Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT), cơ quan thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, ông Phạm Đức Long cho biết theo đánh giá của thế giới, tốc độ tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam tăng dần qua các năm.
Năm 2020, Việt Nam chỉ đứng thứ 6 trong khu vực ASEAN về tốc độ tăng trưởng kinh tế số, thì năm 2021 đứng thứ 3 và hai năm tiếp theo 2022, 2023 đứng thứ 1. Sản phẩm số của doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục phát triển và xuất khẩu đi khắp thế giới. Cụ thể, xuất khẩu sản phẩm số tăng từ 113,5 tỉ USD năm 2021 lên 117,3 tỉ USD năm 2023; 6 tháng năm 2024 đạt 64,9 tỉ USD, tăng 23%. Doanh thu phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin tăng khá (năm 2023: 13 tỉ USD; 6 tháng 2024: 6 tỉ USD). Doanh thu thương mại điện tử tăng từ 13,7 tỉ USD năm 2021 lên 20,5 tỉ USD năm 2023. Hàng trăm sản phẩm OCOP đã được bán thông qua các sàn thương mại điện tử trong nước và xuyên biên giới, tạo sinh kế và thu nhập cao cho người nông dân.
Về phát triển kinh tế số, Bộ TT-TT ước tính tỉ trọng kinh tế số trong GDP Việt Nam năm 2023 đạt 16,5% và đến tháng 6-2024 là 18,5%...
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ chuyển đổi số đã đến từng ngõ, từng nhà, từng người. Niềm tin của người dân và doanh nghiệp được củng cố, nâng lên, góp phần truyền cảm hứng và tạo động lực phát triển mới. Thủ tướng cho rằng phải lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu của chuyển đổi số; luôn cầu thị, lắng nghe phản ánh của người dân, doanh nghiệp. "Phải nói thật, làm thật, để người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng thật những thành quả do chuyển đổi số mang lại theo tinh thần "không để ai bị bỏ lại phía sau""- Thủ tướng nhấn mạnh.
Về định hướng thời gian tới, Thủ tướng chỉ rõ điều quan trọng nhất, quyết định nhất, mang tính chiến lược, lâu dài, cơ bản là các bộ trưởng, trưởng ngành, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải tiên phong, gương mẫu thúc đẩy chuyển đổi số thuộc phạm vi quản lý, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Thủ tướng yêu cầu phân công công việc "rõ mục tiêu, rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ kết quả" và tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc để bảo đảm tiến độ, chất lượng công việc, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, tăng cường phối hợp và kỷ luật kỷ cương hành chính, tuân thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên.
Bình luận (0)