Vì vậy, sau mỗi bữa học, anh Dinh đã đi phụ bán quán, phụ hồ… nhằm lo chi phí học tập và dành tiền mua heo rừng giống nuôi thực nghiệm. Từ niềm đam mê này, khi tốt nghiệp anh Dinh về quê nuôi heo rừng và hiện nay anh bỏ túi vài trăm triệu đồng mỗi tháng.
Anh Đoàn Phan Dinh bên đàn heo rừng
Sinh ra trong một gia đình khó khăn tại vùng quê nghèo An Khánh, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp nên ngay từ học phổ thông, anh Dinh đã quyết tâm lập nghiệp để giảm bớt gánh nặng cho gia đình cũng như thay đổi cuộc sống khó khăn. Chính vì thế, sau khi tốt nghiệp phổ thông, anh Dinh quyết tâm thi đậu vào ngành Chăn nuôi, Trường ĐH Cần Thơ.
Bên cạnh việc làm giàu, anh Dinh còn chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi với các hộ dân khác
Để có tiền trang trải cho việc học cũng như thỏa niềm đam mê chăn nuôi, anh Dinh vừa học, vừa làm từ việc nhẹ như phục vụ quán ăn, bán hàng cho đến làm phụ hồ.
Anh Dinh chia sẻ: "Ngay khi học hết đại học năm nhất, tôi đã có ý định nuôi heo rừng. Vì vậy, tôi đã dành không ít thời gian lên mạng để tìm hiểu kỹ về loài vật nuôi này. Song, thời điểm đầu rất ít người ủng hộ khát vọng này của tôi nên bản thân phải tự mua heo giống về nuôi thử nghiệm. Để có được những con giống đầu tiên, tôi phải bỏ ra một năm tiền dành dụm từ lương phụ việc để mua giống nuôi thử. Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm chăn nuôi cũng như con giống kém chất lượng nên việc chăn nuôi thời điểm đầu bị phá sản".
Heo rừng trước khi xuất bán được kiểm tra chất lượng kỹ càng
Vì ước mơ phát triển ngành chăn nuôi, anh Dinh quyết không bỏ cuộc nên vẫn ra sức đi làm thêm để dành tiền, gầy dựng lại đàn heo rừng. Anh Dinh cho biết: "Sang các năm học tiếp theo, hễ giờ nào rảnh là tôi tranh thủ đi làm thêm để đầu tư vào đàn heo giống. Vì vậy, đến năm cuối của đại học, tôi đã có trong tay khoảng chục con heo nái giống".
Và để không rơi vào vết xe đổ, anh Dinh nghĩ ra cách chăn nuôi theo hướng bền vững nhằm mang về hiệu quả cao nhất. Anh Dinh chia sẻ: "Trong quá trình nuôi heo, tôi luôn chú trọng kiểm tra thường xuyên sự phát triển của vật nuôi để nắm rõ được chất lượng thịt. Điều quan trọng hơn hết, khi mình mổ heo ra, kiểm tra thịt mà không có nơi tiêu thụ lượng thịt này thì vài lần sẽ mất vốn. Do vậy, để giải bài toán này, tôi đã mở thêm một quán ăn, thế là vừa kiểm tra được chất lượng thịt đàn heo, vừa có tiền lời từ kinh doanh quán ăn".
Vì nuôi theo kiểu tự nhiên nên chất lượng thịt của đàn heo luôn được đảm bảo
Từ đó, việc làm ăn ngày càng phát triển, lượng heo sản xuất không đủ để cung ứng cho việc kinh doanh. Anh Dinh bắt đầu đi đến một số cơ sở nuôi heo rừng để tìm nguồn hàng về vừa thí nghiệm vừa phục vụ quán ăn, đặc biệt là thực nghiệm để xem phản hồi của khách hàng nhằm đúc kết kinh nghiệm cho bản thân.
Bên cạnh việc bán tại cửa hàng, anh Đoàn Phan Dinh còn chủ động mang thịt heo rừng đến giới thiệu tại các chương trình hội chợ
"Tôi nuôi heo rừng bằng niềm đam mê nhưng áp dụng nuôi bằng cách cũ, ban đầu nuôi heo thả rông sống hoang dã với diện tích gần công đất, xung quanh có bao lưới xung quanh không cho heo ra ngoài nên chi phí không cao. Bên cạnh đó, tôi tận dụng nguồn thức ăn có sẵn xung quanh nhà như: lục bình, khoai lang, cây chuối, hèm… Hầu như toàn bộ thức ăn đều tận dụng từ tự nhiên, với giá rất rẻ nên không tốn kém" – anh Dinh cho biết thêm.
Anh Dinh còn tự mở quán ăn để làm nơi tiêu thụ heo rừng của mình
Nhờ cách nuôi đó mà đến nay, đàn heo của anh Dinh phát triển đã tăng lên khoảng 700 con lớn, nhỏ với diện tích nuôi gần 2.500 m2, trong đó có 70 – 80 con heo nái. Trung bình, mỗi tháng anh Dinh xuất bán khoảng 250 con heo giống và thịt. Ngoài ra, anh còn hợp tác chăn nuôi với các hộ khác để cung ứng khoảng 200 con/tháng cho các đầu mối tại các tỉnh, thành vùng ĐBSCL và Đông Nam bộ. Sau khi trừ hết chi phí, mỗi tháng anh Dinh bỏ túi khoảng 500 triệu đồng.
Sau khi đã thành công, anh Dinh thành lập Công ty TNHH Thương mại – Dịch vụ Heo Rừng để mở rộng sản xuất. Điều này cũng nhằm tìm kiếm một cách làm ăn mới, đưa giống heo chất lượng đến với nông dân để cùng nhau làm giàu.
Bình luận (0)