Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vừa cho biết thời gian qua, thông qua hoạt động kiểm toán đã ghi nhận những mặt tích cực, đồng thời cũng như chỉ ra những thiếu sót trong quản lý tài chính công, tài sản công tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và các đơn vị thành viên.
Theo đó, KTNN đã thực hiện kiểm toán Báo cáo tài chính năm 2021 và các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn nhà nước của các tập đoàn, tổng công ty và công ty. Kết quả kiểm toán cho thấy 19/20 tập đoàn, tổng công ty, công ty sản xuất kinh doanh có lãi.
Trong đó, có thể kể đến lợi nhuận sau thuế năm 2021 của Tập đoàn Điện lực (EVN) là hơn 15.647 tỉ đồng; Bưu chính Viễn thông (VNPT) hơn 5.064 tỉ đồng; Than - Khoáng sản (TKV) hơn 4.719 tỉ đồng, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) hơn 3.327 tỉ đồng; Xi măng (Vicem) 1.287 tỉ đồng...
Bên cạnh mặt tích cực, cơ quan kiểm toán cũng phát hiện một số hạn chế trong việc quản lý sử dụng vốn, tài sản của các doanh nghiệp. KTNN đã kiến nghị các doanh nghiệp Nhà nước phải tăng thu ngân sách Nhà nước hơn 1.411 tỉ đồng.
Kết quả kiểm toán cũng cho thấy một số công trình đã hoàn thành nhiều năm chưa được nghiệm thu, quyết toán; một số dự án dừng, giãn tiến độ, chậm tiến độ, dừng thi công còn tồn đọng chi phí dở dang lớn. Một số DN có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao.
KTNN cũng chỉ ra Vicem Tam Điệp có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu lên tới 8,24 lần, Công ty Cổ phần Lương thực Yên Bái 6,22 lần, Công ty Cổ phần Lương thực Cao Lạng 5,66 lần, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Lương thực - TP Hà Nội 3,91 lần.
Bên cạnh đó, một số tập đoàn, tổng công ty chưa thoái vốn đầu tư theo kế hoạch được duyệt, trong đó Công ty mẹ - Sonadezi chưa thoái vốn tại 03/09 công ty; Vinafood1 chưa hoàn thành giảm tỉ lệ vốn Nhà nước tại 6 công ty con và chuyển nhượng 100% vốn nhà nước tại 11 công ty con và công ty liên kết...
Một số doanh nghiệp chưa được phê duyệt quyết toán vốn nhà nước khi chính thức chuyển sang công ty cổ phần; hàng chục người đại diện phần vốn Nhà nước tại DN chưa báo cáo kịp thời và đầy đủ để có các giải pháp khắc phục đối với các công ty hoạt động kinh doanh thua lỗ theo quy định.
Ngoài ra, kết quả kiểm toán quyết toán giá trị phần vốn nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần của Tông công ty Lương thực miền Nam (Vinafood2) cho thấy một số đơn vị trực thuộc thực hiện đối chiếu, xác nhận công nợ phải thu, phải trả chưa đầy đủ.
Công ty mẹ chưa xác định khoản tiền phạt chậm nộp liên quan đến tiền thu về cổ phần hóa các đơn vị thành viên 17,75 tỉ đồng; chưa nộp số dư Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp tại thời điểm 31-12-2017 và xác định lãi chậm nộp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định lãi chậm nộp theo quy định.
Đại diện Bộ Tài chính cho biết công tác cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã được đẩy mạnh nhưng vẫn chưa đạt được kế hoạch đề ra. Nguyên nhân do việc sắp xếp cơ sở nhà đất, vướng mắc về thủ tục, hồ sơ đất đai; các nhà đầu tư chưa thực sự quan tâm đến các thương vụ bán cổ phần lần đầu và thoái vốn của DNNN dẫn đến tình trạng tỉ lệ nắm giữ vốn nhà nước tại các doanh nghiệp vẫn cao.
Bên cạnh đó, một số cơ quan đại diện chủ sở hữu và người đứng đầu DN còn chưa quyết liệt; việc rà soát, lập kế hoạch sắp xếp lại DN chưa được các cơ quan, đơn vị quan tâm đúng mức; công tác chuẩn bị cổ phần hóa, thoái vốn chưa tốt. Việc phối hợp giữa các cơ quan đại diện chủ sở hữu với các bộ, ngành, địa phương liên quan trong xử lý vướng mắc phê duyệt phương án sử dụng đất, xử lý tồn tại tài chính còn chưa tốt, kéo dài.
Từ kết quả kiểm toán của KTNN, ông Dương Mạnh Sơn, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), nhấn mạnh các kết luận, đánh giá về hoạt động của doanh nghiệp đã góp phần giúp PVN kịp thời xử lý, khắc phục các tồn tại.
Đồng thời, hoàn thiện hệ thống văn bản nội bộ trong lĩnh vực tài chính theo hướng ngày càng rõ ràng, minh bạch, chặt chẽ, đảm bảo tính tuân thủ, góp phần nâng cao chất lượng quản lý, bố trí và sử dụng hợp lý nguồn lực tài chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của PVN.
Bình luận (0)