Theo Science Alert, một nghiên cứu do nhà vật lý khoáng vật Tingting Gu từ Viện Đá quý New York và Đại học Purdue (Mỹ) dẫn đầu cho thấy một viên kim cương từ Botswana có thể là bằng chứng về một thế giới ngoài sức tưởng tượng bên trong lòng Trái Đất.
Viên kim cương kỳ lạ này có nhiều vết nứt chứa dấu vết của ringwoodite, ferropericlase, enstatite và các khoáng chất khác, cho thấy nó hình thành ở độ sâu 660 km dưới bề mặt Trái Đất.
Đó là nơi "vùng chuyển tiếp" của lớp phủ tồn tại, một vùng bí ẩn giữa lớp phủ trên và lớp phủ dưới của hành tinh.
Điều đáng ngạc nhiên là một số chi tiết từ viên kim cương cho thấy khu vực này cực kỳ nhiều nước, nhiều hơn đáng kể so với môi trường trên bề mặt Trái Đất.
"Sự xuất hiện của ringwoodite cùng với các pha ngậm nước cho thấy môi trường ẩm ướt ở ranh giới này" - TS Gu cho biết.
Hầu hết bề mặt Trái Đất được bao phủ bởi đại dương. Tuy nhiên, dựa theo những gì mà các vật thể sâu như viên kim cương nói trên tiết lộ, tất cả đại dương đó chỉ là một vũng nhỏ so với toàn bộ lượng nước của hành tinh.
Lớp vỏ Trái Đất là một thứ nứt nẻ và phân mảnh, với các mảng kiến tạo riêng biệt liên tục di chuyển, va chạm và trượt dưới các cạnh của nhau. Tại các vùng hút chìm này, nước thấm sâu hơn vào hành tinh, vươn xa đến tận lớp phủ dưới.
Theo thời gian, nó quay trở lại bề mặt thông qua hoạt động núi lửa. Toàn bộ quá trình này gọi là chu trình nước sâu , tách biệt với chu trình nước hoạt động trên bề mặt.
Những viên kim cương sâu là báu vật thực sự trong chặng đường tìm hiểu về chu trình nước sâu đầy bí ẩn này, điều giúp chúng ta hiểu thêm về hoạt động địa chất của hành tinh.
Trong trường hợp này, viên kim cương Botswana có thể là đại diện cho cả một tầng ngậm nước rất dày, một "thủy cung" thực sự trong lòng Trái Đất.
Mặc dù vậy, lượng nước này sẽ xen lẫn vào các cấu trúc thay vì tụ lại thành những đại dương mênh mông như trên bề mặt.
Bình luận (0)