Kiểm toán nhà nước (KTNN) vừa có đánh giá về công tác thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán thời gian qua. Về tổng thể, KTNN cho biết bên cạnh nhiều bộ, ngành, địa phương, đơn vị đã nỗ lực thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán thì còn không ít kết luận, kiến nghị chưa được thực hiện.
Đáng chú ý, KTNN nêu rõ nhiều kiến nghị kiểm toán đã "treo" nhiều năm, với số tiền đọng lại hàng ngàn tỉ đồng, nhiều điểm nghẽn cơ chế, chính sách chưa được khơi thông.
KTNN cho biết qua rà soát, phân tích đối với các kiến nghị xử lý tài chính, xử lý khác chưa thực hiện, tính đến 31-3-2023 là hơn 108.180 tỉ đồng. Trong đó, kiến nghị tăng thu, giảm chi ngân sách Nhà nước (NSNN) là 45.552 tỉ đồng; còn lại chủ yếu là các khoản kiến nghị hoàn thiện thủ tục để thanh quyết toán theo quy định.
Theo ông Đặng Văn Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (KTNN), báo cáo kiểm toán có giá trị bắt buộc phải thực hiện. Các kết luận, kiến nghị của KTNN được thực thi còn góp phần quan trọng trong việc cải thiện và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính, tài sản quốc gia.
Dẫn chứng về việc thực hiện kết luận kiểm toán tốt, ông Hải nêu kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN đối với ngân sách tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2009 - 2018 luôn đạt bình quân 95%/năm. Tương tự tại Nghệ An, tỉnh này cũng thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán với tỉ lệ trung bình đạt khoảng 85% (từ năm 2020 - 2022).
Tại Kon Tum, thực hiện kết luận kiểm toán năm 2019, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc điều chỉnh sổ kế toán, báo cáo quyết toán lập thủ tục nộp tiền vào NSNN, giảm dự toán năm sau. Theo đó, đơn vị đã thu hồi nộp NSNN 100% các khoản chi sai chế độ, đồng thời tổ chức họp giải trình, làm rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân liên quan đến những tồn tại nêu trên.
Bên cạnh kết quả tích cực nêu trên, KTNN đã chỉ rõ không ít những kết luận, kiến nghị kiểm toán chưa được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Trong đó, các kết luận, kiến nghị của KTNN đối với niên độ NSNN năm 2021, năm 2020 và năm 2019 trở về trước chưa thực hiện, đang được KTNN theo dõi, đôn đốc.
Theo đại diện cơ quan kiểm toán, nếu không được quan tâm, xử lý quyết liệt thì hàng ngàn tỉ đồng kiến nghị xử lý tài chính về tăng thu, giảm chi, thu hồi nộp NSNN sẽ không được thực hiện đầy đủ, kịp thời và có nguy cơ gây thất thoát, lãng phí.
"Có những kiến nghị đã gần 10 năm, hoặc hơn 20 năm nhưng đến nay vẫn "treo" không được thực hiện. Có nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan khiến cho việc thực hiện kiến nghị kiểm toán còn khó khăn, thậm chí là không có khả năng thực hiện"- ông Hải cho hay.
Theo KTNN, điển hình như tại dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ, TP. Hà Nội theo hình thức hợp đồng BOT (kiểm toán năm 2021 với niên độ NSNN năm 2020). Tính đến ngày 31-3-2023, Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ chưa thực hiện kiến nghị xử lý tài chính hơn 109 tỉ đồng.
Tại Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 18 đoạn Bắc Ninh - Uông Bí theo hình thức hợp đồng BOT (kiểm toán năm 2018, niên độ NSNN 2017), số kiến nghị xử lý tài chính tồn đọng chưa được Công ty Cổ phần BOT Phả Lại thực hiện đến ngày 31-3-2023 là hơn 106,7 tỉ đồng.
Bên cạnh tồn đọng trong thực hiện kiến nghị xử lý tài chính, kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung, thay thế các văn bản pháp luật, quy phạm pháp luật nhằm "bịt lỗ hổng" cơ chế, chính sách. Đặc biệt, kiến nghị về kiểm điểm, xử lý trách nhiệm cá nhân - cũng còn rất khiêm tốn.
Về nguyên nhân khiến kết luận, kiến nghị kiểm toán tồn đọng kéo dài, ông Doãn Anh Thơ, Phó Tổng KTNN cho biết cơ quan này đã lượng hóa một cách có hệ thống trên cơ sở phối hợp với Ủy ban Tài chính, Ngân sách, đơn vị được kiểm toán. Trong đó, nguyên nhân thuộc trách nhiệm của đơn vị được kiểm toán chiếm 58,5%.
Cơ quan kiểm toán cho rằng, để thúc đẩy việc thực thi đầy đủ, kịp thời hơn các kết luận, kiến nghị kiểm toán, cần phải bắt đầu từ việc tháo gỡ những vướng mắc, bất cập về cơ chế, chính sách.
Xác định phần lớn kiến nghị kiểm toán chưa được thực hiện thuộc về trách nhiệm của các đơn vị kiểm toán, cũng như vướng mắc do cơ chế, song KTNN cũng cho rằng, để việc thực hiện kiến nghị đạt kết quả cao cần có giải pháp đồng bộ từ nhiều phía, trong đó kết luận, kiến nghị kiểm toán phải đảm bảo tính chính xác, thuyết phục.
Vì vậy, Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh thời gian tới, KTNN sẽ cố gắng khắc phục các bất cập, hạn chế để thực hiện tốt hơn việc đôn đốc thực hiện kiến nghị kiểm toán. Cùng với đó, nâng cao chất lượng báo cáo kiểm toán, đảm bảo các kiến nghị kiểm toán đưa ra rõ ràng, đúng người, đúng việc, từ đó nâng cao tỉ lệ thực hiện kiến nghị.
Tổng KTNN cũng nhìn nhận, ở những cơ quan, đơn vị nào, cấp ủy và người đứng đầu quan tâm đến việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán thì ở nơi đó kết quả thực hiện rất cao.
Bình luận (0)