Bộ Công Thương đang lấy ý kiến dự thảo sửa đổi quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện với thời hạn áp dụng dự kiến từ ngày 1-7-2013.
Cải tạo hệ thống đường dây tải điện trên đường Lê Lai, quận 1, TP HCM. Ảnh: HỒNG THÚY
Không bù lỗ chéo cho sắt thép, xi măng
Theo kết quả kiểm toán, chỉ riêng năm 2010, sản lượng điện tiêu thụ của ngành thép, xi măng lên tới gần 9,5 tỉ KWh, chiếm hơn 11% điện thương phẩm của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Giá bán điện bình quân cho doanh nghiệp (DN) thép, xi măng là 914 đồng/KWh trong khi giá bán điện bình quân là 1.183 đồng/KWh, còn giá điện sinh hoạt ở mức gần 1.400 đồng/KWh. Ngành điện đã phải bù lỗ 2.547 tỉ đồng cho ngành thép, xi măng. Gánh nặng đè lên giá điện sinh hoạt vì hiện nay, giá điện sản xuất thấp hơn giá điện sinh hoạt do chính sách không khuyến khích người dân sử dụng nhiều điện.
Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA), cho biết hệ số đàn hồi điện/GDP của Việt Nam hiện nay là 2,5 trong khi nhiều nước khu vực chưa tới 1, chứng tỏ nước ta sử dụng điện còn lãng phí và kém hiệu quả. Việt Nam cần tiêu hao 3-4 KWh điện mới sản sinh 1 đơn vị GDP trong khi tỉ lệ cân bằng là 1-1. Về sản lượng tiêu thụ, điện sản xuất chiếm 70% và tiêu tốn năng lượng nhiều nhất là ngành thép, xi măng. Một nhà máy thép “ăn” điện bằng hàng trăm nhà máy công nghiệp nhẹ nên áp giá điện cao cho ngành thép, xi măng là cần thiết.
Theo ông Ngãi, việc cơ cấu lại biểu giá điện hay điều chỉnh giá điện là cần thiết nhưng ngành điện phải công khai giá thành, giá bán để người dân biết. Hiện ngành điện đang phải bán thấp hơn giá thành, Chính phủ đã đồng ý có lộ trình tăng giá nhưng mỗi khi tăng giá điện lại bị xã hội phản ứng do thiếu công khai, minh bạch. Đặc biệt, ngành điện cũng chưa nỗ lực tiết giảm giá thành biểu hiện ở tỉ lệ tổn thất điện năng cao, nhân lực lớn làm phình quỹ lương…
Lo chi phí đầu vào tăng
Trước thông tin này, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đã phản ứng. Ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó Chủ tịch VSA, cho rằng thép là ngành công nghiệp quan trọng, không thể “phân biệt đối xử” như các ngành sản xuất khác. “Thép đang tồn kho nhiều, DN đang lỗ, nếu phải chịu giá điện cao thì không khác nào giết chết ngành công nghiệp quan trọng này” - ông Nghi nhấn mạnh.
Nhiều DN sản xuất thuộc các ngành nghề khác cũng e ngại việc tăng giá điện sẽ càng gây sức ép làm tăng chi phí đầu vào, trong khi thị trường đang bí đầu ra. Ông Phạm Xuân Hồng, Tổng Giám đốc Công ty CP May Sài Gòn 3, lo lắng tăng giá điện không chỉ là chuyện DN phải đóng thêm tiền điện mỗi tháng, tăng chi phí đầu vào mà còn khiến giá cả tất cả nguyên phụ liệu đầu vào khác như sợi, vải, miếng lót… đều tăng theo. “Khi đó, chi phí bình quân của DN sẽ bị đội lên bởi khâu sản xuất nào cũng cần điện. Đây mới là điều DN… ngán nhất!” - ông Hồng nói.
Chưa hợp lý! Theo đề xuất của Bộ Công Thương, đối tượng được giảm giá điện tính theo giá bình quân là đơn vị hành chính sự nghiệp (giảm 1%), chiếu sáng công cộng (giảm 2%), kinh doanh (giảm 2%-8%). Điện sinh hoạt sẽ được tính theo 6 bậc thang, bậc đầu giảm tới 20% và tăng 6% ở bậc từ 201-300 KWh, tăng 7% ở các bậc 401 KWh trở lên. Theo ông Trần Viết Ngãi, việc tăng giá điện sản xuất nhưng lại giảm giá ở đơn vị hành chính sự nghiệp là chưa hợp lý. Các công sở rất lãng phí điện, lẽ ra phải tăng giá ở đối tượng mua điện này. Trong khi đó, tăng giá điện sản xuất sẽ làm tăng giá đầu vào của DN, gây sức ép tăng giá thành sản phẩm, tác động đến chỉ số giá tiêu dùng và “đánh” vào túi tiền người dân. |
Bình luận (0)