Những trái vải ngon nhất, đẹp nhất được tuyển chọn cẩn thận từ 20 ha trồng vải thiều hữu cơ tại các xã Giáp Sơn, Quý Sơn (huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang), góng gói trong hộp giấy sang trọng và có dán tem truy xuất nguồn gốc. Người tiêu dùng chỉ cần dùng điện thoại tra cứu theo phần mềm sẽ ra toàn bộ thông tin về sản phẩm.
Ông Nguyễn Văn Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, cho biết vải thiều hữu cơ "tuyển" có số lượng hạn chế nên chỉ bán cho một số khách hàng cao cấp, chủ yếu để thăm dò thị trường, lấy ý kiến khách hàng nhằm chuẩn bị cho mùa thu hoạch sau. "Người tiêu dùng các địa phương khác muốn thưởng thức vải thiều hữu cơ Lục Ngạn có thể liên lạc trực tiếp với UBND huyện Lục Ngạn. Tuy nhiên, bây giờ đã cuối mùa vải nên khả năng là không còn hàng để cung cấp" - ông Phương nói.
Thông tin từ UBND huyện Lục Ngạn, vải thiều hữu cơ do Delco Farm (vốn nổi tiếng bởi quy trình công nghệ cao ở trang trại tại tỉnh Bắc Ninh) hỗ trợ nông dân 2 xã Giáp Sơn, Quý Sơn canh tác. Delco Farm phụ trách luôn khâu thiết kế bao bì, phân phối thử nghiệm cho một số đối tượng khách hàng cao cấp. Có khoảng vài trăm hộp vải thiều organic cao cấp đã được bán đến người tiêu dùng. Sản lượng còn lại bán ra thị trường với giá cao hơn vải bình thường 5% - 10%.
Mỗi hộp vải thiều hữu cơ "tuyển" thế này có giá đến 200.000 đồng (Ành trên website tỉnh Bắc Giang)
Trước đó, trao đổi với các phóng viên tại TP HCM, ông Dương Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, cho biết năm 2019 Bắc Giang duy trì trên 28.000 ha đất trồng vải, trong đó có 20 ha trồng vải hữu cơ do UBND huyện Lục Ngạn giao cho DN liên kết với nông dân. Các vườn vải hữu cơ được lắp camera chăm sóc theo quy trình hữu cơ, theo dõi nhật ký chăm sóc điện tử..
Mô hình này là sự liên kết giữa nông dân trồng vải Lục Ngạn và doanh nghiệp tiêu thụ. Người dân được tập huấn áp dụng quy trình chăm sóc vải hữu cơ không dùng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học. Việc tiêu thụ vải hữu cơ được đơn vị bao tiêu sản phẩm thỏa thuận giá mua và ký hợp đồng với người dân từ trước. Quy trình chăm sóc đến khi thu hoạch là sự đồng hành giữa người dân và doanh nghiệp.
Bình luận (0)