Thiết lập nền tảng
Năm 2016, Agribank đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu tái cơ cấu giai đoạn 2013-2015 và bắt đầu chuyển sang thực hiện Đề án chiến lược kinh doanh giai đoạn 2016-2020. Agribank hoạt động chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, đối tượng cho vay nhỏ lẻ nên chi phí món vay lớn, trong khi rủi ro cao do sản xuất nông nghiệp manh mún, lạc hậu. Mặc dù vậy, Agribank luôn bảo đảm đủ vốn với lãi suất ưu đãi phục vụ cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Hiện có gần 4 triệu khách hàng vay vốn Agribank thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên, 7 chính sách tín dụng, 1 chương trình mục tiêu quốc gia là xây dựng nông thôn mới. Mỗi năm, Agribank giảm thu tài chính khoảng 3.000 tỉ đồng do áp dụng chính sách lãi suất ưu đãi cho các đối tượng “Tam nông” nhưng không có cấp bù của nhà nước, không được vay tái cấp vốn. Agribank thực hiện hỗ trợ lãi suất 7%/năm đối với khu vực nông nghiệp và nông thôn, đồng thời chủ động đưa ra các chương trình tín dụng ưu đãi điển hình như nông nghiệp sạch hay các gói tín dụng hỗ trợ khác với lãi suất 5%/năm... Chương trình tín dụng ưu đãi quy mô 50.000 tỉ đồng phục vụ sản xuất “Nông nghiệp sạch” đang triển khai cũng bằng vốn tự huy động thương mại của Agribank…
Việc duy trì lợi nhuận 4.000 tỉ đồng năm 2016 cũng đồng nghĩa với việc Agribank xác định “chịu đau” để xử lý tồn tại của ngân hàng, thực hiện chỉ đạo của thống đốc Ngân hàng Nhà nước hy sinh lợi ích ngắn hạn cho mục đích dài hạn, thực hiện trích lập dự phòng rủi ro. Agribank kiên quyết xử lý nghiêm túc các trường hợp sai phạm; xử lý cơ bản nợ xấu. Trong giai đoạn tái cơ cấu, Agribank đã khởi kiện ra tòa án dân sự các cấp 6.591 vụ việc. Hiện đã có 3.328 bản án có hiệu lực pháp luật đang chờ cơ quan thi hành án các cấp xem xét thi hành; còn đến 3.262 vụ việc đang chờ giải quyết tại tòa án các cấp.
Agribank đặt trọng tâm năm 2017 là kiên quyết xử lý các khoản nợ xấu.
Đáp ứng các tỉ lệ an toàn
Một số chỉ tiêu kinh doanh cơ bản năm 2017 được ban lãnh đạo Agribank thông qua là nguồn vốn và dư nợ tín dụng tăng trưởng từ 14%-18%; tỉ trọng cho vay nông nghiệp, nông thôn khoảng 70%; thu dịch vụ tăng 20%; lợi nhuận tăng tối thiểu 10%...
Agribank do nhà nước sở hữu 100% vốn, việc tăng vốn điều lệ là bài toán khó giải quyết khi kinh tế khó khăn. Thực tế cho thấy trước đây, Agribank là ngân hàng dẫn đầu về vốn điều lệ trong toàn ngành, tuy nhiên, sau khi các ngân hàng khác cổ phần hóa thì Agribank lại tụt xuống đứng hàng cuối trong 4 ngân hàng thương mại nhà nước. Điều này ảnh hưởng đến việc tuân thủ các tỉ lệ an toàn hoạt động, kết quả xếp hạng, khả năng huy động vốn từ các quỹ trong và ngoài nước cũng như triển khai các hoạt động kinh doanh khác.
Để nâng cao năng lực tài chính, đáp ứng các tỉ lệ an toàn hoạt động theo quy định và hướng tới thông lệ quốc tế, Agribank đang trình Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Chính phủ phê duyệt đề án tăng vốn điều lệ và xây dựng phương án cổ phần hóa trong giai đoạn 2017-2020. Trong thời gian chờ phê duyệt, Agribank đã và đang tập trung mọi nguồn lực để triển khai đề án Chiến lược kinh doanh giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2030 với một số nhiệm vụ chủ yếu như: tập trung giải quyết tồn tại, vướng mắc, xử lý thu hồi nợ xấu, bảo đảm công khai; triển khai phương án kinh doanh, nâng cao năng lực tài chính, phương án áp dụng tiêu chuẩn Basel II theo lộ trình; thực hiện các bước chuẩn bị cần thiết để sẵn sàng thực hiện phương án cổ phần hóa ngay sau khi được phê duyệt, trong đó có việc thuê tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp và các thủ tục cần thiết khác. Đặc biệt, việc minh bạch hóa, cung cấp các thông tin hoạt động, báo cáo tài chính... được ban lãnh đạo đặc biệt quan tâm nhằm tăng cường niềm tin, thu hút các nhà đầu tư khi thực hiện cổ phần hóa, chuyển đổi mô hình hoạt động phù hợp với điều kiện thị trường...
70% cho vay trong nông nghiệp, nông thôn
Năm 2015, Agribank đạt 3.700 tỉ đồng lợi nhuận thì năm 2016 đạt trên 4.000 tỉ đồng. Tổng tài sản chính thức đạt 1 triệu tỉ đồng, nguồn vốn trên 924.000 tỉ đồng, tổng dư nợ nền kinh tế đạt trên 791.000 tỉ đồng, trong đó tỉ lệ cho vay nông nghiệp, nông thôn luôn chiếm 70%/tổng dư nợ của Agribank và chiếm 51% tổng dư nợ của toàn ngành ngân hàng đầu tư cho lĩnh vực này. Thu dịch vụ tăng 19,2% so với năm 2015. Nợ xấu giảm về mức 1,89%.
Bình luận (0)