Một viên hổ phách quý giá từ Lebanon đã bảo quản được cơ thể hoàn toàn nguyên vẹn của một sinh vật bé nhỏ nhưng đáng sợ sống vào kỷ Jura.
Nó là một loài mới của dòng họ muỗi, với các con muỗi đực "quái vật" không chỉ có kim hút máu mà còn có hàm dưới sắc nhọn.
Hóa thạch gây kinh ngạc này là bằng chứng hiếm hoi về sinh vật ăn máu kỷ Jura, tuy cũng bé nhỏ như muỗi hiện tại nhưng có thể cũng đủ sức mạnh quật ngã loài khủng long như cách con cháu chúng gây nhiều bệnh nghiêm trọng cho con người hiện đại.
Tất cả các con muỗi cái còn sống ngày nay đều là loài ăn máu và mật hoa. Nhưng, các nhà khoa học từng không chắc hành vi ăn máu này đã phát triển từ bao giờ.
Nhóm tác giả từ Đại học Lebanon, Viện Địa chất và cổ sinh vật học Nam Kinh (thuộc Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc) và Bảo tàng Lịch sử tự nhiên quốc gia Paris (Pháp) đã phân tích mẫu vật này.
Theo kết quả công bố trên tạp chí Current Biology, hóa thạch mới không chỉ cho thấy hành vi ăn máu của muỗi ít nhất đã xuất hiện từ kỷ Jura, mà còn cho thấy vào thời ấy, muỗi đực cũng là "ma cà rồng".
Các mẫu vật vừa lộ diện trong hóa thạch cũng thể hiện độ toàn vẹn đáng ngạc nhiên, từ phần hàm bé nhỏ, kim hút máu cho đến các đôi cánh mỏng. Các sinh vật này cũng đại diện cho một loài mới vừa được đặt tên là Libanoculex intermedius.
Chúng cũng thuộc một phân họ muỗi mới, đã tuyệt chủng, được gọi là Libanoculicinae.
Phát hiện mới cũng đẩy lùi bằng chứng đầu tiên về sự xuất hiện của muỗi từ kỷ Phấn Trắng sang kỷ Jura, cũng như cho thấy thế giới côn trùng thời đại này đã cực kỳ phong phú.
Nó cũng một lần nữa nâng cao giá trị của hổ phách Lebanon mà các nhà cổ sinh vật học luôn săn tìm.
"Cho đến nay, hổ phách Lebanon là loại hổ phách lâu đời nhất chứa nhiều tạp chất sinh học, là một vật liệu rất quan trọng vì sự hình thành của nó đồng thời với sự xuất hiện và bắt đầu phát tán của thực vật có hoa" - tờ Sci-News dẫn lời TS Dany Azar từ Đại học Lebanon, đồng tác giả.
Bình luận (0)