Theo thông tin từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Công ty Cổ phần nước mặt sông Đuống đã có những thay đổi lớn về mặt nhân sự. Cụ thể, bà Đỗ Thị Kim Liên (tức Shark Liên) hiện không còn là Tổng giám đốc của doanh nghiệp này, thay vào đó là doanh nhân sinh năm 1980 tên Tạ Đức Hoàng.
Bà Đỗ Thị Kim Liên S(hark Liên) đã rời ghế Tổng giám đốc Công ty Cổ phần nước mặt sông Đuống
Trong lần thay đổi đăng ký kinh doanh gần nhất, ông Tạ Đức Hoàng hiện là Tổng giám đốc, đồng thời là thành viên Hội đồng quản trị.
Mặc dù rời vị trí Tổng giám đốc nhưng Shark Liên vẫn giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty.
Tính đến thời điểm hiện tại, vốn điều lệ của Công ty cổ phần nước mặt Sông Đuống là 999,6 tỉ đồng, trong đó WHAUP (SG) 2DR PTE.LIMITED là tổ chức nước ngoài nắm giữ 34% vốn.
Trong danh sách người quản lý khác của Công ty Cổ phần nước mặt sông Đuống cũng có những sự thay đổi, đặc biệt xuất hiện các cá nhân có quốc tịch Thái Lan. Cụ thể, ông Wisate Chungwatana (SN 1967, Thành viên Hội đồng quản trị); ông Vivat Jiratikarnsakil (SN 1956, Thành viên Hội đồng quản trị); bà Jareeporn Jarukornsakul (SN 1967, Thành viên Hội đồng quản trị) và ông Natthapatt Tanboon-Ek (SN 1975, Thành viên Ban Kiểm soát).
Theo đăng ký mới nhất, doanh nghiệp này chỉ tập trung vào một lĩnh vực kinh doanh duy nhất là khai thác, xử lý và cung cấp nước sạch.
Nhà máy nước mặt sông Đuống vướng lùm xùm về giá bán nước thời gian gần đây
Các cổ đông sáng lập của Công ty Cổ phần nước mặt sông Đuống là Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội (10%), Công ty TNHH MTV Ứng dụng công nghệ mới và du lịch (5%), Công ty cổ phần đầu tư Việt Nam - Oman (27%) và Công ty cổ phần nước Aqua One (58%).
Sau đó, cơ cấu cổ đông đã có những thay đổi trong quá trình triển khai dự án. Tỉ lệ sở hữu vốn điều lệ của Công ty cổ phần nước Aqua One đã tăng lên 51% và có thêm cổ đông mới là WHAUP (SG) 2DR PTE. LIMITED với tỉ lệ sở hữu vốn điều lệ lên tới 34%.
WHAUP (SG) 2DR PTE.LIMITED là thành viên Tập đoàn WHA, một tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực logistics và các giải pháp tiện ích công nghiệp, năng lượng.
Thời gian qua, thông tin Hà Nội chấp thuận giá bán nước sạch tối đa Nhà máy Sông Đuống là 10.246 đồng/m3, lộ trình tăng giá tối đa 7%/năm khiến người dân vô cùng băn khoăn.
Theo ông Nguyễn Việt Hà, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội, giá bán sỉ nước của các nhà máy trên địa bàn Hà Nội chênh nhau lớn là vì công nghệ khác nhau, dẫn đến suất đầu tư khác nhau. Suất đầu tư khác nhau, chất lượng nước thô đưa vào sản xuất nước sạch khác nhau nên chi phí sản xuất khác nhau.
Khi đầu tư Nhà máy Nước mặt Sông Đuống, chủ đầu tư phải vay 3.998 tỉ đồng (tương đương 80%), chi phí lãi vay được tính vào giá nước. Chi phí lãi vay trong giai đoạn đầu tư được tính vào tổng vốn đầu tư dự án và sau giai đoạn đầu tư được tính vào giá thành nước. Ước tính chi phí lãi vay chiếm khoảng 20% giá thành, tương đương 2.103 đồng/m3; chi phí khấu hao khoảng 2.100 đồng/m3.
Trong khi đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định TP chưa mất một đồng nào bù giá cho nước sạch sông Đuống và chắc chắn là không bao giờ bù giá cho doanh nghiệp.
"Tôi khẳng định là không có lợi ích nhóm nào ở đây cả. TP làm mọi cách, tạo mọi điều kiện để các nhà đầu tư vào lĩnh vực này giải quyết cấp bách vấn đề nước sạch cho người dân. Không chỉ Nhà máy Nước mặt Sông Đuống, mà tất cả các nhà đầu tư nước ngoài hay trong nước ở các lĩnh vực đều được coi trọng và tạo mọi điều kiện" - Chủ tịch UBND TP Hà Nội nói.
Bình luận (0)