Việc Tập đoàn Apple (Mỹ) xúc tiến đầu tư cho thấy tiềm năng thu hút vốn ngoại vào lĩnh vực công nghệ cao của Việt Nam hiện rất lớn.
Dự án “khó hiểu”
Trong danh mục các dự án nhà đầu tư đang tìm hiểu cơ hội đầu tư/chuẩn bị thủ tục đầu tư của UBND TP Hà Nội có dự án của Công ty Apple Inc. Cụ thể, dự án này xây dựng trung tâm cơ sở dữ liệu phục vụ khu vực châu Á với tổng vốn đăng ký 1 tỉ USD, đang ở giai đoạn giới thiệu địa điểm và hướng dẫn nhà đầu tư hoàn thành thủ tục.
Cuối năm 2015, Apple đã lập Công ty TNHH Apple (Apple Vietnam LLC), trụ sở tại TP HCM, do ông Gene Daniel Leveff, thành viên cấp cao của tập đoàn, phụ trách. Một lãnh đạo Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP HCM cho biết trong năm 2014 và 2015, Apple từng tới đây tìm hiểu môi trường đầu tư. Như vậy, ý định đầu tư của tập đoàn này vào Việt Nam đã có khá lâu.
GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) đầu tư nước ngoài, cho rằng thông tin Apple rót 1 tỉ USD vào Việt Nam là hoàn toàn có thể, nhất là khi các tập đoàn lớn khác trong làng công nghệ như Microsoft, Samsung, Intel… đã vào đây từ nhiều năm trước. Nếu Apple vào Việt Nam, sẽ mở ra cơ hội thu hút thêm nhiều nhà đầu tư khác.
Chỉ tính trong 2 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cấp mới và tăng thêm vào Việt Nam hơn 2,8 tỉ USD, tăng 135% so với cùng kỳ năm trước. Tin vui trong quý I/2016, bên cạnh đổ vào bất động sản còn có dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào lĩnh vực công nghệ cao. “Không phải họ vào đây vì thị trường nội địa mà có lẽ các tập đoàn đánh giá nguồn nhân lực của Việt Nam đáp ứng được yêu cầu cho các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D). Đây là điều đáng mừng” - GS Nguyễn Mại nhận định.
Tuy nhiên, xung quanh dự án của Apple ở Việt Nam có những suy luận khác nhau. Trung tâm cơ sở dữ liệu phục vụ khu vực châu Á của Apple với tổng vốn đầu tư 1 tỉ USD được giới công nghệ cho là “khó hiểu”. Lãnh đạo một DN về công nghệ phân tích, một trung tâm R&D hoặc trung tâm cơ sở dữ liệu quy mô khoảng vài trăm triệu USD đã là khổng lồ.
Những trung tâm này thường được xây dựng để phục vụ cho hoạt động sản xuất quy mô lớn của DN tại thị trường nội địa, trong khi Apple chưa có nhà máy sản xuất điện thoại, máy tính nào ở Việt Nam. Đối tác sản xuất linh kiện chính cho các sản phẩm của Apple là Foxconn đã đầu tư ở Việt Nam nhưng với quy mô rất nhỏ.
Một suy đoán khác, năm 2015, Compal - một tập đoàn chuyên gia công thiết bị điện tử, điện thoại di động cho các hãng điện tử lớn trên thế giới - công bố sẽ tiếp tục triển khai dự án sản xuất máy tính ở Vĩnh Phúc. Dự án này được cấp phép từ năm 2007 với vốn đầu tư 200 triệu USD nhưng sau đó gần như không triển khai. Khi Compal thông tin về việc sẽ hợp tác với một đối tác Mỹ để tiếp tục dự án sản xuất điện thoại di động, nhiều đồn đoán trong giới công nghệ cho rằng đối tác này là Apple. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng suy đoán này cũng không có cơ sở do nhà máy Compal ở Vĩnh Phúc có quy mô quá nhỏ.
Như vậy, cả 2 suy luận nêu trên đều có vẻ chưa hợp lý.
Cần nhanh chóng tận dụng cơ hội
Ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, cho rằng bước tiếp theo của cơ quan quản lý Việt Nam lúc này là tạo mọi điều kiện thuận lợi cho Apple. Có thể nhà đầu tư đang chần chừ, chưa đặt vấn đề chính thức nhưng Việt Nam cần tận dụng cơ hội này bởi dự án phù hợp với mục tiêu thu hút vốn ngoại trong lĩnh vực công nghệ cao.
Theo GS Nguyễn Mại, trong những năm qua, Việt Nam đã bỏ ra hàng triệu USD thành lập và vận hành các phòng thí nghiệm quốc gia nhưng do cơ chế không tốt nên không hiệu quả. Nay, nhiều tập đoàn nước ngoài đến Việt Nam đầu tư các nhà máy sản xuất và lập các trung tâm R&D là cơ hội rất lớn giúp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho nước ta. Đáng kể như Samsung đầu tư một trung tâm R&D trị giá 300 triệu USD với khoảng 1.600 nhân lực đã được triển khai ở Hà Nội, dự kiến nhân lực ở đây sẽ tăng lên 4.000 người trong vài năm tới.
Một trung tâm R&D khác của tập đoàn này cũng sẽ triển khai ở TP HCM cùng dự án 2 tỉ USD xây nhà máy sản xuất hàng điện tử, gia dụng… Hay trung tâm R&D tại TP HCM của Công ty TNHH Bosch Việt Nam đang có hơn 1.600 kỹ sư chất lượng cao và dự kiến sẽ tăng lên hơn 2.000 người vào năm 2020. “Cái được lớn nhất từ các dự án công nghệ cao ở Việt Nam chính là giúp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao” - ông Nguyễn Mại nhìn nhận.
Cơ hội phát triển công nghiệp phụ trợ
Theo ông Phan Hữu Thắng, dù đã có hàng loạt dự án tỉ USD ở Việt Nam nhưng do ngành công nghiệp phụ trợ trong nước quá yếu nên DN nội địa chưa tham gia được vào chuỗi sản xuất toàn cầu của các tập đoàn. Do đó, với những dự án công nghệ cao trong tương lai, phía Việt Nam nên có cam kết với nhà đầu tư là họ sẽ hỗ trợ DN nội địa tham gia chuỗi sản xuất bằng những chính sách, chương trình cụ thể.
Bình luận (0)