Tại buổi họp báo công bố Báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á 2022 của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) sáng nay 6-4, ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế quốc gia ADB, cơ quan thường trú tại Việt Nam, đánh giá trái phiếu doanh nghiệp (DN) của Việt Nam tăng trưởng rất mạnh trong năm vừa qua. Đây là tín hiệu tốt vì trong thị trường tài chính Việt Nam, trái phiếu DN hiện chưa phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, sự gia tăng quá nhanh trong khi nền tảng cơ sở chưa đáp ứng kịp.
Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam, ông Andrew Jeffries: Việc các trái phiếu doanh nghiệp được xếp hạng theo mức độ rủi ro, theo sức mạnh về tài chính của cơ quan phát hành trái phiếu là rất quan trọng - Ảnh: Dương Ngọc
"Ví dụ như với nhà phát hành, rất nhiều DN đua nhau phát hành trái phiếu DN, kể cả những DN vừa và nhỏ. Tuy nhiên, thông tin về trái phiếu DN và tài sản bảo đảm chưa vững chắc. Còn với nhà đầu tư, không phải nhà đầu tư nào cũng có kinh nghiệm, còn mang tính tâm lý số đông. Có thể thấy ở cả 2 phía, sự sẵn sàng về thông tin, sự chủ động cũng chưa ở mức có thể bảo đảm cho sự phát triển trái phiếu DN bền vững. Ngoài gia, việc đánh giá tín nhiệm của DN phát hành trái phiếu chưa thực sự phát triển"- ông Cường phân tích.
Theo chuyên gia này, trong bối cảnh đó, một mặt vẫn nên khuyến khích phát triển của trái phiếu DN vì đây là một kênh huy động vốn trung và dài hạn rất hiệu quả. Tuy nhiên, mặt khác cũng cần nhanh chóng xây dựng hệ thống pháp lý cũng như kỹ năng, kiến thức của cả người phát hành cũng như nhà đầu tư để có thể phát triển được thị trường trái phiếu DN.
Trước câu hỏi về trường hợp hủy bỏ phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp thuộc tập đoàn Tân Hoàng Minh, Chuyên gia kinh tế quốc gia của ADB Việt Nam cho biết ông không có câu trả lời cụ thể mà sẽ đưa ra những phân tích mang tính vĩ mô. Ông Nguyễn Minh Cường cho rằng từ khi Việt Nam bắt đầu mở cửa đến thời gian gần đây, một trong những cải cách quan trọng được tập trung là cải cách DN Nhà nước. Gần đây, khi Việt Nam trở thành một nước thu nhập trung bình, DN tư nhân phát triển mạnh, có các tập đoàn lớn bắt đầu xuất hiện. Thị trường sẽ bị tác động không những bởi các DN Nhà nước mà có thể bị ảnh hưởng bởi DN tư nhân.
"Hiện nay, điều quan trọng nhất với Việt Nam là tập trung bảo đảm một thị trường cạnh tranh lành mạnh, cho dù là DN Nhà nước hay DN tư nhân. Bên cạnh việc cải cách DN Nhà nước vốn hết sức quan trọng, xu hướng tập trung vào quản lý thị trường, đặc biệt là hạn chế sự thao túng thị trường của các tập đoàn lớn cũng rất quan trọng"- Chuyên gia Nguyễn Minh Cường nhấn mạnh.
Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam, ông Andrew Jeffries bổ sung thêm: Chúng tôi nhận thấy có sự thiếu văn hoá về xếp hạng tín nhiệm đối với thị trường phát hành trái phiếu DN. ADB đang làm việc với các cơ quan xếp hạng tín nhiệm trong nước và quốc tế. Chúng tôi mong muốn tìm kiếm nhiều hỗ trợ hơn trong lĩnh vực này. "Việc các trái phiếu DN được xếp hạng theo mức độ rủi ro, theo sức mạnh về tài chính của cơ quan phát hành trái phiếu là rất quan trọng"- ông nhấn mạnh.
Trước đó, chiều ngày 4-4, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã công bố thông tin huỷ bỏ 9 đợt chào bán trái phiếu của các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Theo đó, 3 công ty thành viên của Tập đoàn Tân Hoàng Minh, gồm Công ty TNHH đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt, Công ty cổ phần Cung điện Mùa Đông và Công ty cổ phần đầu tư và dịch vụ khách sạn Soleil đã thực hiện 9 đợt chào bán trái phiếu riêng lẻ để huy động vốn với tổng trị giá 10.030 tỉ đồng từ tháng 7-2021 đến tháng 3-2022. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đã có hành vi công bố thông tin sai sự thật, che giấu thông tin khi phát hành trái phiếu riêng lẻ.
Dự báo tăng trưởng 6,5% năm 2022
Kinh tế Việt Nam dự kiến phục hồi ở mức 6,5% trong năm nay, và tăng trưởng mạnh mẽ hơn ở mức 6,7% trong năm 2023, do tỷ lệ tiêm chủng cao, đẩy mạnh thương mại và tiếp tục thực hiện các chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng, một báo cáo mới được công bố ngày 6-4 của ADB.
Báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á 2022 cũng nêu rõ những rủi ro trong ngắn hạn có thể cản trở sự phục hồi của kinh tế Việt Nam. Tình trạng nhiễm Covid-19 cao kể từ giữa tháng 3, nếu không được giảm bớt, có thể cản trở sự quay trở lại trạng thái bình thường của nền kinh tế trong năm nay. Nền kinh tế toàn cầu phục hồi chậm lại và giá dầu thế giới tăng mạnh do Nga xâm lược U-crai-na sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu và lạm phát của Việt Nam. Sự phục hồi cũng phụ thuộc vào việc Chính phủ triển khai nhanh chóng và hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển kinh tế.
Bình luận (0)