xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Kiểm tra thông tin giá vé máy bay tăng cao

Dương Ngọc - Thái Phương - LAN ANH

Dự báo giá vé máy bay toàn cầu sẽ tăng 3%-7% trong năm 2024 và sẽ tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo

Qua rà soát tình hình giá vé máy bay nội địa 4 tháng đầu năm 2024, Cục Hàng không Việt Nam (Cục Hàng không) cho biết từ đầu năm đến nay, giá vé trung bình hạng phổ thông trên một số đường bay của các hãng hàng không Việt Nam đều tăng so cùng kỳ năm 2023.

Vẫn trong khung quy định

Dù vậy, Cục Hàng không khẳng định giá vé vẫn nằm trong khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách theo quy định.

Cụ thể, đối với đường bay Hà Nội - TP HCM: Giá vé trung bình của Vietnam Airlines khoảng 2,64 triệu đồng (tăng 14% so cùng kỳ năm 2023), Vietjet Air khoảng 1,74 triệu đồng (tăng 25%), Bamboo Airways khoảng 2 triệu đồng (tăng 11%) và Vietravel Airlines khoảng 1,5 triệu đồng (tăng 15%).

So với mức giá tối đa theo quy định (3,4 triệu đồng chưa bao gồm thuế, phí), mức giá vé trung bình này của các hãng hàng không Việt Nam chỉ ở mức từ 44,1% (Vietravel Airlines) đến 77,6% (Vietnam Airlines).

Nhìn chung, mức tăng từ 11% đến 49,6%, tùy hãng hàng không và tùy đường bay. Tuy nhiên, mức giá vé trung bình của các hãng hiện vẫn chỉ ở mức từ 38,1% đến 77,6% so với mức giá tối đa theo quy định.

Hiện mức giá vé phổ thông tối đa với các đường bay nội địa là: Với đường bay từ 500 đến dưới 850 km là 2,25 triệu đồng; từ 850 đến dưới 1.000 km là 2,89 triệu đồng; từ 1.000 đến dưới 1.280 km là 3,4 triệu đồng; từ 1.280 km trở lên là 4 triệu đồng.

Trước những phản ánh về giá vé máy bay quá cao, Cục Hàng không đang kiểm tra hoạt động bán vé, kê khai, niêm yết giá vé của các hãng hàng không Việt Nam trong giai đoạn từ ngày 1-1 đến 4-5-2024 và các thời kỳ khác có liên quan nội dung kiểm tra.

Cục Hàng không sẽ đánh giá việc kê khai, niêm yết giá vé, việc chấp hành quy định pháp luật của các chủ thể liên quan trong hoạt động bán vé; hướng dẫn các đơn vị được kiểm tra thực hiện đúng quy định pháp luật, phát hiện những bất cập trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật về hoạt động bán vé; kê khai, niêm yết giá vé (nếu có). Qua đó đề xuất khắc phục, điều chỉnh cho phù hợp. Kết quả kiểm tra sẽ báo cáo Bộ Giao thông Vận tải trước ngày 10-5.

Cục Hàng không đề nghị các cá nhân, tổ chức, khách hàng mua vé máy bay thời gian qua (nhất là từ đầu năm đến nay) phản ánh thông tin, tài liệu xác thực về việc đã phải mua vé máy bay giá cao so với quy định, qua hộp thư phananhgiave@caa.gov.vn, nêu rõ họ tên hành khách, số điện thoại liên hệ, hành trình vé, giá vé, hình ảnh hóa đơn chứng từ, biên lai chuyển tiền... nhằm góp phần nhanh chóng làm rõ, kịp thời chấn chỉnh, xử lý các vi phạm (nếu có).

Hành khách làm thủ tục mua vé tại sân bay Nội BàiẢnh: THÁI PHƯƠNG

Hành khách làm thủ tục mua vé tại sân bay Nội BàiẢnh: THÁI PHƯƠNG

Xu hướng chung

Theo Cục Hàng không, không chỉ với các hãng nội địa, giá vé máy bay tăng cao là xu hướng chung trên thế giới.

Các nguyên nhân chính gồm: Giá nhiên liệu tăng; chênh lệch tỉ giá ngoại tệ; việc triệu hồi động cơ của nhà sản xuất Pratt&Whitney tác động đến việc giảm đội máy bay khai thác trên thế giới, tiếp nhận máy bay mới và chi phí bảo dưỡng máy bay dừng khai thác tăng; giá thuê máy bay tăng cao; tình hình cung cầu vận tải hàng không.

Đến ngày 2-5, tổng số máy bay của các hãng hàng không Việt Nam là 199 chiếc, giảm 32 chiếc so năm 2023, số đang khai thác thực tế dao động từ 165-170 máy bay, giảm khoảng 40-45 máy bay so với bình quân khai thác trong năm 2023.

Cạnh đó, kế hoạch nhận máy bay của các hãng hàng không Việt Nam trong năm 2024 bị ảnh hưởng. Vietjet Air sẽ không nhận thêm máy bay nào; Vietnam Airlines thêm 2 máy bay B787; các hãng khác đều không tìm được máy bay thuê theo kế hoạch. Pacific Airlines không còn máy bay nào và Bamboo Airways chỉ khai thác 5 máy bay (giảm 25 máy bay so năm 2023).

Giá thuê động cơ và phụ tùng máy bay tăng từ 10%-13% so với trước năm 2019.

Việc giảm cung vận tải nội địa do giảm máy bay là nguyên nhân ảnh hưởng đến biến động về giá vé, đặc biệt trong thời điểm cầu vận chuyển hàng không tăng cao do nhu cầu của hành khách tăng vào dịp lễ, Tết. Tình trạng chênh lệch cung - cầu này dự báo tiếp tục xảy ra trong giai đoạn cao điểm hè 2024, sẽ gây áp lực lên giá vé trên các chặng bay nội địa, đặc biệt là các chặng bay đến các điểm du lịch, nghỉ dưỡng.

Giá nhiên liệu tăng và biến động tỉ giá làm tăng chi phí của các hãng hàng không. Theo Cục Hàng không, tỉ giá giai đoạn tháng 4-2024 tăng 8% so với tháng 4-2023. Với tỉ trọng các chi phí có gốc ngoại tệ của các hãng hàng không chiếm khoảng 75% tổng chi phí, chỉ tính riêng biến động của tỉ giá đã khiến chi phí của các hãng tăng gần 6% so cùng kỳ. Tỉ giá bình quân trong quý II/2024 tăng làm chi phí tăng mỗi chuyến bay 23 triệu đồng.

Theo những nghiên cứu và đánh giá của Hiệp hội Các hãng hàng không châu Á - Thái Bình Dương, giá vé máy bay trên thế giới thời gian tới xu hướng tăng cao so với trước. Bên cạnh tình trạng thiếu hụt máy bay trên diện rộng; chi phí nhiên liệu cùng các yêu cầu về chuyển đổi nhiên liệu, cắt giảm khí thải; thiếu hụt nhân lực chất lượng cao, tỉ giá, xung đột vũ trang ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng sản phẩm, làm thay đổi kéo dài lịch trình, đường bay…

Đồng thời, các hãng hàng không trên thế giới đã dần chuyển dịch chính sách giá vé từ chấp nhận thua lỗ để thu hút, khuyến khích khách hàng sử dụng dịch vụ với nhiều mức giá rẻ sang việc bảo đảm, cân đối tài chính và tạo nguồn cho sự tăng trưởng, phát triển trở lại với các mức giá dần cao hơn, đủ bù đắp chi phí vận hành.

Theo Báo cáo xu hướng toàn cầu do FCM Consulting cung cấp, cuối năm 2023 giá vé máy bay quốc tế hạng phổ thông đã tăng 17%-25% so với năm 2019. Dự báo giá vé máy bay toàn cầu sẽ tăng 3%-7% trong năm 2024 và sẽ tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo.

Khó liên kết?

Trong bối cảnh giá vé máy bay duy trì ở mức cao liên tục, ngành du lịch cũng phải xoay trở để ứng phó, nhất là khi cao điểm du lịch hè đang cận kề.

Không chỉ du lịch nội địa chịu thiệt mà ngay cả khách quốc tế cũng bị ảnh hưởng. Bởi khách quốc tế tới Việt Nam không chỉ dừng chân ở một điểm đến mà có thể bay nội địa tới nhiều tỉnh, thành khác hoặc xuyên Việt. Khi đó, giá vé máy bay cao cũng gián tiếp ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam so với những điểm đến khác.

Ông Nguyễn Thành Lưu, Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist, cho biết công ty đã phải lập các phương án, kế hoạch kinh doanh cao điểm hè năm nay trong bối cảnh giá vé máy bay cao. Ngoài các tour đường bay, công ty đẩy mạnh tour tuyến, sản phẩm du lịch bằng tàu hỏa, ô tô… để tăng sự lựa chọn, đa dạng nhu cầu của du khách.

"Đúng là khách du lịch sẽ bị ảnh hưởng khi giá vé máy bay tăng cao, nhất là tới những điểm đến xa mà tàu hỏa hoặc ô tô không có lợi thế. Như những ngày qua đang diễn ra loạt sự kiện kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, nhưng không phải khách du lịch nào muốn đi cũng tới được thành phố này vì chi phí vé máy bay tăng. Nếu khách đoàn đi theo công ty, doanh nghiệp có kế hoạch hoặc đặt vé sớm từ trước sẽ không bị ảnh hưởng nhiều bởi giá vé máy bay cao, nhưng khách lẻ đi tự túc hoặc đặt đi ngay thì khó tránh" - ông Nguyễn Thành Lưu nói.

Ông Nguyễn Trần Vĩnh Anh, Giám đốc điều hành Công ty Du lịch TSTtourist, cho rằng du khách nên có kế hoạch du lịch sớm, đặt tour sớm để có thêm sự lựa chọn. Chọn đúng thời gian bay có thể tiết kiệm khá nhiều chi phí. Như tại Vietnam Airlines, bay sau 21 giờ giá vé sẽ rẻ hơn nhiều so với đi ban ngày; mua theo nhóm từ 4-8 khách hoặc mua sớm 30 ngày trước ngày khởi hành sẽ được giảm giá vé.

Vì sao không bắt tay giữa du lịch và hàng không để có mức giá tốt, kích cầu du lịch? Lãnh đạo một doanh nghiệp du lịch cho rằng rất khó để mời các hãng hàng không liên kết, vì "không cần liên kết các hãng cũng đủ khách bay".

Một lãnh đạo của Cục Du lịch Quốc gia cho rằng giá vé máy bay tăng khiến chi phí vận tải tăng lên, dẫn đến chi phí cho chuyến du lịch cũng tăng. Giá vé máy bay tăng cao sẽ tạo ra nhiều sức ép hơn cho điểm đến. Trong khi đó, nếu giá vé chặng bay nội địa ngang bằng với bay đến các quốc gia trong khu vực thì du khách có nhiều sự lựa chọn, trong đó có lựa chọn đi nước ngoài.

Ông Lê Hồng Thái, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist, cho biết do giá vé tăng nên du khách cân nhắc chi tiêu, các tour đi gần, có giá khoảng trên dưới 10 triệu đồng như Trung Quốc, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc)… rất được ưa chuộng.

Cục Hàng không khẳng định giá vé/km trên các chặng nội địa của Vietnam Airlines đang áp dụng ở mức tương đương với các hãng trong khu vực Đông Nam Á và thấp hơn đáng kể so với các hãng châu Âu và Bắc Mỹ.

Cơ cấu giá vé máy bay chỉ có 2 mục

Trước thông tin cho rằng Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) "lãi đậm ngàn tỉ" do giá, phí sân bay cao, đại diện ACV cho biết trong cơ cấu giá vé máy bay chỉ có 2 mục là các hãng hàng không thu hộ ACV là Phục vụ hành khách và Bảo đảm an ninh hành khách, hành lý. Với mỗi sân bay thì mức giá này có chênh lệch nhưng mức thu cao nhất với đường bay Hà Nội - TP HCM chỉ là 120.000 đồng/khách, còn với đường bay TP HCM - Côn Đảo là 80.000 đồng.

Các khoản phí khác như phí dịch vụ hệ thống (áp dụng cho nội địa), phí quản trị hệ thống (tổng cộng hơn 400.000 đồng) đều do hãng bay thu để trang trải các hoạt động duy trì bộ máy vận hành của hãng, dịch vụ mặt đất, duy trì hệ thống đặt vé của hãng bay...

D.Ngọc


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo