Sáng 22-11, 1.557 doanh nghiệp (DN) đến từ 35 tỉnh, thành trên cả nước có mặt tại Trung tâm Thương mại Triển lãm và Hội nghị Quốc tế - Việt Nam (VNI- ITEC) TP Bến Tre, tỉnh Bến Tre để tìm kiếm đối tác hợp tác kinh doanh trong khuôn khổ Hội nghị Kết nối cung – cầu hàng hóa giữa TP HCM và các tỉnh, thành năm 2018.
Đây là năm đầu tiên hội nghị được tổ chức trên địa bàn tỉnh Bến Tre. Sự kiện được xem là cơ hội để tỉnh Bến Tre giới thiệu đầy đủ hơn về tiềm năng, thế mạnh, sản phẩm tiêu biểu của mình. Ngược lại đây cũng là cơ hội để sản phẩm các tỉnh, thành xâm nhập thị trường đầy tiêm năng của tỉnh Bến Tre.
Nhiều nét mới
Tổng cộng 699 nhà cung ứng (gồm 4 tỉnh thành khu vực phía Bắc, 12 tỉnh thành khu vực miền Trung – Tây Nguyên, 18 tỉnh thành Đông – Tây Nam Bộ và TP HCM) cùng 40 nhà phân phối lớn, 150 DN đầu mối xuất khẩu, 100 DN sản xuất suất ăn công nghiệp, bếp ăn tập thể, nhà hàng, khách sạn và 568 thương nhân chợ đầu mối, chợ loại 1 tại TP HCM tham gia sự kiện.
Hội nghị Kết nối cung cầu hàng hóa giữa TP HCM và các tỉnh, thành năm nay diễn ra trong 3 ngày 22, 23 và 24-11 với mục đích xúc tiến mở rộng thị trường cho hàng sản xuất trong nước có chất lượng cao, giá cả hợp lý, có tiềm năng xuất khẩu; tạo điều kiện hỗ trợ sản xuất, xây dựng thương hiệu, phát triển thị phần cho các sản phẩm đặc sản, đặc trưng, có tiềm năng của các địa phương, vùng miền.
Các doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm tại hội nghị
Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho biết được tổ chức định kỳ hằng năm từ năm 2012 đến nay, Hội nghị kết nối cung cầu giữa TP HCM và các tỉnh, thành đã trở thành nơi gặp gỡ giao thương giữa hệ thống phân phối, nhà tiêu thụ TP HCM với nhiều nhà cung cấp có uy tín với nhiều sản phẩm chất lượng, sản phẩm làng nghề, sản phẩm của các HTX… tạo điều kiện cho các DN TP HCM trở thành đầu mối tiêu thụ lớn các mặt hàng nông sản thực phẩm của các tỉnh/thành Đông – Tây Nam bộ, đa dạng ngành hàng, mặt hàng, mở rộng thị trường và tiến tới xuất khẩu.
Hội nghị năm nay có nhiều nét mới, đặc biệt tập trung thảo luận để giải quyết vấn đề sơ chế tại nguồn đối với hàng nông sản cung ứng vào thị trường TP HCM.
Theo đó, từ nay đến năm 2020, ngành Công Thương TP HCM sẽ tập trung triển khai công tác sơ chế hàng hóa nông sản có nguồn gốc từ các tỉnh, thành đang phân phối tại 3 chợ đầu mối, góp phần kéo giảm lượng rác thải đưa vào TP; đồng thời bảo đảm việc thực hiện truy xuất nguồn gốc trong thời gian tới đối với hàng nông sản thực phẩm.
Đây là tiền đề hướng đến việc liên kết chặt chẽ hơn từ khâu nuôi trồng đến sơ chế, chế biến và tiêu thụ; góp phần nâng cao giá trị nông sản cung ứng thị trường TP HCM nói riêng, cả nước nói chung.
Bên cạnh việc kết nối hàng nông sản, đặc sản, đặc trưng vùng miền truyền thống, hội nghị năm nay còn mở rộng, kết nối các sản phẩm công nghiệp, công nghiệp phụ trợ, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của các tỉnh, thành và sản phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.
Trong đó, TP HCM lần đầu tiên giới thiệu các sản phẩm công nghiệp chủ lực, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ tiêu biểu đến các tỉnh, thành khác. Các sản phẩm đều thể hiện tiềm năng, thế mạnh của TP HCM, bao gồm nhóm sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, thực phẩm chế biến, đồ uống, thiết bị điện, nhóm sản phẩm từ nhựa, cao su, trang phục may sẵn.
Tập trung tháo gỡ vướng mắc cho DN
Phát buổi tại hội nghị, ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, cho biết trong khuôn khổ Chương trình hợp tác toàn diện về kinh tế - xã hội, việc hợp tác trong lĩnh vực thương mại giữa TP HCM và các tỉnh, thành Đông - Tây Nam Bộ trong những năm qua đã tạo được sự gắn kết chặt chẽ, thiết lập mối quan hệ hợp tác toàn diện trên lĩnh vực thương mại giữa TP HCM và các tỉnh, thành Đông - Tây Nam Bộ.
Rất nhiều đặc sản địa phương được các DN, cơ sở sản xuất mang tới hội nghị để tìm thị trường tiêu thụ
Hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa đã tạo điều kiện cho DN trong cả nước gặp gỡ, trao đổi, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh; nơi gặp gỡ giao thương giữa hệ thống phân phối, nhà tiêu thụ TP HCM với các nhà cung cấp có uy tín với nhiều sản phẩm chất lượng, sản phẩm đặc trưng vùng miền... tạo điều kiện cho các DN, hệ thống phân phối TP HCM làm đầu mối tiêu thụ lớn các mặt hàng nông sản thực phẩm của các tỉnh, thành, đa dạng ngành hàng, mặt hàng, mở rộng thị trường và hướng đến xuất khẩu.
Hội nghị năm nay, bên cạnh việc tìm đầu ra cho sản phẩm mới, sản phẩm chưa có thị trường tại TP HCM còn tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình giao dịch thời gian qua, qua đó tăng cường các mối liên kết, quan hệ hợp tác đã thiết lập giữa các bên, hướng đến mục tiêu hình thành các chuỗi cung ứng tối ưu.
Đồng thời, tiếp tục mở rộng, kết nối các sản phẩm công nghiệp, công nghiệp phụ trợ, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của các tỉnh thành và các sản phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. "Tôi tin tưởng rằng hội nghị năm nay và các năm sau sẽ là kênh kết nối hữu hiệu để đưa sản phẩm đặc sắc của Việt Nam ra thị trường thế giới" – ông Lê Thanh Liêm nói.
"Tính đến 10 giờ 30 sáng 22-11, đã có hơn 300 hợp đồng, biên bản ghi nhớ được ký kết giữa các bên. Từ nay đến hết ngày 23-11, sẽ có thêm nhiều hợp đồng được ký kết. Không dừng lại ở đó, trong 2 ngày tới đây, Ban Tổ chức đã tổ chức 20 chuyến xe buýt đưa các thương nhân chợ đầu mối, chợ loại một trên địa bàn TP HCM đến Hội nghị để trực tiếp tìm hiểu, nhận diện từng sản phẩm, tiếp xúc từng nhà cung ứng. Ban Tổ chức tin rằng sẽ tiếp tục có thêm nhiều hợp đồng được ký kết. Đồng thời, sau Hội nghị ngày hôm nay, các đơn vị đã có thông tin liên lạc của nhau và sẽ tiếp tục đàm phán, tìm tiếng nói chung, tiến đến liên kết, hợp tác trong thời gian tới đây" - Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó giám đốc Sở Công Thương TP HCM, kỳ vọng.
Bình luận (0)