Trong thời gian vừa qua, các cơ quan chức năng, báo chí và các ngân hàng đã có nhiều cảnh báo về các hình thức lừa đảo mới, đặc biệt là trên không gian số. Tội phạm sử dụng công nghệ cao liên quan đến lĩnh vực ngân hàng tiếp tục gia tăng, phức tạp và có xu hướng thay đổi về phương thức cũng như thủ đoạn.
Gần đây nở rộ hình thức lừa đảo mới chưa được nhiều người nhận biết, đó là lạm dụng quyền trợ năng (Accessibility) của một số ứng dụng khách hàng cài đặt trên điện thoại hệ điều hành Android, qua đó các ứng dụng này chiếm quyền điều khiển từ xa điện thoại của người dùng, từ đó đánh cắp thông tin mà người dùng sử dụng để đăng nhập và giao dịch trên tài khoản ngân hàng số trên điện thoại.
Trước sự tinh vi của hình thức này, để bảo vệ khách hàng, ACB đã nhanh chóng chủ động tăng cường thêm lớp bảo vệ, bằng việc bổ sung chức năng tự động hỗ trợ khách hàng phát hiện những ứng dụng có nguy cơ cao trong thiết bị của khách hàng. Theo đó, khi khách hàng mở ứng dụng ACB ONE phiên bản từ 3.17.0 trở lên, khách hàng sẽ được khuyến cáo nếu phát hiện ứng dụng có nguy cơ cao. Đồng thời, hệ thống ACB sẽ thực hiện tạm khóa việc thực hiện giao dịch trên ACB ONE để đảm bảo an toàn cho khách hàng.
Với những diễn biến phức tạp của tình trạng lừa đảo đánh cắp thông tin, việc bổ sung bước kiểm tra này sẽ giúp khách hàng có thêm một lớp bảo vệ cần thiết và yên tâm trong quá trình sử dụng dịch vụ ngân hàng số. ACB khuyến cáo khách hàng nhanh chóng cập nhật phiên bản mới trên App Store và Google play, nâng cao tinh thần cảnh giác trước các hành vi lừa đảo trực tuyến sẽ tiếp tục biến hóa và tinh vi hơn.
Khách hàng của ACB đã được khuyến cáo liên tục qua nhiều kênh như Website, Fanpage, Zalo, ứng dụng ACB ONE và email trực tiếp, nhằm hướng dẫn những nguyên tắc an toàn khi giao dịch kênh ngân hàng số.
Khách hàng cập nhật phiên bản ứng dụng ACB ONE từ 3.17.0 trở lên để được cảnh báo các ứng dụng có nguy cơ lừa đảo cao
Tham gia Hội thảo "Bảo vệ tài khoản ngân hàng trước nguy cơ lừa đảo trực tuyến gia tăng" do báo Tuổi Trẻ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tổ chức ngày 19-9, ông Từ Tiến Phát - Tổng Giám đốc ACB - nhấn mạnh nội dung "3 không và 2 nên" để khách hàng tránh bị mất tiền oan. Thứ nhất, người dân không click vào đường link lạ nếu nhận được. Thứ hai là không tải ứng dụng lạ nếu không phải từ nguồn kho ứng dụng chính thống như Google Play hay App Store. Thứ ba, những gì liên quan đến tư vấn đầu tư hay lợi ích tài chính (như trúng thưởng, khuyến mãi) qua điện thoại, mạng xã hội thì không nghe theo vì đa phần là lừa đảo, quấy rối.
Bên cạnh đó, ông Phát cũng đưa ra hai khuyến nghị để người dân phòng tránh lừa đảo. Thứ nhất, người dân nên chủ động đọc, tìm hiểu thông tin từ những thông báo, cảnh báo lừa đảo qua các kênh chính thống như báo chí, thông tin từ ngân hàng để nắm bắt các hình thức lừa đảo mới. Thứ hai, khi tiếp nhận nội dung thông báo tin nhắn, người dân cần chậm lại vài giây để đọc kỹ thông tin thanh toán, không tùy tiện cung cấp mã OTP, vì OTP là chìa khóa cuối của giao dịch thanh toán.
ACB khẳng định "Ngân hàng số vẫn là kênh giao dịch ngân hàng an toàn, tiện lợi, miễn là nắm chắc các nguyên tắc giao dịch an toàn cơ bản để phòng tránh các trường hợp lừa đảo. Đặc biệt, khách hàng cần nâng cao nhận thức về các thủ đoạn mới, được truyền thông liên tục trên báo đài và từ các ngân hàng, để cảnh giác hơn trước đối tượng lừa đảo".
Bình luận (0)