Tiếp theo văn bản 2050 của Tổng cục Hải quan về việc xử lý lượng hạn ngạch được hồi lại của tháng 4 (như Báo Người Lao Động đã thông tin), đơn vị này lại vừa có văn bản hỏa tốc số 2651 về việc xử lý các tờ khai xuất khẩu gạo đăng ký trong ngày 25-4.
Tổng cục Hải quan cho hay theo thông báo tại văn bản 2650, đơn vị đã thiết lập hệ thống để cộng trở lại hạn ngạch số lượng 38.642,56 tấn gạo được phép xuất khẩu trong tháng 4, áp dụng từ 0 giờ ngày 26-4.
Tuy nhiên, qua kiểm tra hệ thống, phát hiện trong khoảng thời gian từ 18 giờ 45 phút đến 19 giờ 45 phút ngày 25-4, có 22 doanh nghiệp không thuộc danh sách doanh nghiệp công bố tại văn bản số 2638 ngày 24-4 của Tổng cục Hải quan đã thực hiện khai xuất khẩu gạo vào Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử của hải quan.
Do vậy, Tổng cục Hải quan thông báo các tờ khai này không có giá trị làm thủ tục hải quan.
Kho gạo của doanh nghiệp ở ĐBSCL. Ảnh: Ngọc Trinh
Trước đó, Văn bản hỏa tốc 2638 của Tổng cục Hải quan đã thông báo về việc thiết lập trên Hệ thống VNACCS/VCIS để các doanh nghiệp thực hiện việc đăng ký tờ khai hải quan từ 0 giờ 00 phút ngày 25-4 đến hết ngày 30-4, đối với các lô hàng gạo đã đưa vào cửa khẩu quốc tế, cảng biển quốc tế trước ngày 24-3 nhưng chưa được đăng ký tờ khai hải quan, nhằm tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp.
Trong đó, phụ lục của Văn bản 2638 nêu rõ danh sách 16 doanh nghiệp đã tập kết gạo tại cảng biển, cửa khẩu trước ngày 24-3. Theo đó, chỉ những lô hàng này mới được giải quyết xuất đi.
Cụ thể, tại Cục Hải quan tỉnh Long An, có lô hàng hơn 50 tấn gạo trắng Japotica 5% tấm của Công ty TNHH MTV Kinh doanh và Xay xát lúa gạo Cẩm Nguyên.
Tại Cục Hải quan TP HCM, các doanh nghiệp được mở tờ khai gồm: Công ty CP Thương mại Kiên Giang, Công ty TNHH Lương thực Thịnh Phát, Công ty CP Lương thực Bình Minh, Công ty TNHH Lương thực Tấn Vương, Công ty TNHH Tiến Phát Nông, Công ty TNHH MTV kinh doanh lương thực Phước Hưng. Tổng số lượng gạo tồn tại đây là hơn 2.600 tấn.
Cục Hải quan tỉnh Đồng Tháp tồn 184 tấn gạo tẻ thường của 2 doanh nghiệp là Công ty CP Tập đoàn Tân Long và Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời.
Cục Hải quan TP Cần Thơ tồn hơn 560 tấn của Công ty TNHH Hiệp Tài và Công ty CP Nông sản Vinacam.
Cục Hải quan tỉnh An Giang ghi nhận 3 doanh nghiệp tồn đọng tổng cộng 17.380 tấn gạo là Công ty CP Lương thực Bình Định, Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An và Công ty CP Thương mại dịch vụ gạo Thịnh.
Bình luận (0)