Với kỳ vọng trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn, Nhà nước đã liên tục bảo hộ ngành công nghiệp quan trọng này trong suốt gần 30 năm qua. Thế nhưng, đến nay nhìn lại, thực trạng của ngành điện tử gần như khó có gì để hy vọng cho tương lai. Ngành này đang mất cân đối nghiêm trọng trong cơ cấu sản phẩm, trình độ lao động của doanh nghiệp (DN) đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thấp hơn DN trong nước...
Đạt doanh số cao nhờ kinh doanh địa ốc
Mới đây, Bộ Bưu chính Viễn thông và Hiệp hội DN Điện tử VN đã tổ chức hội thảo “Đánh giá thực trạng công nghiệp điện tử VN và phương hướng phát triển đến 2010, tầm nhìn đến 2020” (TT&PH). Theo báo cáo do ông Trần Quang Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội DN Điện tử trình bày, vào cuối năm 2005 và đầu 2006, hiệp hội đã tiến hành khảo sát 9 DN Nhà nước, 41 công ty cổ phần, 20 công ty TNHH, 38 DN FDI. Hoạt động chính của ngành điện tử VN là lắp ráp sản phẩm điện tử tiêu dùng nên dẫn đến mất cân đối nghiêm trọng giữa sản phẩm điện tử tiêu dùng (chiếm 80%) và điện tử chuyên dùng (chiếm 20%). Trong khi ở các nước phát triển, tỉ lệ này là ngược lại. Hậu quả của sự mất cân đối này đã dẫn đến tỉ lệ nội địa hóa chỉ đạt 20%-30%. Một thực trạng gây chú ý là doanh số của DN VN lớn hơn nhiều so với vốn pháp định. Ông Trần Quang Hùng giải thích, nhiều DN trong ngành điện tử có doanh số cao là từ kinh doanh địa ốc.
Nhưng điều bất ngờ nhất, trong các DN quốc doanh, nhân lực có trình độ từ cao đẳng trở lên chiếm tỉ lệ từ 10% đến 64%. Trong khi đó, tỉ lệ này ở các DN FDI chỉ chiếm từ 4% đến 10%. Hay nói khác đi, các DN FDI vào VN chỉ khai thác nguồn lao động phổ thông lương thấp chứ không quan tâm đến nghiên cứu, thiết kế sản phẩm mới. Tuy vậy, DN FDI chiếm khoảng 80% giá trị thị trường trong nước.
VN đã có ngành điện tử hay chưa?
Thông thường trên thế giới, ngành điện tử đạt siêu lợi nhuận nếu tạo ra được sản phẩm mới, trong khi đó, ngành điện tử của VN gần như chỉ khai thác sản phẩm cũ, lợi nhuận hầu như không còn, nên GTGT của sản phẩm điện tử VN theo TT&PH chỉ đạt 5%-10%. Theo các quan chức của hiệp hội, mới đây để phục vụ cho sản xuất máy in, Canon đã khảo sát chất lượng ốc vít của 26 DN trong nước nhưng cuối cùng không có DN nào đạt chất lượng, Canon phải nhập từ nước ngoài. Tại hội thảo, đại diện Fujitsu VN cho biết, nhập linh kiện từ nước ngoài làm tăng chi phí đáng kể. Thông thường Fujitsu VN phải chịu phí 1%-2% cho những DN làm dịch vụ xuất nhập khẩu. Mỗi năm Fujitsu xuất khẩu khoảng 500 triệu USD nên kim ngạch nhập khẩu các linh kiện, chi tiết sản phẩm rất lớn, phải tốn nhiều chi phí trung gian.
Ông Bùi Quang Độ, Chủ tịch Hiệp hội DN Điện tử, nêu thắc mắc, đến giờ chúng ta vẫn chưa khẳng định là VN đã có ngành công nghiệp điện tử hay chưa thì làm sao định hướng phát triển cho ngành này trong những năm tới? Còn tỉ lệ nội địa hóa, nhiều ý kiến cho rằng thế giới đã phân công lao động rõ ràng, VN không thể sản xuất tất cả. Sau gần 30 năm hô hào nội địa hóa, ốc vít của ta vẫn chưa đạt chất lượng cao. Vì vậy, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích DN đi vào nghiên cứu thiết kế, tạo ra sản phẩm mới.
VN hiện được xem là nước có thâm niên lắp ráp sản phẩm điện tử thuộc nhóm lâu nhất thế giới. Vì thông thường, các nước chỉ mất từ 5 đến 10 năm cho giai đoạn lắp ráp. Sau đó họ đi vào sản xuất linh kiện, thiết kế sản phẩm. Còn VN đã qua gần 30 năm lắp ráp nhưng vẫn chưa có dấu hiệu gì chứng tỏ sắp vượt qua giai đoạn này.
Bình luận (0)