Bài viết rất có giá trị, không chỉ về lý luận, thực tiễn mà cả trong đổi mới tư duy và hành động
* Phóng viên: Xin ông cho biết những nội dung cốt lõi, những tư tưởng, quan điểm, chỉ đạo, định hướng lớn trong bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng?
- ĐBQH LÊ THANH VÂN: Đây là bài viết rất công phu, toàn diện, súc tích; tổng kết đầy đủ, rõ ràng nhất về lịch sử Đảng, từ quá trình hình thành, phát triển và những thành tựu đạt được trong vai trò là lực lượng lãnh đạo cách mạng Việt Nam gần 100 năm qua. Trên cơ sở tổng kết thực tiễn cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng đến nay, bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã rút ra những bài học sâu sắc, những phương thức lãnh đạo tiến bộ, lề lối làm việc khoa học và xác định những nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến năm 2025 và đến 2030.

ĐBQH LÊ THANH VÂN
Nội dung chính trong bài viết của Tổng Bí thư được kết cấu 3 phần rất mạch lạc, rành rẽ. Phần thứ nhất đánh giá lại về mặt lịch sử, đó là quá trình ra đời và trưởng thành nhanh chóng của Đảng với sứ mệnh lãnh đạo nhân dân ta đấu tranh giành độc lập dân tộc và thống nhất giang sơn. Có thể nói, ở phần thứ nhất của bài viết, tuy rất ngắn gọn nhưng đã tổng kết lại toàn bộ lịch sử Đảng, từ khi mới thành lập cho đến khi hoàn thành được sứ mệnh thống nhất đất nước, với rất nhiều chông gai, gian nan, thách thức. Dưới sự lãnh đạo của Đảng quang vinh và Bác Hồ vĩ đại, nhân dân Việt Nam anh hùng đã viết nên trang sử vẻ vang, chói lọi của nền độc lập, tự chủ nước nhà.
Phần thứ hai của bài viết, Tổng Bí thư đã tổng kết, đánh giá toàn diện quá trình xây dựng đất nước khi giang sơn đã thu về một mối, với hai mốc thời gian. Mốc thứ nhất từ năm 1976-1985 là giai đoạn khắc phục hậu quả chiến tranh, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và tiếp tục xây dựng chủ nghĩa xã hội. Mốc thời gian tiếp theo là giai đoạn từ năm 1986 đến nay. Đây là giai đoạn Đảng tiến hành công cuộc đổi mới, mà trước hết là đổi mới tư duy trên mọi lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế - xã hội của đất nước. Nhờ đó, ngày nay đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực và vị thế lớn mạnh hơn trước, đặc biệt là việc mở rộng quan hệ đối ngoại và tích cực hội nhập sâu rộng vào các quan hệ quốc tế. Ở phần này, Tổng Bí thư rút ra 5 truyền thống quý báu của Đảng trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Khi tổng kết phần thứ hai trong bài viết, Tổng Bí thư đã khẳng định: "Đảng ta thật là vĩ đại! Nhân dân ta thật là anh hùng! Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay".
Phần thứ ba trong bài viết là phần mà Tổng Bí thư dành tâm huyết nhất. Trên cơ sở tổng kết súc tích cương lĩnh, đường lối của Đảng và tóm lược cô đọng những quan điểm nhất quán của Đảng ta từ trước đến nay, Tổng Bí thư nói về 5 bài học quan trọng trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo toàn bộ hệ thống chính trị, từ công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xây dựng Nhà nước pháp quyền, xây dựng các tổ chức chính trị, tư tưởng lấy dân làm gốc; trong lãnh đạo, điều hành, tổ chức thực hiện; đặc biệt là nỗ lực, quyết tâm cao, năng động, sáng tạo; ưu tiên đồng bộ về phát triển chính sách và thể chế, lợi ích hài hòa và sự kiên định; dự báo, nắm bắt thời cơ, không chủ quan, không tự mãn với thành quả đạt được... Tất cả đều là những bài học đắt giá, rất sâu sắc, có giá trị lâu dài.
* Những nhiệm vụ trọng tâm trong bài viết của Tổng Bí thư là gì, thưa ông?
- Trên cơ sở 5 bài học, Tổng Bí thư đã chỉ ra 5 phương diện để tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, phong cách, lề lối làm việc của Đảng - nói rộng ra là cả hệ thống chính trị, cả bộ máy chính quyền, tất cả các tổ chức Đảng, cơ sở Đảng và cả cán bộ, đảng viên. Tổng Bí thư cũng chỉ ra 5 nhiệm vụ trọng tâm về phát triển kinh tế, phát triển văn hóa xã hội, về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị và cuối cùng đó là công tác chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri TP Hà Nội Ảnh: HUY THANH
Có thể khẳng định, đây là bài viết rất công phu, rất toàn diện, thể hiện năng lực tư duy xuất chúng và tầm nhìn xa của người đứng đầu hệ thống chính trị nước ta hiện nay. Toàn bộ đường lối chiến lược, sách lược của Đảng đã được gói gọn trong bài viết này, có giá trị như "kim chỉ nam" trong quá trình phát triển tư duy và hoạt động thực tiễn. Bài viết của Tổng Bí thư đã làm rõ nhiều quan điểm chủ đạo của Đảng ta từ nay đến năm 2030, tiến tới kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng.
* Tổng Bí thư đã nêu: "Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng theo định hướng xã hội chủ nghĩa". Vậy cán bộ, đảng viên cần nghiên cứu, quán triệt, học tập bài viết này như thế nào?
- Bài viết của Tổng Bí thư được tổng kết không chỉ từ những cột mốc lịch sử quan trọng, mà còn được đúc rút ở tầm cao của tư duy lý luận, được kiểm nghiệm, thực chứng bằng thực tiễn sinh động của cách mạng Việt Nam. Bởi vậy, đây là một tác phẩm rất có giá trị, cần thiết phải được quán triệt đến từng cơ sở Đảng và tới từng đảng viên.
Đặc biệt, trong quá trình quán triệt, phổ biến, cần phải lưu ý đến những nội dung ở phần sau trong bài viết của Tổng Bí thư. Tổng Bí thư chọn con số 5 ấy để cho dễ nhớ. Đó là 5 bài học sâu sắc từ thực tiễn, 5 phương diện bao trùm trong đổi mới phương thức lãnh đạo và 5 nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Vấn đề là cần có cách thức để truyền đạt sao cho cán bộ, đảng viên dễ nhớ, dễ làm, thực hiện tốt những điều Tổng Bí thư đã chỉ ra trong bài viết, từ đó thống nhất trong tư duy và hành động của cả hệ thống chính trị và trong từng cơ sở Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị xã hội và từng cán bộ, đảng viên.
Bình luận (0)