Cần mở rộng việc cho phép các tổ chức hội đoàn có quy mô lớn được phép trở thành thành viên của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội khác. Tiếp tục nghiên cứu cho phép đại diện Hội đồng hương kiều bào các tỉnh ở các quốc gia trên các châu lục có thể tham gia Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh, đại diện các hội phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài là thành viên Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam.
Trên đây là kiến nghị của ông Hoàng Đình Thắng, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam tại Châu Âu, trong phiên khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, ngày 17-10.
Để phát huy được vai trò của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nói chung và cộng đồng người Việt Nam tại châu Âu nói riêng tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, ông Hoàng Đình Thắng kiến nghị việc lựa chọn nhân sự Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam là người Việt Nam ở nước ngoài phải là những người có tâm huyết, có năng lực, có điều kiện tham gia hoạt động và có uy tín với cộng đồng người Việt Nam ở nước sở tại.
Theo ông Thắng, việc lựa chọn những người đủ điều kiện nêu trên thì mới có thể phát huy vai trò của mình trong công tác vận động bà con cộng đồng, đồng thời mới làm tốt việc quảng bá hình ảnh tốt đẹp của đất nước, con người Việt Nam.
Trong lĩnh vực quốc tịch, ông Hoàng Đình Thắng bày tỏ mong muốn sớm có quyết sách mang tính đột phá để tạo thuận lợi cho kiều bào ta được trở lại quốc tịch Việt Nam, đồng thời giữ quốc tịch nước ngoài.
Ông Thắng cho biết thời gian qua, nhiều quốc gia trên thế giới thay đổi chính sách quốc tịch đối với người nhập cư khi trước đây, họ chỉ cho phép mỗi người mang một quốc tịch, hiện nay rất nhiều quốc gia đã có chính sách đa quốc tịch.
Do đó, nhiều bà con người Việt đã xin thôi quốc tịch Việt Nam để vào quốc tịch nước ngoài trước đây, nay có nguyện vọng trở lại quốc tịch Việt Nam đồng thời giữ quốc tịch nước ngoài. Nguyện vọng này của bà con nhằm mục đích giữ mối liên hệ chặt chẽ về mặt pháp lý với Nhà nước Việt Nam và truyền cho các thế hệ sau.
"Măc dù đã có một số quy định của pháp luật về vấn đề này, tuy nhiên triển khai trên thực tế rất khó khăn, nhiều quy định và giấy tờ không thể thực hiện được dẫn đến rất ít người đáp ứng được trong khi số người có nguyện vọng rất nhiều"- ông Thắng nói và cho rằng cần tạo thuận lợi cho việc xác định quốc tịch cho trẻ em người Việt lai, đẩy nhanh quá trình xác minh nhân thân cấp hộ chiếu Việt Nam cho những người không có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam.
Về bầu cử, ứng cử đại biểu Quốc hội, theo Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam tại Châu Âu, đã đến thời điểm cân nhắc xem xét, bổ sung các quy định cho phép công dân Việt Nam ở nước ngoài được quyền tham gia bầu cử, ứng cử đại biểu Quốc hội.
Tại Đại hội, ông Hoàng Đình Thắng kiến nghị cần tiếp tục quan tâm, hỗ trợ giữ gìn văn hóa Việt và tiếng Việt thông qua việc tăng cường tổ chức các lớp học tiếng Việt, hỗ trợ cử giáo viên dạy tiếng Việt, trang bị giáo trình, tài liệu, giáo cụ cho con em kiều bào ở nước sở tại...
Bên cạnh đó, cần tiếp tục nghiên cứu các chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp mạnh trong nước đầu tư ra nước ngoài. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp của người Việt Nam định cư ở nước ngoài đầu tư, cắm rễ sâu vào nước sở tại để tạo vị thế cho cộng đồng Việt, giải quyết công ăn việc làm và giúp đỡ cộng đồng người Việt hội nhập và phát triển tốt hơn.
Trong thời gian tới, ông Hoàng Đình Thắng cũng kiến nghị tiếp tục tổ chức các hoạt động kết nối mạng lưới trí thức kiều bào với các cơ quan, địa phương trong nước. Cùng với đó, tạo diễn đàn quy mô lớn cho chuyên gia, trí thức kiều bào bày tỏ sáng kiến, đề xuất, kiến nghị với Nhà nước; tạo điều kiện cho kiều bào ta về nước làm việc, cống hiến; có chính sách trọng dụng các nhà khoa học, trí thức kiều bào.
Báo cáo tại Đại hội, ông Hoàng Đình Thắng cho biết Liên hiệp Hội người Việt Nam tại châu Âu được thành lập vào tháng 10-2016, đến nay Ban Chấp hành Hội gồm 60 Ủy viên đại diện cho 23 quốc gia châu Âu.
Trong nhiệm kỳ qua, Liên hiệp Hội đã nỗ lực kết nối cộng đồng, chia sẻ kinh nghiệm hoạt động, hỗ trợ phát triển các tổ chức hội đoàn. Mặt khác, Liên hiệp Hội đã tham dự các cuộc gặp gỡ của kiều bào với các Đoàn cấp cao của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thăm và làm việc tại châu Âu cũng như ở trong nước để báo cáo tình hình cùng các kiến nghị của cộng đồng...
Liên hiệp hội đã vận động bà con đang sinh sống làm việc tại châu Âu hướng về xây dựng quê hương đất nước bằng các đóng góp của các chuyên gia kỹ thuật, công nghệ; các hoạt động thương mại, các dự án đầu tư; đặc biệt là các hoạt động từ thiện do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức trong nước phát động.
Bình luận (0)