xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bạc Liêu hướng đến năng lượng sạch

Bài và ảnh: Duy Nhân

Dứt khoát từ chối tất cả dự án nhiệt điện, Bạc Liêu mở rộng vòng tay chào đón hợp tác đầu tư năng lượng tái tạo với nhà đầu tư trong và ngoài nước

Sau nhà máy điện gió có quy mô lớn nhất nước đã đi vào hoạt động, tỉnh Bạc Liêu vừa hợp tác với Group SY (một tập đoàn của Hàn Quốc) triển khai nhà máy điện mặt trời có tổng công suất 300 MW với vốn đầu tư hơn 10.000 tỉ đồng.

Dư luận đồng tình

Gần đây, dư luận trong và ngoài tỉnh Bạc Liêu rất đồng tình với việc lãnh đạo địa phương này chủ động kiến nghị trung ương loại bỏ quy hoạch dự án Nhà máy Nhiệt điện Cái Cùng, thuộc địa bàn 2 huyện Đông Hải và Hòa Bình. Đồng thời, tỉnh cũng không chấp thuận cho triển khai thêm dự án nhiệt điện trên địa bàn.

Cuối năm 2016, làm việc với cán bộ chủ chốt của Bạc Liêu tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hoan nghênh đề xuất xin rút dự án nhiệt điện Cái Cùng ra khỏi quy hoạch tổng sơ đồ điện VII. Lúc đó, lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu cho rằng dự án Cái Cùng là nhà máy nhiệt điện than, có thể gây ô nhiễm môi trường không nhỏ, ảnh hưởng đến định hướng, mục tiêu phát triển nuôi trồng thủy sản của địa phương. Để bổ sung nguồn điện, những năm qua, Bạc Liêu đã chú trọng đầu tư phát triển nguồn năng lượng tái tạo.

Bạc Liêu hướng đến năng lượng sạch - Ảnh 1.

Nhà máy điện gió Bạc Liêu có tổng công suất 99,2 MW đang hoạt động hiệu quả

Ông Nguyễn Minh Thống (ngụ xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải - nơi dự án nhiệt điện Cái Cùng dự định triển khai) bộc bạch: "Nếu xây nhà máy nhiệt điện tại vùng ven biển này, trước mắt mỗi năm tỉnh có thể thu ngân sách hàng trăm tỉ đồng nhưng về lâu dài, cái giá phải trả cho ô nhiễm môi trường, cho thiệt hại về kinh tế thì khó có thể tính hết. Chúng tôi rất mừng khi lãnh đạo tỉnh đã mạnh dạn từ chối lợi ích trước mắt, có cái nhìn chiến lược, vì môi trường, vì tương lai".

Ngày 5-11, trên diện tích 400 ha được quy hoạch nhà máy nhiệt điện trước đây, địa phương đã tổ chức ký kết hợp tác đầu tư với Group SY xây dựng nhà máy điện mặt trời có tổng công suất lên đến 300 MW. Dự kiến mức đầu tư của dự án tương đương 10.242 tỉ đồng.

Từ điện gió đến điện mặt trời

Bạc Liêu có đường bờ biển dài hơn 56 km, lượng gió mạnh và khá ổn định, có ánh nắng mặt trời gần như quanh năm nên rất thuận lợi để đầu tư phát triển điện gió, điện mặt trời. Hiện nay, tỉnh này đã có nhà máy điện gió do Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại - Du lịch Công Lý đầu tư. Nhà máy này có công suất 99,2 MW, gồm 62 trụ tua-bin đã lắp đặt hoàn thành, hòa vào lưới điện quốc gia trên 350 triệu KWh. Đây là nhà máy điện gió thương mại có quy mô lớn nhất nước vào thời điểm này, với tổng mức đầu tư 5.200 tỉ đồng.

Ngoài điện gió, Bạc Liêu còn tiềm năng rất lớn về năng lượng mặt trời. Xuất phát từ một số doanh nghiệp lắp đặt hiệu quả các tấm pin thu năng lượng mặt trời trên mái che nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kín, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đã chủ động đề nghị hợp tác đầu tư dự án điện năng lượng mặt trời tại đây.

Theo thỏa thuận hợp tác đầu tư dự án nhà máy điện mặt trời tại xã Long Điền Đông, thời gian thực hiện từ năm 2017 đến tháng 6-2019. Dự án được chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 có quy mô 50 MW, sau khi hoàn thành, nhà máy có tổng công suất lên đến 300 MW.

Theo ông Hong Young Don, Chủ tịch Group SY, đây là dự án năng lượng mặt trời có quy mô lớn nhất Việt Nam hiện nay. Cùng với một số dự án điện gió, năng lượng mặt trời khác trên địa bàn, dự án nhà máy điện mặt trời tại xã Long Điền Đông sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, cung cấp năng lượng tái tạo cho Việt Nam.

Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, đánh giá cao Group SY đã tìm hiểu, chọn Bạc Liêu đầu tư dự án. "Bạc Liêu sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư triển khai dự án trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam. Đề nghị nhà đầu tư sau khi được chấp thuận đầu tư, cấp phép đầu tư cần triển khai nhanh, đúng tiến độ để dự án sớm phát huy hiệu quả, mang lại lợi ích cho cộng đồng" - ông Trung nhấn mạnh.

Nhiều tập đoàn muốn đầu tư

Ngoài Group SY, Tập đoàn Kimin (Anh quốc) cũng đã xin phép UBND tỉnh Bạc Liêu đầu tư dự án điện năng lượng mặt trời có công suất 150 MW. Theo đề xuất, dự án có 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 có công suất 40 MW, giai đoạn 2 nâng lên 110 MW… Ông Nick Marshall, đại diện Tập đoàn Kimin, bày tỏ: "Chúng tôi mong được tỉnh chấp nhận để tập đoàn được đầu tư dự án điện mặt trời tại Bạc Liêu. Tôi cảm nhận môi trường đầu tư ở Bạc Liêu rất thuận lợi. Tôi sẽ chuyển thông điệp này đến bạn bè tôi ở châu Âu để họ đến và đầu tư các dự án lớn về năng lượng tái tạo ở Bạc Liêu".

Mới đây, sau chuyến kêu gọi đầu tư của lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu, Công ty UPC Ranewables (Mỹ) cũng đến Bạc Liêu đề nghị được triển khai dự án điện gió trên cạn. Ông Logan Knox - Phó Tổng Giám đốc Công ty UPC Ranewables, phụ trách vận hành khu vực châu Á - cho biết: "Qua khảo sát thực tế, chúng tôi rất mừng vì mọi việc khá thuận lợi về vị trí cũng như việc vận chuyển các thiết bị, đấu nối lưới điện… Công ty đã lập dự án tiền khả thi với mức đầu tư dự kiến khoảng 350 triệu USD, gồm 170 trụ điện gió và quy mô sản xuất 200 MW điện. Dự án chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 vận hành 50 MW, giai đoạn 2 là 150 MW. Chúng tôi cam kết nếu tỉnh cho phép thực hiện dự án này, công ty sẽ đặt các trụ tua-bin cách xa hộ dân ít nhất 300 m; đồng thời sử dụng rất ít đất ruộng. Chúng tôi sẽ sử dụng các công nghệ mới nhất ứng dụng vào dự án điện gió Bạc Liêu". 

An Giang: Xây nhà máy điện mặt trời 210 MW

Ngày 6-11, ông Trương Vĩnh Thành, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sao Mai, cho biết vừa chính thức ký kết với Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) về việc cam kết hỗ trợ dự án xây nhà máy điện sử dụng năng lượng mặt trời với tổng công suất thiết kế 210 MW tại vùng Bảy Núi, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang.

Theo cam kết, trong 5 năm (2018-2021), Sao Mai sẽ lần lượt đầu tư nhà máy năng lượng điện mặt trời với giai đoạn 1 (46 MW), giai đoạn 2 (58 MW), giai đoạn 3 (44 MW) và giai đoạn cuối (62 MW). Tổng nguồn vốn đầu tư cho dự án là 193,35 triệu USD, tương đương gần 4.700 tỉ đồng. Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án đã được Công ty Tư vấn ILF Chi nhánh Thái Lan lập và được tỉnh An Giang cấp phép đầu tư. Dự án đã được đưa vào quy hoạch tổng thể phát triển ngành điện quốc gia.

Trước đó, ngày 12-5, Tập đoàn Sao Mai cũng đã tổ chức đóng điện Nhà máy Điện mặt trời Sao Mai 1 tại Cụm Công nghiệp Vàm Cống (huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) với tổng công suất 1,06 MW, tổng số vốn đầu tư xấp xỉ 2 triệu USD.

TH.NỐT

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo