Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) vừa công bố báo cáo tài chính quý III-2022 cho thấy, ngân hàng này có tình hình hoạt động kinh doanh tốt và an toàn.
Cụ thể, tính đến ngày 30-9, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của ACB đạt 13.500 tỉ đồng, hoàn thành hơn 90% kế hoạch năm 2022. Đồng thời, ACB cũng có tỉ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) tiếp tục nằm trong top dẫn đầu thị trường, lên trên mức 27%.
Tỉ lệ nợ xấu trong của ACB vẫn được đảm bảo ở mức 1%. Danh mục tín dụng tập trung chủ yếu vào mảng bán lẻ với tỉ lệ lên đến 94%. Có tới 98% các khoản vay đều có tài sản đảm bảo và tỉ lệ cho vay trên giá trị (LTV) bình quân danh mục liên tục duy trì trên 52%.
Từ đó, Moody’s và Fitch - hai tổ chức xếp hạng tín nhiệm hàng đầu trên thế giới - đánh giá ACB là ngân hàng có chất lượng tài sản vững chắc, vào top dẫn đầu về quản trị rủi ro và có mô hình quản lý rủi ro hiệu quả.
Theo ACB, hoạt động của ngân hàng không bị ảnh hưởng bởi một số quy định gần đây liên quan đến bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp. Bởi, ngân hàng luôn có danh mục đầu tư lành mạnh, không bao gồm trái phiếu doanh nghiệp và dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản chiếm tỉ trọng rất nhỏ.
Tính đến ngày 30-9, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của ACB đạt 13.500 tỉ đồng
Tính đến hết quý III-2022, tỉ lệ an toàn vốn và tỉ lệ an toàn vốn cấp 1 riêng lẻ của ACB lần lượt đạt 12% và 12,5%, vượt xa yêu cầu tối thiểu 8% của Ngân hàng Nhà nước, dự trữ đủ đệm vốn an toàn cho tình hình hoạt động bình thường và khi thị trường căng thẳng.
Hiện nay, ACB nằm trong nhóm các ngân hàng dẫn đầu thị trường với tỉ lệ dư nợ tín dụng trên số vốn huy động (LDR) đạt mức 83%, bảo đảm tuân thủ tỉ lệ thanh khoản theo quy định và được Ngân hàng Nhà nước xếp hạng cao nhất.
Lãnh đạo ACB cho biết tiếp tục triển khai dự án nâng cấp công tác quản trị an toàn vốn theo Basel III (hiện đang được rà soát mức độ tuân thủ bởi bên tư vấn độc lập KPMG), nhằm đáp ứng các chuẩn mực quản trị rủi ro quốc tế, bảo đảm lợi ích cao nhất cho khách hàng và cổ đông.
Thực tế cho thấy, ACB đang xây dựng các mô hình quản lý rủi ro phù hợp cho việc quản lý và giám sát hiệu quả rủi ro về tài sản số trong công cuộc chuyển đổi số, quản lý những rủi ro phát sinh từ sản phẩm công nghệ số của ngân hàng.
Theo đó, ACB được APEA vinh danh tại hai hạng mục "Inspirational Brand Award" - Thương hiệu truyền cảm hứng và "Corporate Excellence Award" - Doanh nghiệp xuất sắc"; giải "Doanh nghiệp niêm yết có hoạt động quan hệ nhà đầu tư (IR) tốt nhất năm 2022" do VAFE, Fili và Vietstock tổ chức, "Top 50 Doanh nghiệp phát triển bền vững" do Tạp chí Nhịp cầu đầu tư bình chọn, Top 10 "Thương hiệu mạnh ngành Ngân hàng" do Tạp chí Kinh tế Việt Nam đánh giá.
Bình luận (0)