xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

7 năm tìm đường vào EVFTA

PHƯƠNG NHUNG

Sự cố Hiệp định Thương mại tự do giữa Singapore và Liên minh châu Âu bị đưa lên Tòa án Công lý châu Âu đã khiến Việt Nam mất thêm nhiều thời gian mới có thể đi đến ngày ký kết hiệp định

Trong những ngày cận kề lễ ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam EU (EVIPA), một thành viên đoàn đàm phán xúc động chia sẻ với phóng viên Báo Người Lao Động: "Giờ phút căng thẳng rà soát nội dung hiệp định, bận rộn chuẩn bị và hoàn tất mọi công việc cuối cùng trước khi ký kết là đáng nhớ nhất với chúng tôi. Chúng tôi được chứng kiến thành quả của sự nỗ lực từ cả hệ thống chính trị với biết bao con người, vượt rất nhiều khó khăn trong nhiều năm, nhớ lại có thể chảy nước mắt".

2015: Cột mốc khắc nghiệt

Kể từ ngày Việt Nam và EU có buổi làm việc tại thủ đô Brussels (Bỉ), chính thức tuyên bố khởi động đàm phán EVFTA đến nay là tròn 7 năm. Trước đó 2 năm, vào tháng 10-2010, tại Hội nghị Cấp cao ASEM lần thứ 8, hai bên nhất trí khởi động đàm phán EVFTA. Vị thành viên đoàn đàm phán nhận xét trong suốt 14 vòng đàm phán kéo dài từ năm 2012-2015 với hàng chục nội dung được thỏa thuận, khó có thể nói phiên đàm phán nào gay cấn nhất. Mỗi phiên đều căng thẳng, nếu không muốn nói là khắc nghiệt.

"Đi vào giai đoạn cuối của đàm phán, khi đã chuẩn bị kết thúc những vấn đề rất khó như lao động, mua sắm (của) Chính phủ, những tưởng chặng đường sẽ êm xuôi nhưng ngược lại, Việt Nam phải đối mặt với việc xử lý mâu thuẫn quyền lợi đan xen giữa nhiều nước lớn đang đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với chúng ta. Đó là thời điểm năm 2015 - cột mốc cực kỳ phức tạp và căng thẳng" - ông kể.

7 năm tìm đường vào EVFTA - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và bà Cecilia Malmstrom, Cao ủy Thương mại EU, cùng các đại biểu xem triển lãm ảnh về quan hệ Việt Nam - EU tổ chức ngày 30-6 tại Hà Nội Ảnh: Nhật Bắc

Theo thành viên này, khó nhất đối với đoàn đàm phán Việt Nam là xử lý mâu thuẫn cách tiếp cận giữa Mỹ và EU liên quan đến chỉ dẫn địa lý cùng nhiều vấn đề khác. Thời điểm đó, Việt Nam đang đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP, sau này là CPTPP). Đây cũng là năm đàm phán giữa Việt Nam với Nga, Hàn Quốc và EVFTA đi vào chặng nước rút và hoàn tất.

"Trong quá trình đàm phán, các nước lớn luôn nhìn vào nhau xem phía đối tác mở cửa cho nước khác ra sao. Việt Nam đứng trước áp lực cực kỳ cao vì phải tính toán cân bằng lợi ích các nước, chỉ cần lộ một chút thông tin về ý định ưu đãi nhiều hơn cho nước nào đó thì chắc chắn gặp phải sự phản ứng gay gắt" - ông nói và cho rằng đoàn đàm phán của Việt Nam vào thời điểm khó khăn đó đã xử lý hài hòa và êm đẹp việc thỏa thuận với các nước. Kết quả là năm 2015, Việt Nam "bội thu" FTA khi hàng loạt hiệp định với các nước và khu vực lớn đã hoàn tất đàm phán.

Chờ đợi phán quyết

Đàm phán EVFTA được hai bên thống nhất kết thúc cơ bản sau phiên đàm phán thứ 14 diễn ra trong các ngày từ 13 đến 17-7-2015. Nhưng đến năm 2017, chúng ta vẫn chưa thể đi vào ký kết và có nguy cơ phải tiếp tục đàm phán các nội dung liên quan đến đầu tư khi FTA của EU với Singapore đối mặt làn sóng phản đối. Là nước đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á có FTA với EU, hiệp định của Singapore bị đưa lên Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) xem xét trước khi có hiệu lực. Phán quyết của tòa đã chia hiệp định làm 2 phần riêng biệt, gồm thương mại tự do và một thỏa thuận riêng về bảo vệ đầu tư. Lý do là các nội dung liên quan đến đầu tư vốn phải được cơ quan lập pháp của tất cả các nước thành viên phê chuẩn, EU không được thay thẩm quyền đàm phán của các nước thành viên.

Ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), thành viên đoàn đàm phán - cho hay vụ kiện nói trên đã khiến Việt Nam mất thời gian lâu hơn dự kiến ban đầu để chờ đợi phán quyết của tòa án. Phán quyết của ECJ với Singapore cũng đồng thời áp dụng với Việt Nam, tức phải tách ra và khai sinh 2 hiệp định mới là EVFTA và EVIPA.

Theo ông Lương Hoàng Thái, việc tách hiệp định ban đầu ra thành 2 hiệp định mới hoàn toàn không phải thao tác kỹ thuật thông thường mà giữa hai hiệp định có mối ràng buộc rất chặt chẽ với nhau. Ví 2 hiệp định như "cặp song sinh trong bụng mẹ", ông Thái phân tích: "Trong hiệp định thương mại có những nội dung liên quan đến đầu tư, chẳng hạn như đầu tư trực tiếp, còn trong hiệp định đầu tư lại có nội dung liên quan đến hiệp định thương mại như bảo hộ thương mại, mở cửa thị trường cho nhà đầu tư. Như vậy, tuy 2 hiệp định riêng biệt nhưng không thể tách rời. Ví dụ, một nhà đầu tư muốn mở nhà máy ở Việt Nam thì điều kiện gia nhập thị trường được dẫn chiếu theo EVFTA, còn những điều khoản khác liên quan đến đầu tư lại điều chỉnh theo EVIPA. Nếu 2 công đoạn cùng nằm trong một hiệp định thì sẽ dễ dàng hơn cho việc thực hiện".

Nhìn lại cả chặng đường, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng thời gian chờ đợi phán quyết của ECJ cũng là thời gian Việt Nam bị đe dọa phải bỏ lại EVIPA. Có nhiều thời điểm, Cao ủy Thương mại EU cùng các đối tác thuộc EU đã tính đến phương án chỉ ký duy nhất hiệp định liên quan đến thương mại, "treo" lại hiệp định đầu tư. "Việc Hội đồng châu Âu thông qua nội dung của EVFTA và EVIPA, mở đường cho việc ký kết các hiệp định trong bối cảnh quan hệ song phương giữa hai bên ngày càng phát triển tốt đẹp có thể coi là thành công kép của chúng ta" - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

"Vượt vũ môn"

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh gọi cách Việt Nam vượt thử thách trong đàm phán với EU giống như "vượt vũ môn". Gọi vậy bởi Việt Nam đã vượt qua được chính bản thân mình về mặt năng lực, trình độ tổ chức đàm phán để xử lý tất cả vấn đề kỹ thuật với những cam kết rất cao, đa dạng. Đối mặt với Việt Nam trong đàm phán không phải chỉ 1-2 nước mà là 28 quốc gia thành viên với trình độ kinh tế, khung khổ luật pháp rất phát triển. Chưa kể, mục tiêu cũng như toan tính khác nhau của mỗi nước cũng đặt ra nhiều áp lực cho Việt Nam.

"Quá trình 9 năm kể từ khi hai bên nhất trí khởi động đàm phán là khoảng thời gian dài. Phải có sự chỉ đạo quyết liệt, mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị mới thành công được, trong đó tôi muốn nhấn mạnh vai trò của đoàn đàm phán, Chính phủ và các bộ, ngành. Nội dung được làm rất tốt trong đàm phán hiệp định này là có sự tham vấn giữa Chính phủ, đoàn đàm phán với doanh nghiệp để bảo đảm tối đa hiệu quả, lợi ích khi gia nhập" - Bộ trưởng Bộ Công Thương nhận định.

Chưa kể Việt Nam còn phải đối mặt với những vướng mắc nằm ngoài nội dung của hiệp định. Bộ trưởng cho biết nhiều vấn đề hoàn toàn không liên quan đến nội dung cụ thể trong hiệp định nhưng Nghị viện châu Âu vẫn đặt ra như yêu cầu để xem xét ký kết hiệp định với Việt Nam. Những câu chuyện khác được nêu ra ngay trong phút cuối đàm phán như về thị trường gạo châu Âu, đánh bắt cá bất hợp pháp, người lao động… cũng tốn rất nhiều giấy mực để tìm ra lời giải. Cuối cùng, nguyên tắc "win-win" theo cách gọi của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh - tức cùng chia sẻ thắng lợi, cùng có lợi ích - đã đem lại thành công cho đàm phán.

Ông Lương Hoàng Thái kể mua sắm Chính phủ cũng là một trong những nội dung được đàm phán xong cuối cùng và thường là nội dung khó nhất. Thời gian đầu của tiến trình, EU đồng thời đàm phán với 3 nước Đông Nam Á là Singapore, Malaysia và Việt Nam. Nhưng chỉ có Singapore và Việt Nam có thể "trụ" lại đàm phán và vượt qua được những cam kết ngặt nghèo về mua sắm Chính phủ. Cụ thể: Chi tiêu của nhà nước phải đáp ứng được nội dung cam kết, tăng hiệu quả của mua sắm công, đấu thầu công khai, cải cách ở nhiều lĩnh vực…

Trong khi đó, cam kết mở cửa thị trường bao giờ cũng là yêu cầu cuối cùng được các bên đưa ra bởi nó tác động gần như trực tiếp và tức thì đến nền kinh tế. Tới tận phiên đàm phán thứ 12 vào cuối tháng 3-2015, khi đề cập đến những nội dung Việt Nam và EU có nhiều lợi ích thì thảo luận chi tiết bản chào mở cửa thị trường vẫn chưa kết thúc. Phải qua thêm một phiên đàm phán nữa, các gói cam kết cuối cùng mới cơ bản được thống nhất. 

Chặng dài trước mắt

Sắp tới, Chính phủ sẽ trình Chủ tịch nước nội dung hiệp định, sau đó Chủ tịch nước quyết định thời điểm trình Quốc hội phê chuẩn. Quy trình phía EU cũng tương tự. "Nghị viện châu Âu mới tiến hành bầu cử cuối tháng 5-2019 và chưa thành lập các ủy ban. Chặng đường phía trước chưa hết khó khăn, chúng ta vẫn cần tiếp tục trao đổi, thúc đẩy phê chuẩn hiệp định để đưa vào thực thi" - một thành viên đoàn đàm phán chia sẻ.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo