Được triển khai liên tục từ năm 2002 đến nay, chương trình Bình ổn thị trường đã trở thành thương hiệu riêng của TP HCM, quy tụ nhiều doanh nghiệp chủ lực tham gia, tạo sức lan tỏa lớn, mang lại lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng.
Từ "bình ổn giá" đến "bình ổn thị trường"
Năm 2002, TP HCM lần đầu tiên ứng 45 tỉ đồng vốn ngân sách (không tính lãi) cho 2 doanh nghiệp (DN) nhà nước là Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn và Công ty Lương thực Thành phố dự trữ một số mặt hàng, điều kiện là DN giữ cố định giá các mặt hàng này 3 tháng trước, trong và sau Tết. Chương trình bình ổn giá được chính thức triển khai. Liên tiếp trong 4 năm, 2 DN này đều đặn được ứng vốn dự trữ, bình ổn hàng Tết, góp phần hạn chế tình trạng khan hiếm hàng hóa hoặc biến động giá trong những ngày giáp Tết, cận Tết trong bối cảnh nguồn cung hàng hóa chưa bền vững, hệ thống hạ tầng thương mại chưa hoàn thiện, lưu thông hàng hóa chưa thông suốt…
Giai đoạn 2005-2010, TP bắt đầu thực hiện bình ổn thị trường 8 nhóm mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu: gạo - nếp, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, đường và rau củ quả. Cũng trong thời gian này, quy chế phối hợp giữa các sở - ban - ngành, UBND quận huyện với các DN bình ổn được ban hành. Cơ chế vốn cho DN tham gia bình ổn được chuyển từ tạm ứng vốn ngân sách sang cho vay không lãi suất.
Từ năm 2010, TP mạnh dạn triển khai thực hiện chương trình bình ổn thị trường (chương trình) xuyên suốt cả năm, dần mở rộng bình ổn thị trường các nhóm mặt hàng phục vụ mùa khai giảng, sữa, dược phẩm thiết yếu. Nguồn vốn triển khai thực hiện chương trình cũng dần được xã hội hóa hoàn toàn.
Theo Sở Công Thương TP, từ năm 2013 đến nay, chương trình thật sự đi vào chiều sâu, huy động được mọi nguồn lực xã hội cùng tham gia. Đối tượng tham gia chương trình cũng được mở rộng. Từ năm 2020 đến nay, các DN bình ổn đi từ ứng phó khẩn cấp với dịch COVID-19 đến thích ứng an toàn, linh hoạt sau đại dịch. Những khó khăn do dịch COVID-19 mang lại, đặc biệt là trong khoảng thời gian TP HCM và nhiều tỉnh, thành thực hiện giãn cách xã hội để chống dịch, các DN bình ổn thị trường đã khẳng định sự chuyên nghiệp, bản lĩnh thị trường lẫn thiện chí đóng góp cho TP trong những tháng ngày đặc biệt khó khăn.
Dù thị trường nhiều biến động, các doanh nghiệp bình ổn thị trường mặt hàng trứng gia cầm luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ TP HCM giao
Doanh nghiệp, người tiêu dùng cùng có lợi
Trải qua 20 năm tổ chức, TP HCM ghi nhận chương trình đã lan tỏa mạnh mẽ và đi vào chiều sâu. Chương trình đã hoàn thành tốt mục tiêu thúc đẩy cung cầu hàng hóa sản phẩm cho thị trường, phát triển nhanh hệ thống phân phối, đưa hàng đến người tiêu dùng nhanh nhất. Ngoài ra, chương trình cũng trở thành công cụ điều tiết hữu hiệu, góp phần kiểm soát thị trường. Qua đó, giá cả các mặt hàng thiết yếu tại TP HCM luôn được kiểm soát tốt, ngay cả trong những đợt cao điểm mua sắm lễ, Tết.
Các DN thực hiện nhiệm vụ bình ổn thị trường xuyên suốt một cách trách nhiệm, luôn dự trữ, cung ứng đủ hoặc vượt số lượng hàng hóa TP giao. Theo các DN, sự liên kết chặt chẽ giữa các DN bình ổn với nhau và với chương trình đã dẫn dắt thị trường, giữ được sự ổn định giá. Ông Trương Chí Thiện, Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, cho hay, khi chưa có chương trình bình ổn, thương nhân luôn tích trữ hàng trước, chờ đến Tết để nâng giá lên. Từ khi có chương trình, trước Tết 1 tháng, DN cam kết không tăng giá và dần dần đánh tan tâm lý tích trữ hàng hóa Tết. Bên cạnh đó, DN bình ổn luôn bảo đảm nguồn hàng dồi dào. Khi thị trường biến động, DN sẽ có ngay lượng hàng đáp ứng, không để xảy ra tình trạng khan hiếm. Nhờ vậy mà người dân TP HCM, đặc biệt là người lao động nghèo, luôn được tiêu dùng các mặt hàng thiết yếu với giá bình ổn, chất lượng bảo đảm. Đặc biệt, trong những tháng qua, giá trứng gia cầm trên thị trường tăng cao do giá thức ăn chăn nuôi, chi phí vận chuyển tăng, các DN bình ổn giá trứng chấp nhận chia sẻ lợi nhuận, giữ ổn định giá bán theo khung giá của chương trình nhằm góp phần "hạ nhiệt" giá trứng.
Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết khi tham gia bình ổn các mặt hàng thiết yếu, lương thực thực phẩm, Saigon Co.op không đặt nặng việc kiếm lợi nhuận mà đồng hành với TP để bình ổn thị trường. Cụ thể, 15 năm góp mặt vào chương trình, Saigon Co.op luôn kiểm soát để chỉ số CPI trong rổ hàng hóa của Saigon Co.op luôn bằng 1/4-1/5 thị trường, thậm chí có thời điểm âm. Nhờ nỗ lực này mà giá hàng hóa trong hệ thống Saigon Co.op luôn giữ được mặt bằng tốt nhất, nhiều hàng hóa thiết yếu giữ được sự ổn định, chia sẻ với gánh nặng chi tiêu của người tiêu dùng. Đặc biệt, hàng hóa giá bình ổn của Saigon Co.op có mặt tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và san sẻ gánh nặng kinh tế cho bà con. "Bình ổn thị trường hiện nay không đơn thuần là kiểm soát về mặt giá cả mà phải gắn chặt với các chuỗi giá trị cũng như chuỗi cung ứng trong bình diện chung nhằm bảo đảm bình ổn cho cả người sản xuất, nhà cung ứng lẫn người tiêu dùng" - ông Đức đề xuất.
Bà Phạm Thị Huân, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ba Huân, cũng khẳng định tham gia bình ổn thị trường TP vừa là trách nhiệm vừa là quyền lợi của DN. Bà Ba Huân cho hay, DN được tiếp sức rất nhiều từ chương trình. Thương hiệu "Bình ổn thị trường" đã giúp các DN xác lập được sự tín nhiệm của đối tác, người tiêu dùng. Ngoài ra, thông qua việc kết nối ngân hàng - DN, các DN được tiếp cận các gói vốn vay ưu đãi để đầu tư chăn nuôi, sản xuất, đổi mới công nghệ, phát triển hệ thống phân phối và dự trữ, cung ứng hàng hóa… Cùng với đó, hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa giữa TP HCM và các tỉnh, thành đã tạo điều kiện cho DN đầu tư phát triển vùng nguyên liệu tại các tỉnh, thành và mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. Nhiều DN gắn bó với chương trình như Satra, Saigon Co.op, Agrifood, Vissan, Vĩnh Thành Đạt, Ba Huân, San Hà… đã phát triển lớn mạnh, có sự tăng trưởng vượt bậc cả về quy mô, doanh số và khẳng định được thương hiệu.
Nâng cao quan hệ hợp tác giữa các địa phương
Theo Sở Công Thương TP, xuyên suốt 20 năm, chương trình bình ổn thị trường TP HCM đã đạt được mục tiêu quan trọng nhất là góp phần bảo đảm an sinh xã hội, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hàng hóa thiết yếu cho người dân, đặc biệt là người lao động thu nhập thấp, nhận được sự ủng hộ của các cơ quan ban ngành trung ương, sự đồng thuận cao của hệ thống chính trị và được người dân TP tin tưởng. Hiệu quả của chương trình đã được Chính phủ và Bộ Công Thương ghi nhận và đánh giá cao, chỉ đạo nhân rộng mô hình trong cả nước. Từ bài học kinh nghiệm của TP HCM, đến nay đã có 48 tỉnh, thành phố triển khai thực hiện chương trình.
Một điểm cộng nổi bật là từ chương trình này, các DN bình ổn với thị phần lớn, hệ thống phân phối rộng khắp, bảo đảm cung cấp cho người tiêu dùng TP HCM lượng hàng hóa ổn định, dồi dào, giá cả hợp lý. Do đó, có khả năng điều hòa cung - cầu, dẫn dắt thị trường, ổn định thị trường, kiềm chế lạm phát, góp phần thực hiện thành công cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trên địa bàn thành phố. Chương trình còn góp phần làm chỉ số giá tiêu dùng của TP thường ở mức tăng thấp hơn trung bình cả nước. Không dừng lại ở đó, chương trình còn thúc đẩy phát triển hợp tác thương mại giữa TP HCM với các địa phương lân cận. Thời gian qua, một số đơn vị tham gia chương trình trong việc phát triển mạng lưới phân phối gắn với thu mua và tiêu thụ sản phẩm đã góp phần thực hiện nhiệm vụ bình ổn thị trường tại một số địa phương bên ngoài TP thông qua việc áp dụng cơ chế một giá bình ổn trong hệ thống phân phối bán lẻ của đơn vị trên tất cả các tỉnh, thành. "Có thể nói, tác động của chương trình không chỉ dừng lại trên địa bàn TP mà còn lan tỏa đến nhiều địa phương khác trong cả nước; góp phần khai thác các tiềm năng và nâng quan hệ hợp tác phát triển kinh tế giữa TP với các địa phương, nhất là các tỉnh, thành Đông - Tây Nam Bộ lên tầm cao mới theo hướng thiết thực và hiệu quả, thể hiện trách nhiệm và vai trò đầu tàu thúc đẩy sự phát triển kinh tế của Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam" - ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, chia sẻ.
Bình luận (0)