30 năm đồng hành
Trải qua gần 30 năm gắn bó, đồng hành cùng nông nghiệp, nông thôn và nông dân, Agribank đã khẳng định vai trò ngân hàng thương mại lớn nhất Việt Nam trên nhiều phương diện. Tính đến cuối tháng 9-2016, tổng tài sản của Agribank đạt 980.000 tỉ đồng, tổng nguồn vốn 890.000 đồng, tổng dư nợ tín dụng 720.000 tỉ đồng. Trong đó, tỉ lệ cho vay nông nghiệp nông thôn luôn chiếm 70% trên tổng dư nợ của Agribank và chiếm trên 50% tổng dư nợ của toàn ngành ngân hàng đầu tư cho “tam nông”.
Từ 11 xã được chọn thí điểm mô hình nông thôn mới, với dư nợ ban đầu 336 tỉ đồng và 8.293 khách hàng vào năm 2011, sau 5 năm triển khai, Agribank đã cho vay xây dựng nông thôn mới đến 8.985 xã trên tổng số hơn 9.000 xã trong cả nước. Dư nợ cho vay gần 280.000 tỉ đồng, với trên 2,5 triệu khách hàng, khẳng định vị thế hàng đầu hệ thống tổ chức tín dụng trong việc triển khai chương trình.
Đặc biệt, để đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới trong tình hình mới, tháng 8-2016, Agribank đã chủ động ký thỏa thuận với Văn phòng Điều phối nông thôn mới trung ương về việc hợp tác trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 với một số nội dung về hỗ trợ vốn tín dụng gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; đầu tư hỗ trợ các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, mô hình chuỗi giá trị... Trên nền tảng hợp tác chặt chẽ từ năm 1997 với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, đến nay, hệ thống tổ vay vốn của Agribank đã được triển khai tại 53 chi nhánh với 35.935 tổ vay vốn đang hoạt động, trên 939.000 thành viên tham gia, tổng dư nợ tổ vay vốn quản lý 44.400 tỉ đồng, nợ xấu chỉ chiếm 0,2%.
Nguồn vốn của Agribank cho vay xây dựng nông thôn mới chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực: chi phí sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp; sản xuất công nghiệp, thương mại và dịch vụ phi nông nghiệp; cho vay tiêu dùng trên địa bàn nông thôn; kinh doanh sản phẩm, dịch vụ phục vụ nông, lâm, diêm nghiệp và thủy sản... Trong đó, trên 70% tổng dư nợ cho vay nông thôn mới dành cho đầu tư sản xuất, chế biến. Với vai trò trung gian tín dụng, Agribank đã có những đóng góp nhất định vào sự thành công của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giải quyết vấn đề việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, cải thiện đời sống của người dân ở khu vực nông thôn, giúp họ tự vươn lên xóa đói giảm nghèo.
Kiên định mục tiêu
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và phát động phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016-2020, Chủ tịch HĐTV Agribank Trịnh Ngọc Khánh cam kết tiếp tục chủ động chuẩn bị đầy đủ nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu cho vay nông nghiệp, nông thôn; quan tâm đến việc đổi mới phương thức cho vay, cải tiến quy trình, đơn giản thủ tục cho vay, tiết kiệm chi phí cho vay để hạ lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng. Đồng thời, Agribank đưa ra một số kiến nghị nhằm tháo gỡ những “nút thắt, cụ thể như quan tâm triển khai có hiệu quả nội dung phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nghề, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn bởi 5 năm qua, dù tích cực triển khai song kết quả chưa đạt được như kỳ vọng. Người nông dân vẫn sản xuất manh mún, nhỏ lẻ của kinh tế hộ, sản phẩm nông nghiệp chất lượng thấp, giá thành cao, không thương hiệu và chưa thoát khỏi điệp khúc “được mùa rớt giá”. Nhà nước cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ, tuyên truyền quảng cáo để tạo thương hiệu quốc gia cho các sản phẩm nhằm hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm; phát triển và mở rộng chính sách bảo hiểm cho nông nghiệp và nông thôn, trong đó có bảo hiểm tín dụng như mở rộng chính sách cho vay không có tài sản bảo đảm trong nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, tách bạch rõ ràng giữa tín dụng chính sách với tín dụng thương mại...
Bình luận (0)