Những năm 2000, thành phố thường xuyên chật vật đối diện với tình trạng hàng hóa, lương thực - thực phẩm thiết yếu bị đầu cơ, găm hàng trục lợi gây sốt giá, đặc biệt trong các dịp lễ, Tết. Thực trạng này tác động tiêu cực đến sự ổn định của thị trường, gây thiệt hại cho người tiêu dùng, đặc biệt là những người nghèo, người lao động thu nhập thấp. Năm 2002, Chương trình bình ổn thị trường TP HCM (gọi tắt là chương trình) ra đời trong bối cảnh đó.
Đánh tan "cơn sốt gạo"
Công ty CP Vinh Phát là một trong những doanh nghiệp (DN) tư nhân đầu tiên tham gia bình ổn thị trường. Ông Trần Ngọc Trung, Tổng Giám đốc công ty, kể cuối tháng 4-2008, cơn sốt gạo trên thế giới lan đến Việt Nam. Những tin đồn thất thiệt đã thổi bùng "cơn sốt gạo" trên diện rộng. Tại TP HCM, người dân chen lấn, giành nhau mua gạo, đẩy giá gạo ngoài thị trường tăng gấp đôi bình thường. Ðỉnh điểm, ngày 26-4-2008, TP HCM đối diện nguy cơ "không còn hạt gạo nào để bán".
Khách hàng mua trứng bình ổn giá tại Co.opmart Lý Thường Kiệt Ảnh: Tấn Thạnh
Khách hàng mua sắm tại chương trình tự hào hàng Việt tại Co.opmart Nguyễn Đình Chiểu ảnh: Hoàng Triều
"Sáng sớm ngày 27-4-2008, UBND TP HCM tổ chức họp khẩn với 24 quận - huyện, các sở - ban - ngành, 3 chợ đầu mối và một số DN. Nhiều ý kiến cho rằng muốn trấn an người dân thì phải có gạo ra thị trường. Nhưng tình thế cấp bách, tồn kho gạo của Saigon Co.op đã cạn, chợ sỉ chuyên về gạo Trần Chánh Chiếu (quận 5) cũng hết sạch hàng. Gạo ở miền Tây không kịp đưa về để tiếp ứng" - ông Trung nhớ lại.
Ðể chữa cháy, ông Trung năn nỉ đối tác nước ngoài cho mượn tạm 1.000 tấn gạo của công ty đang nằm ở cảng chờ bốc dỡ lên tàu xuất khẩu để giao cho các hệ thống phân phối tại TP HCM ngay trong ngày. Song song đó, thành phố tuyên truyền để người dân hiểu không có chuyện thiếu gạo tại nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới. Người dân nghe tuyên truyền và kiểm chứng bằng thực tế vẫn mua được gạo nên dừng mua gom. Ðến hôm sau, gạo từ miền Tây đưa về chất đầy chợ, siêu thị... Cơn sốt gạo hoàn toàn tan biến.
Từ sự cố này, TP HCM đưa mặt hàng gạo vào danh sách hàng hóa bình ổn hằng năm. Kinh nghiệm xử lý việc tạm thời đứt gãy nguồn cung gạo cũng thúc đẩy thành phố tăng cường liên kết với các tỉnh Ðông - Tây Nam Bộ, chủ động điều tiết thị trường; nhờ vậy chủ động hơn trong việc ứng phó với những đợt đứt gãy nguồn cung đường, thịt heo, trứng gà, rau củ... những năm sau này.
Dẹp loạn "làm giá" trứng gà
Tháng 4-2013, một DN có vốn đầu tư nước ngoài đang chi phối thị trường trứng gia cầm đột ngột "làm giá" trứng gà. Trong vòng 1 tuần, giá trứng gà bán sỉ về các sạp tại TP HCM tăng đến 47% khiến mặt hàng này trở nên khan hiếm. Với quyết tâm không để kéo dài tình trạng này, một mặt, ngành chức năng thu thập bằng chứng "làm giá" của DN nói trên và trực tiếp đến làm việc, yêu cầu điều chỉnh giá trứng gà lẫn lượng cung ứng về mức hợp lý. Mặt khác, các DN bán lẻ trong chương trình ngừng nhập trứng gia cầm của nhà cung cấp "làm giá" nói trên. Hai DN bình ổn thị trường mặt hàng trứng là Ba Huân và Vĩnh Thành Ðạt thì hoạt động gấp 2, gấp 3 năng lực bình thường để tăng lượng trứng với giá bình ổn ra thị trường tối đa nhất có thể. "Công ty gom hết trứng tại trang trại và các trại liên kết đưa về TP HCM bán với giá bình ổn. Ðể đủ nguồn hàng, công ty phải mua thêm trứng của các trại khác với giá thị trường, cao hơn nhiều so với giá bình ổn. Lúc đó, công ty không nghĩ gì đến lời lỗ mà chỉ cố gắng làm sao giúp hạ giá trứng nhanh nhất có thể. Nhờ phối hợp nhịp nhàng giữa các giải pháp nên chỉ sau vài ngày, giá trứng gà ổn định trở lại" - bà Phạm Thị Huân, Chủ tịch HÐQT Công ty CP Ba Huân, nói.
Theo các DN, thời gian đầu, bình ổn thị trường vô cùng vất vả. Tiêu chí quan trọng của chương trình là giá bán hàng bình ổn luôn thấp hơn giá thị trường ít nhất 5% và DN được phép xin điều chỉnh giá nếu chi phí đầu vào tăng 5% nhưng rất nhiều thời điểm, DN chấp nhận giữ giá để ổn định thị trường dù giá nguyên liệu chính đội lên 9%-10%, thậm chí cao hơn. "Căng nhất là những thời điểm thị trường có biến động, DN vừa tốn thêm tiền mua nguyên liệu, vừa tốn chi phí tăng ca sản xuất để nâng sản lượng hàng bình ổn đủ chi phối thị trường. Hàng xuất xưởng càng nhiều, lợi nhuận càng teo tóp nhưng các DN sẵn sàng hy sinh một phần lợi nhuận để đóng góp cho lợi ích chung của cộng đồng" - ông Nguyễn Ngọc An, Tổng Giám đốc Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan), bộc bạch.
Thành phố, doanh nghiệp và người dân cùng có lợi
Theo Sở Công Thương TP HCM, thành công lớn của chương trình là đã tạo được nguồn cung ứng hàng hóa ổn định, chất lượng, chủ động và đủ để chi phối thị trường. Thông qua việc triển khai các chính sách hỗ trợ đầu tư, sản xuất; tăng cường hợp tác thương mại, kết nối cung - cầu; phối hợp xây dựng vùng nguyên liệu, tạo nguồn hàng với các tỉnh, thành..., chương trình đã huy động mọi thành phần kinh tế cùng tham gia.
"Ngoài hiệu quả bình ổn thể hiện rõ trong nhiều năm, chương trình còn tạo bước đột phá với cơ chế xã hội hóa nguồn vốn, giúp DN tiếp cận được nguồn vốn quy mô lớn từ các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP HCM. Từ nguồn vốn này, các DN đã yên tâm đầu tư chăn nuôi, sản xuất, đổi mới công nghệ và phát triển hệ thống phân phối, dự trữ nguồn hàng..., tạo nguồn cung ứng hàng hóa chất lượng và ổn định. Năm 2002, thành phố ứng vốn ngân sách 45 tỉ đồng, chương trình đạt doanh thu 344 tỉ đồng. Từ năm 2013, thành phố ngừng ứng vốn ngân sách nhưng doanh thu chương trình đạt 13.242 tỉ đồng thì đến năm 2022, dự kiến doanh thu chương trình lên đến 22.355 tỉ đồng" - Sở Công Thương TP HCM nêu kết quả.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng thành công của chương trình trước hết đến từ chủ trương, chính sách đúng đắn của thành phố cùng sự chủ động, linh hoạt, sát sao trong tổ chức thực hiện của các sở, ngành và DN. Các DN đồng lòng hợp sức nên tạo được hiệu ứng xã hội, dẫn dắt thị trường và có tính lan tỏa cao. "Ở tầm vĩ mô, chương trình cầm trịch được thị trường. Các thương lái, tư nhân, DN nước ngoài không dám tăng giá mà ngược lại, luôn nhìn vào chương trình để điều chỉnh giá bán cho phù hợp" - ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, lý giải.
Duy trì các chuỗi cung ứng
Mới đây, tại Đại hội Đại biểu Hiệp hội DN TP HCM (HUBA) lần thứ VII, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi đã biểu dương sự năng động, đổi mới và hiệu quả của các DN thành phố. Dẫn chứng cho đánh giá này, Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết chương trình rất khó thực hiện trong điều kiện kinh tế thị trường nhưng nhờ các DN đã tham gia với tinh thần trách nhiệm, tích cực và đồng bộ nên thành phố giữ được bình ổn giá nhiều mặt hàng thiết yếu.
Theo lãnh đạo UBND TP HCM, trong 2 năm dịch COVID-19, DN đã chủ động, sáng tạo, kịp thời ứng phó tình hình mới, phát huy tinh thần trách nhiệm cộng đồng rất cao, khẳng định được vai trò dẫn dắt thị trường, góp phần cùng thành phố giải quyết được nhiều khó khăn, vướng mắc, duy trì các chuỗi cung ứng...
Bình luận (0)