Bộ Y tế mới đây đã gửi Bộ Tư pháp thẩm định hồ sơ "Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 09/2016/NĐ-CP về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm" (dự thảo sửa đổi). Đáng chú ý, dự thảo lần này vẫn giữ nguyên quy định bắt buộc "Muối dùng để ăn trực tiếp, dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường i-ốt; bột mì dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm".
Nước mắm truyền thống sẽ "chết"?
Ngay khi dự thảo được công bố, cộng đồng doanh nghiệp (DN) thực phẩm, nhất là các DN sản xuất nước mắm truyền thống tiếp tục văn bản kiến nghị Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bỏ quy định bắt buộc "Muối dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường i-ốt" trong quá trình sửa đổi, bổ sung Nghị định 09/2016/NĐ-CP về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm.
Theo bà Hồ Kim Liên, Chủ tịch Hội Sản xuất Nước mắm Phú Quốc, lợi ích sức khỏe thực tế mà người dân nhận được từ chính sách này chưa rõ ràng nhưng lại tác động nghiêm trọng đến sự phát triển của DN sản xuất nước mắm trong nhiều năm qua. "Bộ Y tế chưa đánh giá đầy đủ tác động của quy định bổ sung i-ốt đối với sản xuất nước mắm truyền thống. Quy định này đang làm mai một di sản văn hóa và phương thức sản xuất đặc trưng của nước mắm. Chúng tôi đã kiến nghị suốt 8 năm qua nhưng vẫn chưa thay đổi" - bà Liên nói.
Chủ tịch Hội Sản xuất Nước mắm Phú Quốc khẳng định nước mắm truyền thống Việt Nam, đặc biệt là nước mắm Phú Quốc, đã trải qua hàng trăm năm với quy trình ủ chượp thủ công. Nguyên liệu chính là cá cơm tươi và muối hạt không qua tinh chế. Đặc biệt, nước mắm truyền thống Phú Quốc đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và được Liên minh châu Âu (EU) bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Theo đó, chỉ được phép sử dụng muối biển và không được bổ sung bất kỳ chất nào khác. "DN sản xuất nước mắm Khải Hoàn của tôi ở Phú Quốc đã có thương hiệu hàng trăm năm. Để thực hiện theo quy định trên, chúng tôi đã thử nghiệm dùng muối i-ốt ủ cá nhưng không thành công. Việc bổ sung i-ốt sẽ làm thay đổi màu sắc nước mắm, khiến sản phẩm không đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế. Cộng đồng sản xuất nước mắm truyền thống rất lo lắng. Nếu bắt buộc sử dụng muối i-ốt, nước mắm truyền thống sẽ biến mất khỏi thị trường" - bà Liên lo ngại.
Bà Nguyễn Thị Tịnh, chủ cơ sở sản xuất nước mắm Thanh Quốc ở TP Phú Quốc, cũng khẳng định không thể sử dụng muối i-ốt để sản xuất nước mắm truyền thống Phú Quốc. Thậm chí nước mắm truyền thống Phú Quốc chỉ có thể dùng một loại muối tinh khiết duy nhất ở một vùng biển để ướp cá, không phải muối nào cũng dùng được. "Bản thân con cá cơm đánh bắt ngoài biển đã có rất nhiều i-ốt rồi thì dùng muối bổ sung i-ốt để muối cá để làm gì? Thực tế nước mắm truyền thống ở Phú Quốc xưa nay chỉ sử dụng một loại muối duy nhất là muối hạt tự nhiên Bà Rịa - Vũng Tàu. Trước đây, có năm thiếu nguồn muối này, bà con sản xuất gặp rất nhiều khó khăn, bởi dùng muối khác thay thế khiến trên mặt nước mắm bị kéo màng, mất hẳn chất lượng. Ngoài ra, trong quy định bắt buộc khi được EU bảo hộ chỉ dẫn địa lý, các DN sản xuất nước mắm truyền thống ở Phú Quốc chỉ được phép sử dụng muối biển có nguồn gốc từ Bà Rịa - Vũng Tàu để ủ chượp cá, không được bổ sung bất kỳ chất nào khác. Do đó, dùng muối i-ốt để sản xuất nước mắm truyền thống là bất khả thi, cần phải xem xét bỏ hẳn quy định này" - bà Tịnh kiến nghị.
Không cần thiết
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, TS Trần Thị Dung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam, cũng nhấn mạnh quy định bổ sung i-ốt đối với sản xuất nước mắm truyền thống là không hợp lý và các DN, hiệp hội đã có ý kiến nhiều lần nhưng chưa được cơ quan chức năng tiếp thu.
Theo TS Dung, thị trường nước mắm hiện nay có khoảng 70% bị chiếm lĩnh bởi nước mắm công nghiệp và nước chấm hương nước mắm. Dòng sản phẩm này không bị tác động bởi quy định bổ sung i-ốt vì họ sử dụng rất nhiều phụ gia thực phẩm để điều chỉnh màu, mùi, vị, độ sánh,… Nhưng 30% thị phần còn lại là nước mắm truyền thống chỉ sử dụng nguyên liệu cá và muối thì bị ảnh hưởng mùi (không còn mùi đặc trưng của nước mắm mà có mùi nồng của i-ốt) và màu (không còn màu cánh gián tươi mà màu đen như nước tương). "Các nhà sản xuất nước mắm đã thử nghiệm cả 2 cách là bổ sung i-ốt vào nước mắm truyền thống thành phẩm và dùng muối i-ốt để ủ chượp đều không thành công do sản phẩm bị biến đổi sẫm màu và mất mùi nước mắm so với cách làm truyền thống. Khi nước mắm bị tối màu và mất mùi đặc trưng sẽ không bán được hàng" - TS Dung lo lắng.
Cũng theo TS Dung, nước mắm Phú Quốc có thêm nỗi lo khi quy trình sản xuất được châu Âu bảo hộ chỉ dẫn địa lý chỉ sử dụng muối hạt to, khô được sản xuất trên ao đất, không dùng muối tinh chế hạt nhỏ hoặc muối bổ sung i-ốt. Hơn nữa, nước mắm truyền thống là sản phẩm giàu i-ốt tự nhiên, không cần thiết phải bổ sung thêm i-ốt từ bên ngoài.
Cũng liên quan đến vấn đề bổ sung i-ốt vào nước mắm, mới đây 5 hội/hiệp hội thực phẩm gồm: Hội Lương thực Thực phẩm TP HCM, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Hiệp hội Thực phẩm minh bạch, Hội DN Hàng Việt Nam chất lượng cao, Hội Sản xuất nước mắm TP Phú Quốc (Kiên Giang) có văn bản gửi Viện Chiến lược và Chính sách Y tế (Bộ Y tế), Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên và các cơ quan liên quan đề nghị đánh giá lại tác động của quy định bổ sung i-ốt đối với sản xuất nước mắm truyền thống, quy định này sẽ gây ra nguy cơ làm mai một di sản văn hóa và phương thức sản xuất đặc trưng.
Văn bản nêu rõ suốt hàng trăm năm qua, nước mắm truyền thống Việt Nam, đặc biệt là nước mắm Phú Quốc, chỉ sử dụng muối hột để muối cá, tận dụng hàm lượng i-ốt tự nhiên có sẵn trong cá biển. Sản phẩm này đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại châu Âu và được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là di sản phi vật thể tri thức dân gian quốc gia. Quy trình sản xuất nước mắm truyền thống đòi hỏi kỹ thuật ủ chượp thủ công lâu đời, chỉ có cá và muối, và muối sử dụng phải là loại được sản xuất trên ao đất, không qua công đoạn tinh chế hoặc bổ sung i-ốt nhân tạo.
Có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu
Cộng đồng người làm nước mắm truyền thống lo ngại sâu sắc rằng, nếu bắt buộc phải dùng muối tinh có bổ sung i-ốt trong sản xuất, quy trình truyền thống sẽ bị phá vỡ, dẫn đến thay đổi chất lượng sản phẩm. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến hương vị và màu sắc đặc trưng mà còn làm phai nhạt bản sắc văn hóa của nước mắm truyền thống Việt Nam. "Thêm vào đó, một số thị trường xuất khẩu quan trọng, như Nhật Bản và Úc, từ chối nhập khẩu do sản phẩm không còn đáp ứng đúng yêu cầu nguyên bản về thành phần tự nhiên" - văn bản nêu rõ.
Bình luận (0)