Chiều 3-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương tháng 6-2025. Hội nghị được kết nối trực tuyến từ Trụ sở Chính phủ tới 34 tỉnh, thành phố và hơn 3.300 xã, phường, đặc khu trong cả nước.
Nhiều kết quả nổi bật
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng báo cáo một số kết quả nổi bật đạt được trong 6 tháng đầu năm. Theo đó, GDP quý II/2025 ước tăng 7,67% so với cùng kỳ năm trước, 6 tháng ước đạt khoảng 7,31%. Trong 6 tháng, kim ngạch xuất khẩu ước tăng 14,4% so với cùng kỳ; xuất siêu khoảng 7,63 tỉ USD; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,3%...
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh, trong 6 tháng đầu năm, các công trình và dự án trọng điểm quốc gia cơ bản được triển khai đúng kế hoạch. Về chương trình nhà ở xã hội, tính đến ngày 27-6, cả nước đã hoàn thành 35.631/100.000 căn. Về thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng đã rà soát 788 dự án gặp khó khăn, vướng mắc và phối hợp với các địa phương tháo gỡ 136 dự án. Các dự án còn lại đã được tổng hợp để tiếp tục theo dõi và xử lý.
Ở lĩnh vực ngân hàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Nguyễn Thị Hồng đưa ra báo cáo lạc quan: Đến ngày 26-6, tín dụng toàn hệ thống tăng 8,3% so với cuối năm 2024 và tăng 18,7% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này phản ánh vai trò tích cực của chính sách tín dụng trong việc hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, trong bối cảnh lạm phát được kiểm soát, lãi suất tiếp tục giảm và tỉ giá bình quân trên thị trường liên ngân hàng tăng 2,4%.

Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ. Ảnh: NHẬT BẮC
Về phía địa phương, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết GRDP của thành phố trong 6 tháng đầu năm 2025 ước tăng 7,63% so với cùng kỳ năm 2024, vượt kịch bản dự kiến 7,59% và là mức tăng cao nhất trong 3 năm gần đây. Về đầu tư cũng có nhiều khởi sắc khi Hà Nội thu hút khoảng 3,68 tỉ USD vốn FDI, gấp 2,2 lần cùng kỳ năm 2024. Một số dự án hạ tầng giao thông trọng điểm trên địa bàn đang được đẩy nhanh tiến độ.
Ông Trần Sỹ Thanh khẳng định Hà Nội cam kết phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng 8% như kế hoạch Chính phủ đề ra. Tuy nhiên, vấn đề về đất dịch vụ tại thành phố đang gặp nhiều trở ngại, chủ yếu liên quan đến chậm trễ giao đất, thiếu sót trong chính sách và tình trạng đất bỏ hoang. TP Hà Nội kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường xem xét, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, đặc biệt trong thủ tục giao đất và xử lý đất bỏ hoang, hoặc đề xuất Thủ tướng ủy quyền cho Hà Nội tự giải quyết vấn đề này.
Các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cho rằng bên cạnh những kết quả đạt được, nền kinh tế nước ta còn những hạn chế, bất cập và tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Theo đó, ổn định kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro; tiêu dùng trong nước chưa có đột phá; đầu tư tư nhân tuy phục hồi nhưng chưa vững chắc…
Thực hiện "3 tăng tốc"
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ những định hướng trong tháng 7, quý III và đến cuối năm 2025.
Theo đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo vận hành chính quyền địa phương 2 cấp bảo đảm thông suốt, nhịp nhàng, hiệu quả với 3 "không để", gồm: Không để người dân, doanh nghiệp nào không được giải quyết thủ tục hành chính hoặc thủ tục kéo dài; không để bất cứ người dân nào bị thiếu ăn, thiếu mặc, người bệnh phải được khám chữa bệnh kịp thời, hiệu quả; không để các dự án đang triển khai bị đứt gãy, không có người chịu trách nhiệm, không để lãng phí nguồn lực.
Thủ tướng nhấn mạnh kiên định mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên, gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân. Đồng thời, nắm chắc diễn biến tình hình trong nước và quốc tế; nâng cao năng lực phân tích, dự báo; phản ứng chính sách chủ động, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển sản xuất - kinh doanh, tạo sinh kế, thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Để đạt mức tăng trưởng từ 8% trở lên trong năm 2025, tạo đà, tạo thế, tạo lực cho tăng trưởng từ 2 con số những năm tiếp theo, Thủ tướng quán triệt thực hiện "3 tăng tốc". Theo đó, tăng tốc, tập trung huy động tổng đầu tư toàn xã hội tăng từ 11%-12% so với năm 2024 để phục vụ mục tiêu tăng trưởng; tăng tốc, bứt phá giải ngân 100% vốn đầu tư công trước 31-12-2025; tăng tốc, dồn sức để hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người có công trước 27-7, trên phạm vi toàn quốc trước ngày 31-8-2025 và hoàn thành vượt mức kế hoạch xây dựng 100.000 căn nhà ở xã hội trước 31-12-2025.
Bên cạnh đó, Thủ tướng đặc biệt lưu ý phải chủ động, linh hoạt triển khai các giải pháp thích ứng với chính sách thuế đối ứng của Mỹ, xem đây là cơ hội để tái cơ cấu và xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, đồng thời đẩy mạnh hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả.
Giao nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu NHNN và Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp hài hòa, đồng bộ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, bảo đảm tăng trưởng tín dụng hợp lý, khoảng trên 16%, đồng thời chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí, hạ mặt bằng lãi suất cho vay.
Bộ Tài chính cần khẩn trương hoàn thiện và trình Chính phủ điều chỉnh Nghị quyết 25/NQ-CP về mục tiêu tăng trưởng của 34 tỉnh, thành phố mới; đôn đốc, phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công. Ngoài ra, cần bố trí kịp thời kinh phí thực hiện các Nghị quyết 57, 59, 66, 68 của Bộ Chính trị, cũng như hỗ trợ cán bộ nghỉ việc do sắp xếp đơn vị hành chính và triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp.
Bộ Xây dựng được giao trách nhiệm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành hơn 3.000 km đường bộ cao tốc và 1.000 km đường ven biển trong năm 2025; đồng thời chuẩn bị các dự án đường sắt, hoàn thiện tiêu chuẩn, tiêu chí, quy trình, bảo đảm minh bạch, công bằng trong lựa chọn nhà đầu tư và chuyển giao công nghệ.
Bộ Tài chính và Thanh tra Chính phủ cần phối hợp sớm xử lý 2.365 dự án tồn đọng theo Nghị quyết 68, giải phóng nguồn lực, chống lãng phí. Các bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện thể chế, phân cấp, cải cách hành chính, thúc đẩy chuyển đổi số; hoàn thiện các đề án, nghị quyết về khoa học, giáo dục, y tế, văn hóa...
Phấn đấu tăng thu ngân sách 15%
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025, Chính phủ cần chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ để bộ máy mới vận hành hiệu quả; thực hiện phân cấp, phân quyền; bảo đảm tiến độ các dự án trọng điểm và hoạt động của doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Đối với địa phương, Bộ Công Thương đề xuất rà soát, điều chỉnh quy hoạch tỉnh, thành phù hợp với quy hoạch vùng, ngành và bổ sung quy hoạch sử dụng đất để bảo đảm cơ sở pháp lý cho các dự án đầu tư.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, trong tháng 7 và quý III/2025, cần theo dõi sát hoạt động của chính quyền địa phương 2 cấp để tháo gỡ vướng mắc, bảo đảm đồng bộ trong phân cấp, phân quyền. Ngoài ra, đẩy mạnh xuất khẩu, phát triển thương mại bền vững, hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, thúc đẩy đầu tư, tiêu dùng và các động lực tăng trưởng mới. Bộ Tài chính sẽ phấn đấu tăng thu ngân sách 15%, tiết kiệm 10% chi thường xuyên để đầu tư trường nội trú vùng sâu, vùng xa.
TP HCM thu ngân sách đạt 321.892 tỉ đồng
Tại điểm cầu TP HCM, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Được thông tin trong 6 tháng đầu năm, thành phố ghi nhận tăng trưởng tích cực ở các lĩnh vực sản xuất công nghiệp và thương mại. Tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 304.369 tỉ đồng, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2024. Kim ngạch xuất nhập khẩu của doanh nghiệp thành phố ước đạt 56,5 tỉ USD, tăng 13,3%.
Về thu ngân sách, TP HCM thu đạt 321.892 tỉ đồng, hoàn thành 61,89% dự toán và tăng 20,38% so với cùng kỳ. Theo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Được, nguồn vốn ngân sách đã được ưu tiên đầu tư vào hạ tầng, kinh tế, kỹ thuật và xã hội, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. TP HCM đang tập trung tháo gỡ vướng mắc, khơi thông các dự án tắc nghẽn để tạo niềm tin cho nhà đầu tư. Một trong những giải pháp trọng tâm là rà soát và giải quyết các dự án tồn đọng nhằm khai thác hiệu quả nguồn lực.
Bình luận (0)