Theo ông Nguyễn Tử Cương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, An toàn vệ sinh và Thú y thủy sản, trước hội nhập, các nước xuất khẩu phải đối phó với hàng rào thuế quan, hạn ngạch... Còn sau hội nhập, các rào cản kỹ thuật (TBT) và vấn đề an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh (SPS) đang vô cùng khắt khe, nhất là xuất khẩu vào châu Âu (EU). Ông Cương cho biết, hiện nay EU có khoảng 150 văn bản quy định liên quan đến TBT và SPS. Chính vì vậy, để đủ tiêu chuẩn xuất khẩu hàng vào EU, các nước xuất khẩu phải thực hiện 7 vấn đề như sau:
Phải tương đương về cơ quan Nhà nước kiểm soát và văn bản pháp quy trong an toàn vệ sinh thực phẩm và thú y. Phải thực hiện chương trình kiểm soát an toàn vệ sinh vùng thu hoạch nhuyễn thể 2 mảnh vỏ. Phải thực hiện chương trình kiểm soát dư lượng hóa chất độc hại trong thủy sản nuôi. Từng lô hàng được chứng nhận không có mối nguy vật lý, hóa học, vi sinh. Không sử dụng những lưới làm hại cá heo. Nhãn sản phẩm phải ghi rõ tên loài, nơi xuất xứ (nuôi, khai thác ở đâu); không buôn bán, sử dụng hóa chất độc trong chế biến thủy sản.
Các doanh nghiệp VN để được đưa vào danh sách xuất khẩu thủy sản vào EU phải có trang thiết bị chế biến và phục vụ dễ làm vệ sinh, khử trùng, không gây nhiễm các mối nguy vào sản phẩm và thực hiện kiểm tra chất lượng theo GMP, SSOP, HACCP. Bên cạnh đó, phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của VN đề nghị và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của EU chấp nhận.
Ông Andrew J Wilson, Tham tán Ủy ban châu Âu, cho biết người tiêu dùng EU là những người sợ rủi ro. Vấn đề an toàn thực phẩm đối với họ quan trọng hơn giá cả. Vì vậy, sản phẩm nhập khẩu vào EU phải được kiểm soát trong toàn bộ quá trình chế biến thực phẩm với tiêu chuẩn chế biến tương đương với tiêu chuẩn mà EU áp dụng trong khu vực.
Bình luận (0)