Cho thanh toán qua thẻ Nhiều chủ thẻ chờ rút tiền mặt tại các máy ATM. Ảnh: Hồng Thúy
Bùng nổ số lượng
Thẻ thanh toán có mặt ở nước ta từ khoảng năm 1994 thông qua hình thức đại lý chấp nhận thẻ của các tổ chức thẻ quốc tế. Đến năm 1996, các loại thẻ NH xuất hiện nhiều hơn nhưng phải đến năm 2002, khi thẻ ghi nợ nội địa (ATM) đầu tiên với thương hiệu Vietcombank Connect 24 ra đời cùng mạng lưới máy giao dịch tự động ATM tại Việt Nam, thị trường thẻ NH mới thật sự bùng nổ. Năm 2006, toàn thị trường mới có khoảng gần 5 triệu thẻ các loại, gần 3.000 máy ATM và khoảng 11.000 máy quẹt thẻ (POS). Đến cuối năm 2011, số lượng thẻ NH trên cả nước tăng lên hơn 42 triệu thẻ, trong đó khoảng 40 triệu thẻ ATM (chiếm hơn 93%). Cơ sở hạ tầng phục vụ thanh toán thẻ cũng được cải thiện đáng kể với số lượng máy ATM đến cuối năm 2011 là 13.000 và gần 70.000 máy POS.
Hiện có 49 tổ chức phát hành thẻ với hơn 200 thương hiệu thẻ khác nhau. “Sự phát triển của dịch vụ thẻ NH có thể xem là lĩnh vực phát triển năng động nhất trong các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt. Tốc độ tăng trưởng khoảng 50% - 60%/năm trong vài năm gần đây” - bà Dương Hồng Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán NH Nhà nước, cho biết.
Tiện ích thanh toán qua thẻ cũng ngày càng được NH đẩy mạnh như thanh toán hóa đơn tiền điện, nước, điện thoại, bảo hiểm, học phí… Ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, nhận xét: “Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt không chỉ giảm lượng tiền lưu thông trong nền kinh tế mà còn giúp chính sách tiền tệ của NH Nhà nước thực hiện tốt hơn”.
Tuy nhiên, do thói quen sử dụng tiền mặt đã có từ lâu nên phần lớn thẻ ATM chỉ dùng để rút tiền mặt. Minh Tuyền, nhà ở quận Thủ Đức - TPHCM, cho biết chị chưa bao giờ thanh toán qua thẻ hoặc sử dụng các dịch vụ giá trị gia tăng từ NH dù công ty chị trả lương qua tài khoản. Tương tự, nhiều công nhân trong các KCN, KCX trên địa bàn TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương… được nhận lương qua thẻ nhưng cũng chưa một lần sử dụng thẻ ATM ngoài việc rút tiền. Điều này khiến tình trạng công nhân xếp hàng dài trước máy ATM vào ngày lĩnh lương đã thành chuyện thường.
Phát triển thiếu cân đối
Theo thống kê của Hội Thẻ Việt Nam năm 2010, hơn 83,2% các giao dịch qua thẻ ATM là rút tiền mặt; 16,3% chuyển khoản và chỉ 0,5% dùng thẻ để thanh toán.
Ngoài thói quen sử dụng tiền mặt, nguyên nhân của việc người dân ít thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng thẻ còn do các dịch vụ hỗ trợ thanh toán chưa đồng bộ. Dạo một vòng các siêu thị, nhà hàng lớn trên địa bàn TPHCM, nhiều nơi có đặt máy POS nhưng chỉ giao dịch với thẻ tín dụng. Đa số chương trình khuyến mãi, giảm giá khi thanh toán qua thẻ cũng ưu đãi thẻ tín dụng. Một số khách sạn lớn tại TPHCM chỉ cài đặt POS cho thẻ tín dụng quốc tế và không có nhu cầu gắn POS để cho chủ thẻ ATM thanh toán. Trong khi đó, thị trường thẻ của nước ta chủ yếu là thẻ ATM với gần 40 triệu thẻ. Doanh số thanh toán qua POS của thẻ ATM khá khiêm tốn so với thẻ quốc tế. Chẳng hạn, tại NH TMCP Công Thương - Chi nhánh 2, doanh số thanh toán qua POS của thẻ ATM chỉ chiếm khoảng 3,5% tổng doanh số thanh toán qua thẻ.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Giám đốc NH Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh TPHCM, thừa nhận: Việc kết nối POS sẽ giúp các NH tiết kiệm chi phí đầu tư mở rộng mạng lưới ATM và giảm tải hệ thống ATM. Đồng thời, các đơn vị chấp nhận thẻ cũng đáp ứng nhu cầu thanh toán đa dạng của khách hàng, có thêm khách hàng tiềm năng là những người thường dùng thẻ. Tuy nhiên, khó khăn lớn để đẩy mạnh thanh toán qua thẻ là khả năng đầu tư công nghệ liên quan đến thẻ hiện không đồng đều giữa các NH. Việc kết nối dữ liệu và xử lý thông tin thẻ trong quá trình giao dịch chưa thật sự thông suốt khiến khách hàng còn “ngại” quẹt thẻ. Theo số liệu thống kê, tỉ lệ giao dịch không thành công qua POS của Banknetvn là 29%, con số này của Smartlink là 20% và VNBC 19%.
Nhiều bất ổn
Bà Nguyễn Tú Anh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ thẻ Smartlink, cho rằng: “Thị trường thanh toán bán lẻ của NH không thiếu các công cụ thanh toán tiện dụng, an toàn nhưng lại thiếu mạng lưới chấp nhận thanh toán và kênh thanh toán. Thị trường thẻ thanh toán ATM/POS từ trước năm 2008 chủ yếu do các NH tự triển khai một cách riêng lẻ khiến chi phí đầu tư cao, tính tương thích, liên thông giữa các NH không có và ngay chất lượng dịch vụ, tiêu chuẩn an toàn bảo mật cũng không đồng đều”. |
Bình luận (0)