Theo báo cáo từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), kết quả xuất khẩu (XK) gạo tháng 3 đạt 583.294 tấn, trị giá FOB 256,184 triệu USD, giá xuất khẩu bình quân FOB 439,2 USD/tấn (giá bình quân tăng 29,89 USD/tấn so với tháng trước). So với cùng kỳ năm ngoái, số lượng giảm 17,07%, trị giá FOB giảm 17,21%, giá bình quân giảm 0,75 USD/tấn. Lũy kế XK quý I đạt 1,219 triệu tấn, trị giá FOB 529,777 triệu USD, giá bình quân FOB đạt 434,67 USD/tấn (so với cùng kỳ năm ngoái số lượng giảm 15,41%, trị giá FOB giảm 16,9%, giá bình quân giảm 7,77 USD/tấn).
Thị trường phập phù
XK tháng 3 vượt kế hoạch đã đề ra nhưng lũy kế XK 3 tháng giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chính do tồn kho thấp, chưa đến vụ thu hoạch chính, nên nguồn cung cấp hạn chế, giá nội địa cao, thiếu cạnh tranh trong khi giá thị trường thế giới sụt giảm.
Thị trường XK trong quý I chủ yếu từ Trung Quốc chiếm trên 40%, Philippines chiếm 31%, còn lại phần lớn là châu Mỹ và châu Phi. Riêng thị trường châu Mỹ, Cuba giảm trên 51% nhưng thị phần Mexico tăng đáng kể và đang có tiềm năng phát triển, trong khi châu Phi sụt giảm mạnh đến gần 63% so với cùng kỳ 2013.
Giá gạo XK giao dịch ổn định trong tháng 1 và đầu tháng 2, loại 5% tấm ở mức từ 405-410 USD/tấn, sau đó giảm dần đến cuối tháng 3 còn 390 USD/tấn. Chủ yếu do cung cấp hạn chế và giá nội địa cao vào đầu quý I, từ tháng 2 bắt đầu thu hoạch vụ đông xuân nên giá giảm dần nhưng vẫn còn ổn định do XK biên giới hút hàng và thực hiện mua tạm trữ.
Hiện giá lúa khô tại ruộng loại hạt dài từ 4.750-5.950 đồng/kg, lúa từ 4.450-5.525 đồng/kg. Giá lúa khô tại kho doanh nghiệp loại hạt dài từ 5.100-6.050 đồng/kg, lúa thường từ 4.800-5.625 đồng/kg.
Cú hít từ Philippines
Thái Lan đã khôi phục thị trường và trở thành nguồn cung cấp giá thấp nhất trong các nguồn cung cấp. Thái Lan bán cho Malaysia 200.000 tấn gạo 5% với giá 385 USD/tấn, mặc dù thông tin chưa được xác nhận. Thông tin khác là Philippines đấu thầu mua 800.000 tấn gạo 15% tấm vào ngày 15-4 tới và thị trường đang chờ xem cuộc chiến giữa Thái Lan và Việt Nam. Thái Lan có ưu thế giá thấp, cùng với tồn kho gạo mới của tư nhân và chính phủ, dễ dàng cung cấp đủ 800.000 tấn.
Thách thức duy nhất đối với Việt Nam có thể đến từ thị trường nguyên liệu trong nước giá cao và rất nhạy cảm với tin tức trên. Ấn Độ và Pakistan giá cao khó cạnh tranh với Thái Lan và Việt Nam. Các nhóm tổ chức từ Ấn Độ và Pakistan khó hỗ trợ giao hàng với số lượng lớn. Áp lực giá thấp của Thái và chào hàng của Việt Nam sẽ kéo giá thị trường xuống và Philippines được hưởng lợi.
Việt Nam đang kẹt giữa áp lực giữa thị trường truyền thống để bán ra và áp lực giá cao trong nước. Để đạt được mục tiêu trúng thầu Philippines, các doanh nghiệp sẽ chịu rủi ro nhiều vì phải chào giá thấp, trong khi chưa xác định được xu hướng giá cho giao hàng đến tháng 8. Gạo 15% tấm đấu thầu có nhu cầu nhiều từ thị trường Trung Quốc nên giá trong nước tăng, bất lợi cho Việt Nam.
VFA đã triển khai phân bổ chỉ tiêu mua tạm trữ lúa gạo vụ đông xuân cho 133 doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Kết quả mua tạm trữ tính đến tháng 3 đạt 349.267 tấn quy gạo, đạt 34,93% kế hoạch. Trong tháng 4 này, đoàn kiểm tra liên ngành (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước, UBND các tỉnh và VFA) sẽ tiến hành kiểm tra, giám sát quá trình mua tạm trữ lúa, gạo tại các địa phương.
Bình luận (0)