất kết quả điều tra.
"Cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng đang điều tra vụ án đưa - nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ trong khi thi hành công vụ xảy ra tại tỉnh Lâm Đồng và các địa phương khác liên quan Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB)" - ông Tuyên nói.
Cũng tại buổi họp báo, liên quan vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Hữu Đông cho biết đến nay đã khởi tố 23 bị can, trong đó có 6 cán bộ diện Trung ương quản lý gồm 1 bí thư, 1 nguyên bí thư, 1 phó bí thư thường trực tỉnh ủy, 2 chủ tịch, 1 nguyên chủ tịch UBND tỉnh.
Đối với vụ án xảy ra tại Tập đoàn Thuận An, đã khởi tố 8 bị can; trong đó có 2 cán bộ diện Trung ương quản lý gồm 1 bí thư tỉnh ủy, 1 phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
Bình luận (0)