Theo phản ánh của nhóm khách hàng liên quan trên mạng xã hội, có khoảng 2.000 vé khuyến mại, trong đó nhiều vé 0 đồng, đã được bán qua website của Air France. Nhiều khách hàng ở Việt Nam và Pháp đã mua được vé khứ hồi giữa Việt Nam và Pháp bao gồm cả phí sân bay là khoảng 5 triệu đồng, trong khi bình thường phải mất tới 20 triệu đồng. Tuy nhiên, vé mở bán ngày 14-2 thì ngày 15-2, Air France gửi thư đến email của khách với nội dung "hồ sơ đặt chỗ bị hủy vì vấn đề tải giá lên hệ thống bị lỗi" và cam kết "bồi hoàn cho quý khách trong thời gian sớm nhất".
Có khách hàng cho biết đã bay một chiều từ Pháp về Việt Nam bằng vé siêu rẻ này và bị hủy chiều Việt Nam đến Pháp. Đối với những hành khách chưa bay, không những tiếc một chuyến đi châu Âu giá rẻ bất thành mà còn lo ngại không được hoàn tiền thuế sân bay đã thanh toán cùng với giá vé (theo thông lệ, các hãng hàng không thu hộ thuế sân bay khi bán vé, sau đó chuyển trả cho cơ quan thụ hưởng).
Trả lời báo chí về sự cố này, bà Delphine Buglio, Trưởng đại diện Air France tại Việt Nam, cho biết nguyên nhân sự việc trên là do lỗi kỹ thuật dẫn tới việc hiển thị giá vé sai trên phiên bản điện thoại của trang Air France ở Việt Nam và Indonesia vào ngày 14-2. Giá vé được hiển thị là "0 + thuế", tương ứng với loại vé thưởng thường chỉ bán cho các thành viên của Flying Blue (khách hàng thường xuyên) đã tích lũy đủ dặm nhận thưởng. Đối với những khoản chi phí không thể bồi hoàn mà hành khách đã thanh toán trước khi hãng hủy vé có thể được hãng hoàn trả với điều kiện cụ thể. Dự kiến, khách hàng sẽ nhận được tiền hoàn trả vào tài khoản trong khoảng 2-3 tuần làm việc.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho biết đến nay (22-2), chưa có cá nhân, đơn vị nào liên quan vụ việc trên liên hệ với cục để khiếu nại. Khi người bị hại liên hệ chính thức, cục sẽ có trách nhiệm hỗ trợ bằng cách gửi văn bản đến Air France đề nghị cho biết cách giải quyết vì đây là vấn đề liên quan đến công dân Việt Nam. Trong thẩm quyền của nhà chức trách hàng không, Cục Hàng không Việt Nam chỉ có thể gửi công văn liên hệ với Cục Hàng không Pháp đề nghị cho biết hướng giải quyết nhằm bảo đảm quyền lợi của người mua vé.
Cũng theo Cục Hàng không, Việt Nam không quản lý trần vé máy bay trên các đường bay quốc tế mà chỉ có thể can thiệp trong 3 trường hợp: hãng hàng không bán phá giá; bán giá quá thấp hoặc bán giá quá cao. Đây là 3 trường hợp được Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) tổng kết trong thực tiễn thị trường và đưa ra khuyến cáo đối với các thành viên. Cơ quan hàng không các nước đều rất quan tâm đến khuyến cáo này, đặc biệt là những nước đã hoạt động theo cơ chế thị trường. Tại Việt Nam, chưa từng xảy ra cả 3 tình huống nêu trên.
"Về nguyên tắc, không có quy định của pháp luật cụ thể đối với từng trường hợp tương tự như đã xảy ra đối với khách hàng mua vé khuyến mại của Air France. Vé máy bay được coi như hợp đồng mua bán giữa hành khách và hãng hàng không. Nếu hành trình bay không được thực hiện như dự kiến, thỏa thuận bồi thường không được thống nhất giữa 2 bên thì phía bị hại có thể giải quyết bằng biện pháp hòa giải hoặc kiện ra tòa. Tuy nhiên, nếu kiện ra tòa có thể sẽ tốn nhiều thời gian, tiền bạc nếu nguyên đơn thua kiện" - đại diện cơ quan này nói.
Bình luận (0)